Mô hình hạn chế sử dụng túi nylon: Cần sự hỗ trợ bền vững

02/11/2013 - 11:22

PNO - PN - Ngày 30/10, Hội LHPN TP.HCM tổ chức tọa đàm, sơ kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình tuyên truyền “Hạn chế sử dụng túi nylon”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ chương trình liên tịch “Phát huy vai trò phụ nữ trong tham gia bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững” giai đoạn 2012-2016 giữa Hội LHPN TP với Sở TN-MT và Sở NN-PTNT TP, mô hình tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nylon (ni lông) đã được triển khai rộng khắp 24 quận, huyện.

Nâng cao nhận thức

Theo Hội LHPN TP, qua một năm triển khai thí điểm mô hình tuyên truyền “Hạn chế sử dụng túi nylon”, đã có 154 chợ, hai hợp tác xã thương mại - dịch vụ, 290 tuyến đường, tuyến hẻm có đông cửa hàng buôn bán trên địa bàn TP đã tích cực hưởng ứng. Một số mô hình đã được triển khai như: vận động các bà nội trợ thu gom túi nylon để sử dụng nhiều lần (Hội LHPN Q.5), Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường (huyện Hóc Môn), CLB nữ thương nhân hạn chế sử dụng túi nylon (chợ Tân Bình…). Song song đó, các cấp Hội cũng đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thi nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân về tác hại của túi nylon đối với môi trường và sức khỏe con người.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều quận, huyện đã có những sáng kiến, mô hình hay, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi sang sử dụng những loại túi thân thiện môi trường thay cho túi nylon.

Tại Q.Bình Thạnh, đến nay đã có 20 tuyến đường điểm thực hiện mô hình “Nói không với túi nylon”, trong đó tập trung là các tuyến đường có đông hộ kinh doanh và các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Hội LHPN cơ sở còn nỗ lực trong việc vận động tặng túi giấy, túi tự hủy cho hội viên tiểu thương các chợ, phát túi sử dụng nhiều lần cho hội viên khi đi chợ, siêu thị. Năm 2013, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, ra mắt mô hình điểm Tổ PN hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường tại P.25, thu hút 30 hội viên tham gia.

Tại Q.10, sau khi ra mắt thí điểm mô hình CLB “Phụ nữ tuyên truyền vận động, hạn chế sử dụng túi nylon” với 20 thành viên tại P.1, Quận Hội đã đẩy mạnh thực hiện tại hai chợ lớn và bốn chợ nhỏ trên địa bàn. Hội cũng đã chủ động liên hệ với một công ty sản xuất túi thân thiện môi trường, giới thiệu và bán các sản phẩm túi vải, túi thân thiện dễ phân hủy. Đến nay, đã có 23 cơ sở đặt mua trên 20.000 sản phẩm túi giấy, túi thân thiện môi trường.

Không chỉ tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, PN hạn chế sử dụng túi nylon, nhiều cơ sở hội còn chủ động tạo ra các sản phẩm túi thân thiện môi trường nhằm “tự cung - tự cấp” đến các hội viên, tiểu thương, các chợ có nhu cầu. Tháng 8/2013, Hội LHPN huyện Bình Chánh đã ra mắt Tổ PN gia công túi giấy thân thiện với môi trường. Chị Trần Thị Cẩm Thúy - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Chánh cho biết: “Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, tổ đã giới thiệu cho nhiều hội viên cách làm và nhận túi về gia công tại nhà. Có được sản phẩm, Huyện Hội đã tổ chức gặp gỡ trên 700 tiểu thương ở hai chợ Bình Chánh và Cầu Xáng để tuyên truyền vận động hưởng ứng việc hạn chế sử dụng túi nylon”.

Mo hinh han che su dung tui nylon: Can su ho tro ben vung

Đại diện các đơn vị sản xuất túi thân thiện đang giới thiệu các sản phẩm

Cần hỗ trợ tìm nguồn hàng

Theo đại diện Hội LHPN, tiểu thương các chợ, việc hạn chế sử dụng túi nylon là rất cần thiết, nhưng việc tìm nguồn túi thân thiện với môi trường vẫn còn khó khăn, giá thành còn cao, thiếu kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất túi với người tiêu dùng, tiểu thương, PN.

Chị Lê Thị Ngọc - Hội PN chợ Vườn Chuối (Q.3) băn khoăn: “Lâu nay, chị em tiểu thương đã quen sử dụng túi nylon, chi phí chỉ từ 25.000 - 30.000đ/kg, còn giá các loại túi thân thiện với môi trường hiện có giá từ 45.000đ/kg trở lên. Với tình trạng chợ vắng khách hiện nay, chi phí tăng lên là gánh nặng cho tiểu thương”.

Chị Đỗ Thúy Hà - Hội PN chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) nêu: “Hiện nay, đa số sản phẩm túi thân thiện chỉ đựng được những đồ vật nhẹ, khô, còn những mặt hàng ướt thì không được. Hơn nữa, các sản phẩm túi thân thiện hiện nay đa số có kích cỡ lớn, không đa dạng như túi nylon, có đủ loại kích cỡ để đựng những món hàng nhỏ như: tỏi, ớt, hành tươi...”.

Ngoài những hạn chế về giá, kích cỡ, nhiều chị em, tiểu thương cũng phản ánh về sự thiếu thông tin, khó tìm nguồn hàng. Cán bộ hội và hội viên tiểu thương các chợ kiến nghị Hội đứng ra liên kết, tạo cầu nối cho cán bộ, hội viên, tiểu thương trong việc tìm nhà cung cấp, vận động các doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp tiểu thương mở sạp bán các mặt hàng túi thân thiện với môi trường, để dần thay thế túi ni lông.

Tham gia tọa đàm còn có hai nhà sản xuất các loại túi, bao bì thân thiện với môi trường đến từ Q.Tân Bình và Q.Tân Phú. Theo ông Hoàng Văn Điều - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Văn hóa Tân Bình, cho biết, TP sử dụng từ 8 - 10 triệu túi nylon các loại/ngày, nhưng hiện tại có rất ít đơn vị sản xuất. Do đó, hiện nay, thị trường túi thân thiện môi trường cũng “thật giả - lẫn lộn”, nhiều nơi rao sản xuất các loại túi thân thiện môi trường nhưng thành phần, chất lượng hàng có “thân thiện với môi trường” hay không thì chưa có cơ quan nào kiểm định.

“Giá cả các mặt hàng túi thân thiện với môi trường hiện chỉ cao hơn túi nylon khoảng 10%, nhưng nếu có sự hỗ trợ của nhà nước thì sẽ rút ngắn sự chênh lệch này. Chúng tôi rất sẵn lòng kết hợp với Hội trong việc cung cấp nguồn hàng, hỗ trợ ban quản lý và Hội PN các chợ mua các sản phẩm túi thân thiện, hỗ trợ mở cửa hàng bán các sản phẩm túi thân thiện” - ông Điều cam kết.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Khánh Tâm - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP, Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ đề nghị: cán bộ Hội cơ sở, cán bộ Hội PN các chợ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền “Hạn chế sử dụng túi nylon”, phải xem đó là công tác thường xuyên lâu dài. Hầu hết các tham luận chỉ báo cáo hoạt động tuyên truyền hoặc thực hiện một số mô hình mà chưa nêu được kết quả cụ thể; cần đánh giá hiệu quả của chương trình, tìm ra được những mô hình hay để nhân rộng trong thời gian tới.

 Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI