Mở đại lý du lịch "ảo" ở nước ngoài để né thuế?

23/05/2021 - 15:36

PNO - Một kẽ hở trong hoạt động kinh doanh du lịch có thể thúc đẩy các đại lý trong nước chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh ra nước ngoài để trốn thuế.

Sự bất bình đẳng về thuế đối với doanh nghiệp trong nước và đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agent - OTA) nước ngoài được chính các doanh nghiệp du lịch phản ánh với Bộ Tài chính.

Cụ thể, theo một số doanh nghiệp lữ hành, theo quy định, thuế chỉ thu với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam, có cơ sở kinh doanh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, có đăng ký với cơ quan thuế, có mã số thuế. Những đơn vị OTA nước ngoài hoạt động không theo luật Việt Nam, không có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, không có văn phòng đại diện, do đó không có cơ sở trách nhiệm kê khai và nộp thuế.

Lại có một quy định khác, nếu doanh nghiệp tại Việt Nam có hợp tác với OTA nước ngoài thì doanh nghiệp tại Việt Nam phải là người nộp thuế. Doanh nghiệp Việt Nam muốn nâng giá phòng, giá dịch vụ cũng không được vì giá đã niêm yết; còn nếu khấu trừ theo đúng quy định thì đối tác có thể dừng hợp tác. “Hiện các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn đang phải phụ thuộc rất nhiều vào lượng khách đặt dịch vụ qua OTA nước ngoài nên phải chấp nhận bỏ tiền túi ra nộp phần thuế này” - đại diện một doanh nghiệp lữ hành cho hay.

Các OTA nước ngoài đang né được thuế, còn doanh nghiệp nội địa đang phải đóng hai loại thuế.
Các OTA nước ngoài đang né được thuế, còn doanh nghiệp nội địa đang phải đóng hai loại thuế

Ngoài ra, trong khi OTA nước ngoài không đóng đồng thuế nào thì hiện doanh nghiệp nội đang phải đóng hai loại thuế. Khi khách hàng đặt dịch vụ thông qua OTA nội địa thì OTA nội địa sẽ xuất hoá đơn trực tiếp cho khách hàng, còn khách sạn/đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ xuất hoá đơn cho OTA nội địa. Do đó ngoài việc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, OTA nội địa phải chịu thêm 10% VAT.

Trong khi đó, với khách hàng đặt OTA nước ngoài thì chỉ cung cấp hoá đơn xác nhận thanh toán chứ không xuất hoá đơn VAT tại Việt Nam. Vì vậy bên cạnh không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, OTA nước ngoài cũng không phải nộp thuế VAT 10%. “Từ đó dẫn đến việc các OTA nội địa không thể cạnh tranh với OTA nước ngoài. Thậm chí nhiều OTA nội địa đã có kế hoạch chuyển sang đăng ký kinh doanh tại quốc gia khác như Singapore để tránh nghĩa vụ nộp thuế, để cạnh tranh được với OTA nước ngoài” - một doanh nghiệp chia sẻ.

Bộ Tài chính cho biết, do hiện này chính sách thuế không có quy định phân biệt về thuế đối với OTA Việt Nam hay nước ngoài, dẫn đến hiện đang không thu thuế bộ phận này. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế 2019 có quy định, các cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền Thông có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý thuế đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đồng thời hướng dẫn các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đăng ký kê khai và nộp thuế.

“Theo đó thì các OTA nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam có trách nhiệm đăng ký thuế trực tiếp hoặc uỷ quyền nộp thuế tại Việt Nam. Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng Thông tư về quản lý thuế. Trong đó sẽ hướng dẫn cụ thể thủ tục đăng ký kê khai thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài không có thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động trên thương mại điện tử tại Việt Nam. Đồng thời cũng quy rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan trong trường hợp nhà cung cấp nước ngoài không đăng ký và trốn thuế” - Bộ Tài chính khẳng định.

Theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, đây chỉ là một trong những loại thuộc mô hình kinh tế chia sẻ mà do còn thiếu (hoặc chưa hoàn thiện), cơ chế chính sách quản lý để có thể giám sát thực hiện nghĩa vụ thuế. Cho dù các doanh nghiệp nước ngoài này có đăng ký, đóng thuế nhưng chắc chắn sẽ không quản lý được chi phí đầu vào ở nước ngoài nếu ra không có công cụ, vẫn gây thất thu thuế và bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Bởi các giao dịch của họ chủ yếu là các văn bản điện tử, phụ thuộc rất nhiều vào sự trung thực của doanh nghiệp.

“Hiện nay còn nhiều loại hình hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam gặp khó khăn về kê khai thuế, do hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình kinh doanh này và cơ quan thuế còn lúng túng khi xác định bản chất giao dịch để áp thuế. Việc quy trách nhiệm doanh nghiệp OTA nước ngoài có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài cũng khó bởi vì Việt Nam đã tham gia ký kết 76 Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần. Do đó để quản lý thuế hiệu quả đối với loại hình này cần sự phối hợp, chia sẻ của các bộ ngành, tuyên truyền về thuế trên các nền tảng thương mại điện tử để đối tác nước ngoài nắm rõ…” - Ông Nguyễn Thái Sơn nói.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI