Buổi tọa đàm chủ đề Căn tính và đời sống xã hội Việt Nam qua lăng kính người Pháp đầu thế kỷ XX thu hút khá đông bạn đọc trẻ tham dự. Diễn giả Nguyễn Thanh Xuân và Phan Tín Dụng (dịch giả cuốn Hội kín xứ An Nam và Tâm lý dân tộc An Nam - hai tác phẩm vừa được Omega Plus và nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) đã cùng trao đổi những góc nhìn, dù chưa thể giải đáp được hết những hoang mang, thắc mắc của người đọc trẻ.
Tâm lý dân tộc An Nam (tác giả Paul Giran) và Hội kín xứ An Nam (Georges Coulet) là hai tác phẩm mở đầu cho Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt của Công ty sách Omega Plus. Các ấn bản sách được viết phục vụ cho công cuộc khai hóa thuộc địa của thực dân Pháp, đã xuất bản từ hơn trăm năm trước. Tác giả cũng là quan chức thuộc địa, viết sách vì cho rằng, “để cai trị tốt một dân tộc, trước tiên phải học hỏi, tìm hiểu và biết rõ về nó, phải thấu đáo tâm hồn, thần minh của họ”.
Một góc nhìn mới về sử Việt, nhưng cần được bàn luận ở quy mô sâu hơn
Qua góc nhìn của người đi khai hóa, Paul Giran đã khắc họa một An Nam với đầy đủ đặc điểm quốc gia, sự tiến hóa lịch sử, trí thông minh, tổ chức xã hội và cả căn tính người Việt. “Chân dung người xưa” được miêu tả: đầu rộng và ngắn, trán thấp và dô ra, gò má cao, mắt nhỏ xếch, mũi bẹt, môi dày… Về tinh thần: “dửng dưng với đau đớn và lao lực”, “vô cảm trước nỗi đau của người khác”, “giỏi bắt chước, bảo thủ nhưng không có sáng kiến; thiếu ý chí, nghị lực, dễ bị dẫn dắt, tinh thần bầy đàn”, “môi trường sống bẩn thỉu, phụ nữ không quá xấu nhưng không bao giờ gây được sự thu hút nơi mắt nhìn”, “người An Nam không thấu hiểu, hơn thế nữa, anh ta tàn nhẫn”, “dưới cái vỏ bình tĩnh, họ có thể đang nuôi dưỡng lòng căm thù xấu xa”, “sự tưởng tượng nghèo nàn được thể hiện trong thơ ca, văn học nghệ thuật và khoa học sơ khai”…
Có người đọc ví đây giống như quyển sách về “người Việt xấu xí” của thế kỷ trước. Tác giả cũng có dẫn chứng những mặt tốt của “người An Nam” về thể lực, tính cách, nhưng chỉ chiếm phần rất nhỏ so với những “căn tính” xấu chiếm ưu thế triệt để. Đó cũng chính là điều gây hoang mang cho không ít bạn đọc trẻ.
Trước đó, cuốn sách nghiên cứu của giáo sư sử học người Mỹ George Dutton - Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn (DT Books và nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành) cũng gây tranh cãi trong giới học thuật, với những quan điểm gây sốc về nhà Tây Sơn. Nếu chỉ tiếp cận các nguồn tư liệu trong nước, người đọc sẽ cực kỳ hoang mang trước một phác họa hoàn toàn khác biệt về đội quân Tây Sơn của George Dutton.
“Ai cũng tự hào về dân tộc mình nhưng trước giờ là góc nhìn chủ quan. Bây giờ có người nước ngoài nhìn vào, với góc nhìn khách quan, nhờ thế mà ta có thể đối chiếu, phản biện. Chúng ta đọc lúc đầu có thể bị sốc, vì thấy sách toàn chê bai nặng nề. Nhưng đặt ở một tâm thế khác, sẽ thêm một góc nhìn mở về người Việt xưa” - dịch giả Nguyễn Thanh Xuân nói.
Tâm lý dân tộc An Nam là cuốn sách nghiên cứu khá công phu, đa chiều. Tuy nhiên, để xem đó là nguồn tư liệu xác lập “căn tính người Việt”, cần có những cuộc bàn luận quy mô hơn một buổi ra mắt sách đơn thuần. Bằng chứng là, đã có rất nhiều chia sẻ, thắc mắc của cả người quan tâm, am hiểu lịch sử lẫn bạn đọc đơn thuần; nhưng mọi thứ vẫn chỉ dừng ở những hoang mang, bày tỏ.
“Tôi đã chuyển ngữ từng chữ đúng như nguyên tác, không dám viết lại ý theo câu chữ của mình. Bản thân tôi cũng đồng cảm với sự hoang mang của người đọc. Với bất kỳ quốc gia nào, bàn về nhân chủng luôn là vấn đề gây tranh cãi, bất kể đúng sai. Nhưng đặt trong góc nhìn của tác giả và bối cảnh lịch sử, có thể hiểu Paul Giran đã rất sốc khi đến Đông Dương” - dịch giả Phan Tín Dụng chia sẻ.
Giới thiệu Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt, Omega Plus cũng muốn “truy nguyên căn tính của một số hiện tượng tâm lý xã hội có thể gây nhức nhối cho chúng ta ngày hôm nay”. Một số “căn tính” đúng bản chất được tìm thấy trong sách, trong đó, trí tuệ, sáng tạo của người Việt trên mọi lĩnh vực đều không được đánh giá cao.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng:
“Chúng ta thiếu một nền học thuật hậu thuộc địa”
Từ thế kỷ XVI, XVII, có nhiều sách của người phương Tây nghiên cứu về Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một nền học thuật hậu thuộc địa thật sự độc lập. Từ sau năm 1945 đến nay, vì nhiều lý do khách quan, chúng ta đã có một khoảng trống mênh mông trong việc nghiên cứu nền học thuật này.
Omega Plus đã làm một việc mà lẽ ra trăm năm trước nên làm, đó là chuyển ngữ và phát hành bộ sách này. Đây là nguồn tư liệu hữu ích cho giới nghiên cứu. Người viết sách là nhân chứng đương thời. Họ mô tả những gì mắt thấy tai nghe, dưới góc nhìn khoa học từ một quốc gia phát triển. Tuy nhiên, sách này nên dành cho các nhà nghiên cứu sử chứ không phù hợp với đại chúng. Độc giả trẻ chưa định vị được tác giả những cuốn sách có ảnh hưởng như thế nào, tên tuổi, uy tín ra sao trong giới học thuật; cho nên rất dễ hoang mang, nhất là đặt trong bối cảnh hiện đại.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.