Mô hình “Khởi nghiệp từ mô hình tái chế rác thải” Phường 10, Quận 6

27/05/2022 - 17:50

PNO - Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước

Khởi nghiệp từ mô hình tái chế rác thải

Ngày 19/10/2018, Chỉ thị số 19-CT/TU của Thành ủy TP.HCM về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” được ban hành ra đời. Cũng như các đoàn thể chính trị khác, Hội LHPN các cấp trở thành lực lượng nòng cốt tuyên truyền, nòng cốt , vận động thực hiện việc giữ gìn màu xanh, vẻ mỹ quan cho thành phố. Trong việc thực hiện Chỉ thị này, nhiều cơ sở Hội đã thể hiện sự sáng tạo đến bất ngờ…

Đâu chỉ là không xả rác…

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền – Chủ tịch Hội LHPN P.10, quận 6 nhớ lại, ngay khi bắt đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 19, chị rất “tâm tư” lo lắng. Bởi việc vận động người dân không xả rác ra đường phố và kênh rạch, giữ cho phố phường sạch sẽ, mỹ quan không hề đơn giản. Rồi khi bắt tay vào công việc, chị đã dần đình hình về cách làm. Cũng như các địa phương khác, Hội LHPN P.10 nghĩ ra rất nhiều cách làm, như “15 phút sẵn sàng vì thành phố Sạch và Xanh”, cứ mỗi cuối tuần các chị lại xuống đường, quét dọn con hẻm, lề đường nơi mình sinh sống, trồng cây, hoa cho những tuyến hẻm thêm xanh. Hội đặt thùng rác nơi công cộng, làm hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, tặng giỏ đi chợ cho hội viên phụ nữ trong vận động không dùng túi ni – lông, để vừa giảm thiểu rác thải sinh hoạt, vừa bảo vệ môi trường… “Thế nhưng, dù làm rất nhiều cách, chúng tôi vẫn thấy chưa đủ. Tôi nghĩ, cần vận động mọi người tiết kiệm nguyên liệu, rác thải, tái chế rác thải để hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường” - chị Thu Hiền tâm sự. 

Đó là khoảng cuối năm 2018, chị Hiền lên mạng tìm hiểu việc sử dụng rác thải, thì thấy đa phần những gì bán ve chai được, người ta sẽ bán, số còn lại sẽ bị vứt đi. Điều này làm chị cứ băn khoăn, làm sao để biến những món đồ vứt đi thành vật có ích? Chị nói: “Tôi thấy trên mạng, có một số người khoe các sản phẩm hoa được làm từ bao ny lông tái chế, tôi cũng mày mò làm và thấy cũng khá dễ dàng. Sau đó tôi thử làm hoa từ giấy báo giấy tập cũ rồi chụp ảnh đăng lên mạng, không ngờ lại có người hỏi mua. Tôi nghĩ đây là một cách làm hay, có thể chia sẻ cho nhiều chị em cùng làm khi tuyên truyền bảo vệ môi trường. Vừa vui, vừa có ích”.

Nghĩ vậy, chị hội ý cùng Ban chấp hành Hội LHPN phường 10. Sau nhiều đắn đo, suy tính, đến tháng 5/2019, Hội LHPN P.10 quyết định vận động hội viên phụ nữ ở P.10, Q.6 thực hiện mô hình “Khởi nghiệp từ tái chế rác thải”. Để bắt đầu, chị Hiền hướng dẫn chị em hội viên của phường tái chế từ sách báo, lon nước ngọt, chai nhựa, que gỗ, ống hút… đã qua sử dụng, thành các loại văn phòng phẩm, vật dụng gia đình. Từ tháng 5 đến tháng 10/2019, chị em đã làm ra hơn 20 mặt hàng đẹp mắt, đa dạng và đa dụng, gồm lọ hoa, túi xách, ly tre, ống hút tre, hoa các loại, dụng cụ văn phòng… Trong cuộc triển lãm vào dịp 20/10 năm ấy, các sản phẩm tái chế này được nhiều chị em thích thú mua làm quà tặng, làm vật trang trí trong nhà, trong phòng làm việc… 

Lan tỏa như một phong trào 

Thế là Hội LHPN P.10 đã đẩy mạnh phong trào thành một mô hình để tập hợp và thu hút chị em. Hơn 20 hội viên, phụ nữ đủ các lứa tuổi tại năm khu phố của phường đã được tập hợp vào nhóm. 

Chị Thu Hiền cho biết: “Các sản phẩm do chị em làm ra ngày một nhiều, nên cứ mỗi lần phường, quận hay thành phố tổ chức triển lãm, hội chợ, chúng tôi lại mang sản phẩm “từ bàn tay Hội” cùng các sản phẩm thân thiện môi trường khác như ống hút tre, giỏ mây… - sản phẩm thân thiện với môi trường - đi để tham dự kết hợp với kinh doanh. Bán kèm các sản phẩm Hội làm ra còn có nhiều sản phẩm thân thiện môi trường khác như túi ny - lông tự phân hủy, ống hút tre, giỏ mây… Số tiền thu được, chúng tôi dùng để gây quỹ thực hiện các chương trình an sinh xã hội”.

Đồng thời, để đáp ứng được đơn hàng ngày càng nhiều, chị Hiền và Hội Phụ nữ phường đã tổ chức các lớp hướng dẫn làm sản phẩm tái chế cho chị em phụ nữ và nữ công nhân tại các khu lưu trú trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai - Chi hội Trưởng Chi hội phụ nữ Khu phố 5, một trong những học viên tích cực của lớp tập huấn cho biết, hóa ra việc học cách tái chế rác thải thú vị và cuốn hút mọi người vô cùng. Người lớn và trẻ nhỏ đều làm được dễ dàng. Sau khi học xong, chị Mai về mày mò tự làm, rồi tổ chức lớp dạy ở khu phố. Hè 2020, ngay đợt giãn cách xã hội, chị gom các cháu nhỏ trong khu phố lại dạy tái chế tập vở, sách báo, đồ dùng cũ thành các vật dụng trang trí, bình hoa, hộp đựng bút… Công việc mới mẻ, thú vị, qua những lớp học này, chị dạy các em phân loại rác tại nguồn, không xả rác nơi công cộng, cùng bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan chung.  

Giống như chị Mai, nhiều cán bộ các Chi Hội cũng âm thầm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường thông qua việc hướng dẫn tái chế rác thải thành vật dụng có ích. Nhờ đó, chị em vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi, vừa có thêm thu nhập. Có tổ Hội tiết kiệm được đến năm triệu đồng sau một đợt bán sản phẩm tái chế. Các chị dùng số tiền này mua quà tặng chị em phụ nữ khó khăn, tặng sách vở cho con em phụ nữ nghèo đến lớp…

Tháng 6 -7 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, khu chung cư Ehome, P.An Lạc, Q.Bình Tân, nơi chị Nguyễn Thị Thu Hiền sinh sống liên tiếp bị phong tỏa, khiến người vị Chủ tịch Hội phụ nữ phường vốn năng nổ, xông xáo này bị “bó chân” tại chỗ. Vậy mà tranh thủ thời gian này chị vẫn đã tìm vật dụng cũ như sách báo, thùng xốp… sẵn có trong nhà để làm giỏ xách, bình hoa, khay đựng công văn, giấy tờ. Hàng chục sản phẩm tái chế từ các vật dụng bỏ đi đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. Chị vừa làm vừa hướng dẫn nhóm chị em phụ nữ ở các khu phố cùng thực hiện các kỹ thuật làm các vật dụng trang trí mà chị mới học hỏi hoặc sáng tạo ra được. Ngay cả trong mùa dịch bệnh, nhóm phụ nữ “Khởi nghiệp từ tái chế rác thải” cũng không hề rảnh rang. Công việc giúp các chị có niềm vui, và tiềm năng mang lại nguồn thu nhập cho chi Hội các khu phố để tổ chức các hoạt động và góp phần cho công tác bảo vệ môi trường tại địa phương. trong đợt triển lãm, bán hàng, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 10 tới.

Từ ý nghĩa và sức lan tỏa đó, mô hình “Khởi nghiệp từ tái chế rác thải” của Hội được cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá cao, và được chọn là mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện Chỉ thị 19 của thành phố về “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, đồng thời thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” do Trung ương Hội phát động. Năm 2020, cách làm này của Hội LHPN P.10 được UBND Q.6 và UBND TP.HCM công nhận là mô hình “Giải pháp sáng kiến xanh”.

 

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI