PNO - Phụ huynh, nhà trường đánh giá, việc đi học trở lại là cần thiết. Tuy nhiên, để việc dạy và học thực sự thích ứng với “bình thường mới” thì công tác tuyên truyền tạo thói quen phòng chống dịch cho học sinh, phụ huynh và giáo viên phải được tăng cường.
Trong tuần này sẽ hoàn thiện kế hoạch mở cửa trường học
Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trong buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM sáng 19/11, trong tuần này phương án mở cửa trường phải được Sở GD-ĐT TPHCM hoàn thiện, trong đó thí điểm cho học sinh khối 9 và khối 12 đi học trước.
Về việc hoàn trả cơ sở giáo dục sau trưng dụng, đến thời điểm này toàn TP vẫn còn một số trường đang được trưng dựng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Để xây dựng phương án mở cửa lại trường học, Sở GD-ĐT TP đã có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu địa phương sắp xếp bàn giao các cơ sở giáo dục còn lại cho trường trước ngày 25/11/2021, để trường khử khuẩn, tổng vệ sinh, sửa chữa, đảm bảo điều kiện đón học sinh trở lại trường theo kế hoạch.
Chia sẻ về nguyên tắc khi xây dựng kế hoạch đi học lại, một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, nguyên tắc là UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện sẽ xây dựng kế hoạch và quyết định việc tổ chức dạy học trực tiếp theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT. Trong đó, cơ sở giáo dục hoạt động theo cấp độ dịch của phường/xã/thị trấn nơi trường trú đóng. Chủ động chuyển trạng thái tổ chức dạy học theo cấp độ dịch (được TP công bố vào sáng thứ Hai hàng tuần). Đánh giá thường xuyên công tác an toàn trường học theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch. Học sinh, giáo viên, nhân viên trường học đang sinh sống trong khu dân cư hoặc hộ gia đình có ổ dịch cộng đồng/ổ dịch gia đình sẽ không tham gia làm việc, dạy và học trực tiếp...
Vị này cho biết, khi đi học trực tiếp, với những học sinh trong độ tuổi nhưng không tiêm vắc xin, nhà trường sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh cho học sinh tiêm. Đồng thời, tăng cường tập huấn cho giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh các biện pháp phòng dịch, cách xử lý trường hợp có ca F0 hoặc nghi nhiễm.
Với giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19, thủ trưởng đơn vị sẽ chủ động sắp xếp giáo viên trong cùng tổ bộ môn dạy thay hoặc tổ chức dạy trực tuyến một số tiết do giáo viên đó phụ trách.
Nhiều trường đã và đang hoàn tất việc vệ sinh, sửa chữa, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường
Đi học lại để thích ứng với "bình thường mới"
Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) chia sẻ, đến thời điểm này, phụ huynh, học sinh và cả giáo viên đang rất nóng lòng được đi học trở lại.
Theo ông, việc đi học trở lại đối với khối lớp 9, 12 là hết sức cần thiết vì đây là hai khối lớp cuối cấp, việc học trực tiếp sớm sẽ có tác động lớn đến quá trình học của các em. Ông cho biết thêm, chỉ có những cán bộ, giáo viên, nhân viên đã tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19 mới được đến trường, học sinh đi học lại cũng đã được tiêm vắc xin đầy đủ.
“Vấn đề còn lại là công tác giảng dạy, phòng dịch của nhà trường như thế nào khi mở cửa trường học để thực sự an toàn. Ngoài việc tăng cường giáo dục 5K, lồng ghép phòng chống dịch trong các môn học... thì công tác tuyên truyền tạo tâm lý không kỳ thị, không sợ hãi F0 là điều hết sức quan trọng”, thầy Huỳnh Thanh Phú nói.
Ông phân tích, cũng giống như các ngành nghề khác, khi mở cửa trường học chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng xuất hiện F0 trong trường. Nếu tâm lý học sinh, phụ huynh, giáo viên không ổn định thì rất dễ hoang mang, lo lắng, việc mở cửa lại trở thành áp lực. Do đó, từng thành viên trong nhà trường, bao gồm cả phụ huynh phải xem việc đi học lại, mở cửa trường học là thích ứng với điều kiện bình thường mới.
“Để làm được điều này, mỗi nhà trường phải tuyệt đối tăng cường công tác phối hợp với phụ huynh. Trước mỗi ngày học, GVCN phải nắm thông tin về sức khỏe học sinh cũng như gia đình các em. Mỗi giáo viên cũng phải tự tầm soát mình để đảm bảo an toàn... Khi phát hiện F0, chỉ những học sinh tiếp xúc gần mới phải ở nhà cách ly theo dõi, những học sinh khác có thể chuyển sang phòng học dự phòng, phòng học đó được khử khuẩn vệ sinh. Như vậy, quá trình học sẽ không bị gián đoạn, không khiến những học sinh còn lại hoang mang...”.
Cũng theo thầy Huỳnh Thanh Phú, một khi đã mở cửa trường học thích ứng với bình thường mới thì phải tạo môi trường học tập thật sự thoải mái. Các hoạt động đều cần đảm bảo 5K, chú trọng phòng chống dịch, tuy nhiên không vì quá lo sợ mà cứng nhắc, làm cho giáo viên, học sinh cảm thấy áp lực, nặng nề.
Cô Hứa Thị Diễm Trâm (Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh) chia sẻ, trước thông tin TP sẽ thí điểm học sinh khối 9, 12 đi học trực tiếp vào giữa tháng 12, chỉ một số rất ít phụ huynh băn khoăn, còn lại có đến trên 90% phụ huynh học sinh mong muốn con em sớm được đi học lại.
“Về lâu về dài tôi cho rằng điều quan trọng là giáo dục cần phải thích ứng với bình thường mới qua việc mở cửa trường học. Khi đó, học sinh đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, cán bộ giáo viên nhân viên cũng đã tiêm phòng đầy đủ. Điều cần thiết là làm sao tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch, giúp học sinh hình thành thói quen, kỹ năng bảo vệ bản thân, biết cách phòng dịch...”, cô Hứa Thị Diễm Trâm nói.
Theo cô, để có thể tạo môi trường học tập thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay, trước khi mở cửa trường học cần trang bị cho học sinh, giáo viên, phụ huynh cách ứng phó khi phát hiện F0 trong trường học. Điều này chính là tạo tâm lý thích ứng với bình thường mới, bình tĩnh, không hoang mang, phòng dịch nhưng không cực đoan, kỳ thị.
“Việc sửa chữa trường sau trưng dụng phòng chống dịch đã được hoàn tất. Trường đã trang bị thêm 8 bồn rửa tay phía bên ngoài cổng trường - nơi phụ huynh hay dừng đón con, để học sinh và phụ huynh có thể rửa tay bất cứ lúc nào... Xung quanh khuôn viên trường cũng được bố trí nhiều bồn rửa tay để tạo thói quen rửa tay cho học sinh. Nhà trường đã sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại...”, cô Hứa Thị Diễm Trâm hào hứng.
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...