Mô hình biến rác thành phân hữu cơ để trồng rau sạch tại P.An Phú Đông, Q.12

27/05/2022 - 18:23

PNO - Hồi trước, dọc theo mấy cột điện toàn rác, hôi hám và nhếch nhác lắm. Giờ thì cô nhìn coi, cả xóm chỗ nào cũng có rau, có thùng xốp với đầy mầm xanh.

Từ những giọt mồ hôi xanh

Trên mảnh đất khô cằn và thiếu nước sạch, những phụ nữ tứ xứ đến mưu sinh hoặc về làm dâu An Phú Đông đã chỉ nhau cách xới đất, gieo hạt, ủ phân bón từ rác sinh hoạt để trồng rau. Sự chăm bẵm cần mẫn qua năm tháng của biết bao đôi bàn tay “nông dân chánh hiệu” đã tạo đà cho chồi non vươn mình thành những vườn xanh trải dài. 

Trái ngược cảnh kẹt xe, khói bụi trên Quốc lộ 1A đoạn qua P.An Phú Đông, Q.12, chỉ cần nhấn tay ga quẹo vô vài con hẻm tới tổ 12, khu phố 4, P.An Phú Đông, chúng ta sẽ bất ngờ trước không gian xanh với những vườn rau đang đến kì thu hoạch. Bà Nguyễn Thị Vượng, 66 tuổi, cõng cháu nội bước thong dong trên con đường được bê tông khang trang quanh tổ dân phố 12. Nghe tôi hỏi chuyện cây rau, chợ búa, bà thủng thẳng: “Hồi trước, dọc theo mấy cột điện toàn rác, hôi hám và nhếch nhác lắm. Giờ thì cô nhìn coi, cả xóm chỗ nào cũng có rau, có thùng xốp với đầy mầm xanh. Cái này công đầu thuộc về bà Hồng nè. Bả nông dân chánh hiệu đó, cứ xách túi đi xin rác, lui cui ủ phân, gieo hạt mầm. Ngó cảnh đó, tôi nghi ngại lắm, biết có làm nên ngô khoai gì không. Vậy mà cả xóm giờ mê rau của bả quá trời”. 

“Nông dân chánh hiệu” trong lời kể của bà Vượng là bà Kiều Thị Hồng, 69 tuổi, người quê ở Vĩnh Phúc, vô miền Nam bươn chải kiếm tiền nuôi cậu con trai Đỗ Văn Hưng học Học viện Hành chính Quốc gia, phân viện TP.HCM. Lúc đầu, hai mẹ con thuê căn phòng trọ chưa tới 7m2.. Lloay hoay suy tính với các công việc bán hàng rong, giữ trẻ, giúp việc nhà… cuối cùng bà Hồng tự thấy rằng mình chỉ giỏi làm nông thôi. “Gia đình tôi từ đời cố, nội - ngoại  đến ba mẹ đều làm ruộng. Tôi lấy chồng năm 20, nhưng gần 35 tuổi mới sinh con vì chồng đi chiến trường. Ảnh về không lành lặn rồi qua đời sớm, còn lại tôi với hai đứa con. Hưng đi học xa, thương con đất khách bơ vơ, tôi khăn gói theo dù khi đấy chẳng có cắc bạc nào. Cứ ngỡ sẽ sống cảnh lang bạt được chăng hay chớ, không ngờ An Phú Đông đã neo chúng tôi ở lại”, bà Hồng bộc bạch. 

Hơn 10 năm trước, quanh tổ 12, nhiều người trồng hoa mai, nhưng sau lại bỏ đất hoang không canh tác. Bà Hồng tìm hiểu, hỏi mượn đất trả phí để trồng rau. Có người chịu, người xua tay khước từ. Nhưng kiên trì thuyết phục, bà cũng gom được gần hai sào đất, chủ không lấy tiền, chỉ bảo giữ dùm. Với cái nón lá, bộ bà ba, cây cuốc, đôi ủng, bà cuốc đất, gieo hạt, bón phân, tưới nước. Rau lên nhanh, bà thu hoạch rồi chở xe đạp ra chợ An Phú Đông bán mỗi bó 2.000 -3.000đ, ngày nào cũng cắt được chừng 50 bó. Tuy có đồng ra đồng vào, nhưng trong lòng bà Hồng , người phụ nữ ấy không vui, sợ lạm dụng phân thuốc hóa học sẽ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, trong đó có mình.

Trước cả khi các cấp Hội Phụ nữ kêu gọi phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa và tái chế rác thành những thứ hữu dụng, bà Hồng đã nghĩ nhiều đến việc làm cho vườn rau của mình “sạch và chất” hơn.Như “nắng hạn gặp mưa rào”, khi Rồi Hội LHPN P.An Phú Đông phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC) mở các lớp hướng dẫn phụ nữ biến rác (lá cây, cơm thừa, rau quả hư...) thành phân compost bón ngược lại cho rau, bà Hồng như “nắng hạn gặp mưa rào”. “Tôi đăng kí đi học liền. “Phường cho cái thùng phuy đã đục sẵn các lỗ nhỏ xung quanh, trên lớp người ta chỉ sao, tôi làm theo vậy. Hồi đầu, cực nhất là thiếu rác. Trong nhà đâu có nhiều rác nên tôi phải đi xin rác nhà hàng xóm. Thấy cũng ngại. Nhưng Ủ mẻ đầu, thấy phân tơi xốp, không hôi, tôi mang trộn với đất trong thùng xốp rồi gieo hạt, chồi non lên xanh mướt, tôi mừng quá hết ngại luôn. Tôi mang rau đến từng hộ biếu, kể chuyện ủ phân và nhờ bà con bỏ riêng cơm, rau quả hư, thừa cho tôi xin. Riết rồi thành thói quen, nay bà con tự mang rác qua, không cần tôi hỏi nữa. Tôi còn làm thêm giá. Rau thu hoạch thì người trong xóm và các khu phố lân cận ghé mua chứ tôi ít phải mang ra chợ”, bà Hồng phấn khởi. 

Trồng rau bằng phân compost, theo lời bà Hồng là “lợi đơn, lợi kép”, vừa góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, vừa có tiền hỗ trợ chị em hội viên nghèo địa phương. Phường có mô hình quán cơm nghĩa tình phục vụ người nghèo, nấu vào thứ Năm hàng tuần, bà Hồng cung cấp rau miễn phí và phụ nấu nướng. Mỗi bó rau bán ra bà trích 1.000 - 2.000đ để dành ủng hộ các phong trào của Hội. Mấy mẹ con bà cũng đã tích cóp mua được miếng đất cất nhà, An Phú Đông trở thành quê hương thứ hai của họ. 

 “Nông dân chánh hiệu” Nguyễn Thị Ngọc Dung, 61 tuổi, ở tổ 16, khu phố 4, P.An Phú Đông cũng có một vườn rau xanh mướt và nhiều loại cây ăn trái như ổi, xoài, vú sữa. Bà khoe đang ủ tới mấy thùng phân compost. “Sở dĩ có nhiều rác là do nhà tôi có 29 phòng trọ, cộng với bà con lối xóm cho thêm. Bốn năm trước, các cháu công nhân, sinh viên cứ cười tôi, nói xin rác chi vậy, với lại chuyện phân rác hữu cơ - vô cơ nghe nhức đầu quá. Thế là tôi phải xách mấy cái xô nhỏ qua từng phòng hướng dẫn. Chắc thấy bà già “lì” quá nên dần dần tụi nhỏ cũng tập tành bỏ chai nhựa, hộp xốp vô một bịch, còn mấy thứ ủ phân được thì để bịch riêng cho tôi”, bà Dung hóm hỉnh.  

Ở An Phú Đông từ lâu, bà Dung đã trải qua các nghề trồng hoa, trồng rau. Về sau, nước kênh bị ô nhiễm, bà thôi trồng rau, vay tiền cất phòng trọ. Nhưng cái chất nông dân đã thấm vào máu nên hai vợ chồng lại đào giếng, ban đất, ủ phân để trồng rau. 

Từ những người đi tiên phong như bà Hồng, bà Dung, năm 2018, Hội LHPN P.An Phú Đông chính thức xây dựng mô hình “Biến rác thành phân hữu cơ để trồng rau sạch” nhằm nhân rộng cách làm hay này ra toàn phường. Hội chọn 10 điểm, mỗi điểm có 10 - 15 hộ dân liền kề ở các khu phố để thực hiện thí điểm. Việc mở lớp hướng dẫn kỹ thuật ủ phân cũng được tổ chức thường xuyên. Ngoài ra, Hội còn tặng các điểm thùng phuy nhựa  để ủ phân. Đến nay, ngoài 10 điểm ủ phân thí điểm còn có thêm 20 hộ tự làm riêng tại nhà. 

Đi qua những “con đường phân ủ” của phường, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân - Chủ tịch Hội LHPN P.An Phú Đông – nói cho biết qua cách làm và sự hưởng ứng của người dân, chị rất có niềm tin vào sự phát triển của mô hình này. Biết đâu có ngày, chị em sẽ làm được các tháp nối từ nhiều thùng phuy để xử lý rác kết hợp trồng rau, cây ăn quả, hoa kiểng trong khoảng không gian đô thị chật hẹp. Và, việc phân loại rác ngay trong nhà bếp để bảo vệ môi trường không cần phải vận động, hô hào nữa.

 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI