Mô hình chính quyền đô thị: Tăng tự chủ, tăng trách nhiệm trước dân

11/08/2013 - 08:12

PNO - PN - TP.HCM được xem là một đô thị “đặc biệt” với quy mô lớn nhất nước nhưng lại gặp nhiều thách thức trong công tác quản lý, quy hoạch, an sinh xã hội… Vì vậy, TP.HCM rất cần có mô hình chính quyền đô thị thích hợp để...

Mo hinh chinh quyen do thi: Tang tu chu, tang trach nhiem truoc dan

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND Q.Bình Tân

Mô hình hai cấp

Theo dự thảo đề án, chính quyền đô thị TP.HCM được tổ chức hai cấp (theo quy định hiện hành ba cấp) gồm: cấp TP trực thuộc trung ương và cấp cơ sở. Trong đó, 13 quận nội thành chỉ có một cấp quản lý là cấp chính quyền TP.HCM. Để thuận lợi trong công tác quản lý hành chính nhà nước, tại mỗi quận nội thành sẽ tổ chức một cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức Ủy ban hành chính. Người đứng đầu Ủy ban hành chính quận gọi là Chủ tịch quận hoặc Quận trưởng. Dưới các quận nội thành có Ủy ban hành chính phường do Chủ tịch Ủy ban hành chính phường hoặc Phường trưởng đứng đầu. Tất cả các Ủy ban hành chính cấp quận, phường chỉ là cơ quan đại diện của chính quyền TP.HCM, không phải là pháp nhân công quyền.

Đề án cũng đề xuất việc hình thành các đô thị vệ tinh, tức là sẽ có “thành phố trong thành phố”; với bốn TP vệ tinh có tên gọi: Đông, Nam, Tây, Bắc ở bốn cửa ngõ TP qua việc gộp lại một số quận. Các đô thị này là cấp chính quyền cơ sở dưới cấp chính quyền TP.HCM (lớn), có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao. Chính quyền bốn thành phố được lập mới có HĐND, UBND, hoạt động theo cơ chế phân cấp. Người đứng đầu các TP gọi là Chủ tịch hoặc Thị trưởng có ngạch bậc tương đương với Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.

Sau khi tổ chức bốn TP mới, diện tích còn lại là địa bàn nông thôn, sẽ tổ chức thành các xã và thị trấn. Tại mỗi xã và thị trấn có HĐND và UBND với cơ chế tự chủ cao (tương đương chính quyền bốn TP vệ tinh) do HĐND của cấp tương ứng bầu và được UBND TP.HCM phê chuẩn. Tuy nhiên, do địa bàn xã và thị trấn còn khó khăn, sẽ được chính quyền TP.HCM hỗ trợ bằng cách lập cơ quan đại diện hành chính của chính quyền TP.HCM trên địa bàn ba huyện: Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ theo cơ chế ủy nhiệm chứ không phải cấp chính quyền.

Mo hinh chinh quyen do thi: Tang tu chu, tang trach nhiem truoc dan

Quận 2 - thành phố Đông trong đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM

Nội dung đề án sẽ được tiếp tục lấy ý kiến HĐND TP.HCM, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và các tầng lớp nhân dân...

Tiến sĩ Võ Trí Hảo - Khoa Luật, ĐH Kinh tế TP.HCM khẳng định, chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy chính quyền hiện nay là xuất phát từ nhu cầu của người dân. Hiện các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội của TP rất thiếu so với nhu cầu của người dân, an ninh trật tự phức tạp, bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả… Vì vậy, TP rất cần chuyền đổi sang mô hình quản lý chính quyền đô thị để phát huy hiệu quả đầu tư và chăm lo cho các vấn đề an sinh của người dân được tốt hơn.

Ông Diệp Văn Sơn - nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, mô hình quản lý đô thị tại TP.HCM hiện nay như “dùng chiếc áo nông thôn để mặc cho đô thị”, quá “chật” với tầm vóc to lớn của một đô thị. Trong quá trình quản lý đô thị, các cấp chính quyền phải luôn đương đầu với những khó khăn như: xây dựng không tuân thủ quy hoạch, ngập nước, thiếu cây xanh, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thất nghiệp, tệ nạn xã hội, gia tăng dân số… Hệ thống luật pháp về đô thị chưa đủ, chưa đồng bộ, pháp chế chưa nghiêm dẫn đến cơ sở hạ tầng của đô thị lạc hậu, không đồng bộ; công tác tổ chức và quản lý đô thị chưa khoa học; công tác quy hoạch đô thị tiến hành chậm, chưa đồng bộ… Các bất cập này cư dân đô thị sẽ gánh chịu và chỉ có thể hóa giải khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Chính quyền gần dân hơn

Theo tiến sĩ Võ Trí Hảo, mô hình chính quyền đô thị sẽ nâng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan chính quyền. Lâu nay ở ta, mỗi khi xảy ra vấn đề gì thì không thể tìm được người chịu trách nhiệm chính. Dân bị thiệt hại cũng không biết khiếu kiện ai. Tuy nhiên, với mô hình chính quyền đô thị sẽ có cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể. Nếu trong quá trình cung cấp dịch vụ công mà cơ quan cung cấp gây thiệt hại cho người dân thì cá nhân đó có thể khiếu kiện ngay cơ quan cung cấp đòi bồi thường. Cơ quan này cũng không thể đỗ lỗi cho ai được để trốn tránh trách nhiệm.

Bên cạnh đó, việc giảm bớt cấp quản lý của mô hình chính quyền đô thị sẽ làm khoảng cách từ dân đến chính quyền gần hơn. Về vấn đề quản lý trật tự xã hội, hành chính sẽ hiệu quả hơn. Chẳng hạn, về vấn đề an ninh trật tự của TP hiện rất phức tạp nhưng Chính phủ quy định mức phạt áp dụng chung cho cả nước. Trong khi ở đô thị, người dân thu nhập cao hơn, dẫn đến mức phạt không đủ sức răn đe. Tương tự, mức lương cơ bản hiện nay đảm bảo đời sống cho cán bộ công chức bình quân trong cả nước nhưng ở TP.HCM chưa chắc đảm bảo được đời sống cho cán bộ công nhân viên chức.

Theo ông Diệp Văn Sơn, chỉ xét riêng việc tăng tính tự chủ, tự quản cho chính quyền đô thị sẽ tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý để đáp ứng nhu cầu cấp bách về một cơ chế “mềm” phục vụ quản lý, phát triển cho TP. Chẳng hạn, chính quyền được tự chủ quyết định số lượng biên chế của bộ máy các cấp và chính sách, chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, chính quyền cũng được trao thêm quyền quy định các hành vi xâm phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị phát sinh mới (chưa có văn bản luật quy định là vi phạm hành chính) và quy định mức xử phạt nhằm tăng cường giáo dục, răn đe.

 Phan Trí- Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI