Gần 20 năm làm công tác phân tích chính sách cho chính quyền TP.HCM, ông Huỳnh Thế Du - giảng viên chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam - đã dành cho phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM cuộc đối thoại liên quan đến các dự án quy hoạch, giải tỏa và năng lực của bộ máy hành chính công trong việc thực hiện các dự án này.
|
Ông Huỳnh Thế Du - giảng viên chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam |
- Năm 2010, ông có phân tích về ba dự án phát triển hạ tầng đô thị thông qua tài trợ đất, gồm Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng và Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Vậy xin ông cho biết những tồn tại cơ bản trong câu chuyện “Phố Đông” của TP.HCM?
- Ông Huỳnh Thế Du: Ở Thủ Thiêm, có hai trục trặc cơ bản. Thứ nhất, tâm lý người dân trong việc đền bù. Giả dụ, bình quân 1m2 đất có giá 1 triệu đồng tiền đền bù, 1 triệu đồng chi phí làm cơ sở hạ tầng (CSHT) và 50% diện tích đất quy hoạch cho CSHT, tức là giá đất thương phẩm đã tăng lên bốn lần so với giá nhận đền bù. Lúc này, xảy ra trục trặc.
Người may mắn có đất nằm bên cạnh dự án, ngoài được hưởng toàn bộ CSHT, tất cả mọi thứ liên quan đến dự án, thì 1m2 của họ về cơ bản đã là 1m2 đất thương phẩm. Tức khi đó, họ bán được giá 4 triệu đồng, được xem là giá thị trường. Còn người dân trong quy hoạch chỉ nhận 1 triệu đồng đền bù thôi, dù đó là giá đúng. Nhưng người dân sẽ không chấp nhận. Ở đâu trên thế giới này cũng đều xảy ra trục trặc lớn này.
Điều này phải xảy ra, do đó cần làm sao cho các bên hiểu rõ. Thứ hai, năng lực yếu kém của khu vực công mà Hội nghị Trung ương 7 vừa bàn đấy. Tôi vẫn thường nói về cơ chế “khuyến khích ngược”.
- Cơ chế “khuyến khích ngược” nghĩa là sao?
- Ông Huỳnh Thế Du: Giá đất ở Thủ Thiêm cứ tăng nhanh và giá đền bù cứ như thế lên theo. Điều này kéo dài mà chả ai có động cơ để giải quyết. Nếu anh là cán bộ đền bù giải tỏa, anh biết theo quy định (ví dụ) giá là 1 triệu đồng trong bối cảnh dự án đang nằm trong ý tưởng. Anh biết rằng, chỉ cần trả 1,2 triệu đồng thôi thì người dân sẽ đồng ý đi. Vậy câu chuyện là, nếu anh tìm cách linh hoạt để xử lý cho người dân, thì lúc đó ít nhất anh phải trình và cơ chế sẽ làm cho anh thêm việc.
Đó là chưa kể cái gì nằm ngoài quy định, có khả năng anh bị cho là làm sai, mà sai thì anh sẽ gặp rắc rối lớn. Nên thôi, anh chả có động cơ để làm như thế, cứ mặc kệ nó, mắc mớ gì “rước họa vào thân”. Bản chất của khu vực công là như thế.
Về bản chất, ta mong mỏi có quy trình rõ ràng để làm. Trên thực tế, không có thứ đó. Quy trình thì không thể uyển chuyển theo thực tế nảy sinh. Do đó, đòi hỏi năng lực xử lý tình huống của cán bộ, nhưng hiện không có cơ chế nào khuyến khích họ làm như thế cả, cho dù chính đáng.
“Trước mắt, cũng nên xem xét lại một số trường hợp thật sự bất hợp lý về tiền đền bù, mà tôi nghĩ là không nhiều. Cuối cùng, việc của TP.HCM đâu có phải là chuyển đổi đất nông nghiệp thành đô thị. Mà quỹ đất có sẵn cơ sở hạ tầng thì còn đầy, mênh mông.
Việc của TP.HCM chính là làm sao có cơ chế để phát triển đô thị. Ta chọn mở rộng hay sử dụng đất hiện hữu (đã có sẵn cơ sở hạ tầng) cho hiệu quả? Tính toán lại thuế đất và cho các vùng đất hiện hữu phát triển lên”.
Ông Huỳnh Thế Du
|
Cơ chế “khuyến khích ngược” đang bao trùm cả hệ thống. Ai cũng biết, bất kỳ việc nào cũng phải linh hoạt, vận dụng cái này, cái kia. Đứng trước một vấn đề, cán bộ có hai cách giải quyết. Nếu anh là người vì cái chung, anh sẽ tìm thông tư này, nghị định kia để giải quyết mau chóng cho dân, cho doanh nghiệp. Nếu giải quyết như thế thì anh có được gì không? Chắc chắn là không.
Mà như đã nói, còn có khả năng sai. Thực tế, cán bộ đi làm chỉ là vì mưu cầu thu nhập và thăng tiến. Nếu xử lý linh hoạt, nhanh gọn cho người dân thì làm sao có “ma sát”, tức đồng nghĩa là không có
bôi trơn.
- Ý ông là, cơ chế "khuyến khích ngược" đã triệt tiêu động cơ làm việc?
- Ông Huỳnh Thế Du: Đúng vậy. Thế mà, hệ thống của mình hiện đánh giá theo kiểu “không sai” chứ không phải là “làm được việc”. Anh làm 10 việc, đúng chín việc mà lỡ sai một việc là chết. Khi có kẽ hở, thường người ta có xu hướng lợi dụng hơn là giải quyết vấn đề. Muốn điều chỉnh lại động cơ của cán bộ, chúng ta phải đánh vào lợi ích, làm sao để họ có được thu nhập cao và thăng tiến tốt thì họ mới làm.
- Đó chỉ mới là động cơ để làm hay không mà thôi. Cái nguy hiểm hơn lại nằm ở chỗ, khi nắm giữ thông tin, thực tế không ít người ở khu vực công đã trục lợi?
- Ông Huỳnh Thế Du: Đúng. Nếu cán bộ làm theo kiểu trục lợi thì còn được lợi nhiều hơn. Nếu biết khu này có quy hoạch, họ hoặc người thân sẽ đi đầu cơ, kiếm lời. Vấn đề này càng làm “trục trặc” nghiêm trọng hơn nữa.
Với người dân, bình thường để thuyết phục họ 1 triệu hay 4 triệu đồng là đã quá khó rồi; cái khó hơn nữa lại là có cán bộ đang trực tiếp tham gia thu hồi đất của dân mà lại “vô tình” có đất ở bên cạnh dự án, tránh sao được sự nghi ngờ của dân!
- Như ông đã nói, trên thế giới cũng xảy ra trục trặc tương tự. Vậy kinh nghiệm từ các nước để giải quyết những khó khăn này là gì?
- Ông Huỳnh Thế Du: Sự tham gia của người dân vào dự án là cực kỳ quan trọng. Khi người dân được tham gia, tức thì dẫn đến sự minh bạch. Chúng ta tính toán dự án thu hồi sẽ tạo ra giá trị chừng này, mỗi bên sẽ được chừng này, khi đó, người dân biết rõ bằng lý trí chứ không phải “suy đoán” như hiện nay.
Một giải pháp nữa là, phải có cơ chế bắt phía hưởng lợi từ “của trời cho” kia - tức những người hưởng lợi từ dự án - phải đóng góp vào việc xây dựng CSHT. Ở nước ngoài, người ta gọi là thuế cải thiện (betterment levy), đánh vào những người có đất nằm ở ranh dự án. Những cách làm này không tạo ra tâm lý bất công, may nhờ rủi chịu nữa.
- Giữa những ngổn ngang hiện tại, cần phải làm gì, thưa ông?
- Ông Huỳnh Thế Du: Về nguyên tắc, phải làm đúng trình tự: phải thu hồi đất, đất “sạch” rồi mới xây dựng CSHT để kiểm soát giá đất. Chuyện Thủ Thiêm đã diễn ra theo trình tự ngược. Khi mới công bố quy hoạch thôi, giá đất đã lên một khúc. Cầu Thủ Thiêm xây xong, giá lên khúc nữa. Hầm Thủ Thiêm làm xong, lại lên khúc nữa. Khi đường nội bộ xong, tiếp tục thêm một khúc. Và quá trình đền bù kiểu cuốn chiếu lại tạo ra “khuyến khích ngược” cho phía người dân: ai mà tuân thủ ngay từ đầu thì thiệt, ông nào càng lỳ, càng được nhiều.
Thủ Thiêm hiện về cơ bản gần như giải tỏa, đền bù hết rồi. Phải cho người dân thấy giá đất bây giờ đã gồm giá trị đất, CSHT, giá đầu cơ đồn thổi thị trường. Người dân đang đòi giá này. Phải giải thích cho dân hiểu vấn đề này.
Đối với nghiên cứu của Viện Kinh tế TP.HCM về mô hình cổ phần hóa cho người dân bị ảnh hưởng, bị thu hồi đất trở thành cổ đông trong các dự án - tức tiền đền bù tái định cư trở thành tỷ lệ góp vốn để xây dựng dự án - ông Huỳnh Thế Du cho rằng, khó triển khai trong thực tế.
Theo ông, Hàn Quốc có cách làm gọi là điều chỉnh đất (land treatment), nghĩa là khi thu hồi một mảnh đất, nhà nước hay nhà đầu tư đứng ra thu hồi hết, sau đó quy 30% đất cho giao thông, CSHT, công trình công cộng, còn lại 70%, trong đó 30% là chi phí để đầu tư CSHT, nhà đầu tư phải có 10% lợi nhuận yêu cầu, vậy là còn 30% của người dân.
“Cổ phần hóa cũng là một cách nhưng để làm cổ đông thì phải có kiến thức, hiểu biết nhất định và phải có niềm tin. Đa số dân mình cứ đền bù tiền tươi thóc thật, còn cổ phần thì họ lại đặt vấn đề làm ăn linh tinh ở trong đó, không minh bạch. Mô hình cổ phần hóa về nguyên lý thì có thể thực hiện được nhưng trên thực tế, rất khó làm” - ông Du nhận định.
|
Quốc Ngọc (thực hiện)