Mở cửa trường học: Dục tốc… khó an toàn

15/10/2021 - 06:28

PNO - H.Cần Giờ, TPHCM đang lên kế hoạch cho học sinh xã đảo Thạnh An quay lại trường học trong tháng 10. Trong khi đó, nhiều địa phương khác đang hoãn, lùi thời gian mở cửa trường học trở lại do xuất hiện các ca nhiễm cộng đồng. Vấn đề mở cửa trường học cần gắn liền với nhiệm vụ tối thượng là đảm bảo an toàn cho cả người học lẫn người dạy.

Tính toán phương án an toàn cho từng giai đoạn

UBND H.Cần Giờ vừa đưa ra phương án thí điểm mở cửa trường học, đón học sinh đi học trực tiếp trở lại tại Trường tiểu học Thạnh An và Trường THCS - THPT Thạnh An. Trong đó, ở giai đoạn 1, học sinh các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 đi học trở lại từ ngày 20 - 31/10. Nếu việc tổ chức thuận lợi, đảm bảo an toàn thì huyện sẽ đề xuất cho phép mở rộng các khối lớp còn lại. Ngày 13/10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) đã có buổi khảo sát, làm việc với H.Cần Giờ về vấn đề này.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, góp ý việc mở cửa trường học khi học sinh chưa tiêm vắc xin cần làm theo từng giai đoạn. Giai đoạn 1 áp dụng cho một vài khối lớp.

Sau 10 ngày thí điểm, nếu ổn định đề xuất mở rộng quy mô toàn trường. Giáo viên, học sinh vẫn cần đeo khẩu trang trong thời gian ở trường, ngay cả trong lớp học. Giai đoạn 2, khi học sinh toàn trường đi học trực tiếp, lưu ý bố trí lệch giờ vào và tan học nhưng không nên quá xa nhau, tránh để học sinh ra về quá muộn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi học sinh ra chơi, nhà trường nên hướng dẫn vận động theo khu vực. Trước khi học sinh đi học, cần sinh hoạt với phụ huynh để có sự phối hợp cùng đảm bảo an toàn cho học sinh…

Học sinh ở nhiều địa phương vẫn đang học online vì chưa được tiêm ngừa vắc-xin - ẢNH: PHÚC TRẦN
Học sinh ở nhiều địa phương vẫn đang học online vì chưa được tiêm ngừa vắc xin - Ảnh: Phúc Trần

Với phương án này, phía HCDC tư vấn, ở giai đoạn đầu, hằng tuần các trường phải thực hiện test nhanh tầm soát COVID-19 cho khoảng 20% giáo viên, nhân viên có nguy cơ cao, với học sinh chỉ thực hiện xét nghiệm khi có yếu tố dịch tễ hoặc liên quan đến ca nhiễm. 

Theo Sở GD-ĐT, hai trường trên đã tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh về việc cho con em đi học lại. Kết quả, hơn 90% phụ huynh đồng ý, số chưa đồng thuận dự kiến sẽ tiếp tục học trên internet. Ngoài ra, sở dự kiến đầu tháng 1/2022, học sinh TPHCM quay lại trường học trực tiếp, tuy nhiên đây cũng chỉ là kế hoạch, còn tùy thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới. 

Ngày 14/10, nhiều hoạt động tại Hà Nội được mở cửa trở lại, song trường học vẫn tiếp tục “án binh”. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay việc đến trường của học sinh ở thời điểm này vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là chưa có vắc xin cho học sinh dưới 18 tuổi.

Việc mở cửa trường học khi học sinh chưa được tiêm phòng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã xây dựng phương án để học sinh quay lại trường. Khả thi nhất là cho học sinh đầu cấp và cuối cấp đến trường trước, sau đó mở rộng dần cho các khối lớp còn lại. Kể cả phương án này cũng chỉ triển khai tại các khu vực an toàn, vùng xanh…

Nhiều địa phương lùi lịch học trực tiếp

Nhiều phụ huynh tại TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khi được ngành giáo dục khảo sát ý kiến đã mong muốn cho con em tiếp tục học trực tuyến, do lo lắng khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp.

Ngày 13/10, UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc với các sở, ngành và quyết định học sinh TP.Nha Trang tiếp tục tạm dừng đến trường, học sinh các cấp THCS, THPT tiếp tục học trực tuyến. Các trường học tại huyện: Vạn Ninh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và TP.Cam Ranh sẽ tổ chức học trực tiếp từ ngày 18/10. Khuyến khích các huyện Diên Khánh, Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa cho học sinh học trực tiếp hoặc bố trí song song nhưng phải tùy thuộc vào diễn biến dịch của từng xã, phường, thôn, tổ… 

Hay như H.Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) cũng phải tạm dừng cho học sinh đến trường học trực tiếp từ ngày 12/10 vì phát hiện có hai ca F0 là học sinh tiểu học và THCS. Tỉnh Hà Nam là một trong 25 địa phương cho học sinh đi học trực tiếp từ đầu năm học. Tuy nhiên, từ cuối tháng Chín đến nay đã buộc phải chuyển toàn bộ học sinh sang học trực tuyến vì phát hiện hàng chục F0 là học sinh, giáo viên. 

Khi H.Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) ghi nhận thêm 19 ca dương tính COVID-19 hôm 13/10, thì trong đó có 17 học sinh và một giáo viên của Trường phổ thông dân tộc bán trú và THCS Phước Chánh. Tính đến thời điểm này, trường đã có 22 học sinh dương tính với COVID-19, và trở thành khu cách ly tập trung. Hiện có khoảng 330 học sinh và 25 cán bộ, giáo viên đang được cách ly tại trường để theo dõi.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến đầu tháng 10, cả nước có 23 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tiếp; chín địa phương kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, qua truyền hình; 31 tỉnh, thành chỉ tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình. So với thời điểm đầu năm học, có thêm hai địa phương tạm dừng đến trường.

Học sinh được tiêm vắc xin mới an tâm 

Chị Đoàn Ngọc có hai con đang học lớp 2 và lớp 3 tại Q.8 băn khoăn: “Học sinh tại TPHCM gần như phải học cả ngày ở trường, không gian tương đối kín như vậy sẽ rất dễ lây nhiễm. Nếu học sinh chưa được tiêm vắc xin thì không thể an tâm để con tới trường. Nhất là đến nay, mới chỉ nghe sẽ tiêm vắc xin cho học sinh bậc THCS và THPT, còn tiểu học thì chưa nghe. Không biết các con có được tiêm và đi học vào đầu học kỳ II như các anh chị?”.

Cũng như chị Ngọc, chị Lan Phương, phụ huynh lớp 4 tại Q.5, cho biết sẽ không dám cho con đến trường khi chưa an tâm, cụ thể ở đây là việc tiêm ngừa vắc xin. “Có lẽ nhiều gia đình sẽ gặp khó như tôi là cha mẹ đi làm nhưng con chưa đến trường. Chỉ cần con được đến trường sẽ giải quyết được vấn đề nan giải này nhưng cho đi thì không an tâm. Vì vậy, dù khó đến đâu vẫn đặt an toàn của con và gia đình lên trên hết”, chị Phương chia sẻ. 

Còn thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cũng mong muốn học sinh được tiêm vắc xin trước khi mở cửa trường. Bởi khi thăm dò ý kiến phụ huynh thì phần lớn đều bày tỏ lo lắng về sự an toàn của con. 

Chia sẻ xung quanh các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường tại cuộc họp do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hôm 12/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vắc xin phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn vắc xin để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 8,1 triệu trẻ em ở độ tuổi này, với số lượng vắc xin cần để tiêm 2 mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này.

Nếu như mục tiêu của Bộ Y tế đạt được như mong muốn thì nhiều khả năng đầu học kỳ II, học sinh bậc THCS, THPT có thể đến trường. Tuy nhiên, trẻ mầm non và tiểu học - độ tuổi chưa thể tự ở nhà học một mình - vẫn còn là bài toán khó. 

Đề nghị xem xét mở cửa trường học ngoại thành Hà Nội

Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội với lãnh đạo TP.Hà Nội ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị địa phương xem xét để học sinh ngoại thành trở lại trường. Theo bộ trưởng, TP.Hà Nội cần tính đến chiến dịch giáo dục và kế hoạch điều tiết đời sống cho người dân để thích ứng với tình hình mới, nghiên cứu phương án để cho học sinh trở lại trường khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhiều huyện ngoại thành đang là vùng xanh, không có ca lây nhiễm trong nhiều ngày, có thể tính toán để cho học sinh khu vực ngoại thành được trở lại trường…

Cùng ngày, Trường đại học Kinh tế Quốc dân là trường đại học đầu tiên tại Hà Nội lên phương án đón sinh viên học tập trung. Trường sẵn sàng triển khai nhiều phương án để đảm bảo an toàn nhất cho sinh viên. Những cán bộ, giảng viên và sinh viên ở Hà Nội đã tiêm vắc xin. Những sinh viên ở các tỉnh, thành chưa tiêm sẽ được trường tổ chức đăng ký tiêm ngay sau khi đi học tập trung trở lại. Trường chuẩn bị trước để ngay khi Hà Nội và Bộ GD-ĐT cho phép sinh viên từ các địa phương trở về thành phố học tập trung là có thể đón sinh viên ngay mà không mất thêm thời gian. Trường đã dành 8 tỷ đồng để mua khoảng 40.000 liều vắc xin tiêm cho 20.000 giảng viên, sinh viên, nhân viên. 

Thanh Thanh

Nhóm phóng viên
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI