Mở cửa thị trường du lịch cho khách quốc tế, nên không?

18/03/2021 - 06:39

PNO - Trước những tín hiệu tích cực từ vắc-xin ngừa COVID-19, theo một số doanh nghiệp lữ hành, đây là thời điểm có thể nghĩ đến việc đón khách quốc tế hoặc ít nhất cơ quan chức năng cần sớm công bố lộ trình và thời gian mở cửa để tạo lợi thế cạnh tranh với các quốc gia khác.

Lộ trình không đồng nghĩa mở cửa ngay

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Công ty Images Travel - chuyên đón khách Pháp, cho biết, sau một năm thị trường du lịch quốc tế “đóng băng”, công ty của ông vẫn đang cố gắng duy trì nhân sự để sẵn sàng đón khách quốc tế quay trở lại. Với việc kiểm soát dịch COVID-19 như hiện nay, Việt Nam công bố mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế hoàn toàn có cơ sở. Điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh với các quốc gia khác. Vì đặc thù ngành du lịch là dịch vụ, truyền thông nhanh, sớm sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, nhất là hàng không. 

“Chúng ta có thể xem xét công bố mở cửa đón khách từ bây giờ, nhưng lộ trình có thể sắp xếp vào thời gian phù hợp. Ví dụ công bố tháng Tư nhưng chính thức đón là vào tháng Bảy, hoặc cuối quý III, tùy tình hình thực tế mà linh động thời gian. Có thể dời thời gian mở cửa trở lại 10-15 ngày khi tình hình dịch bệnh biến chuyển”, ông Toản nêu ý kiến. 

Ông Hoàng Đức Huy, Giám đốc TransViet Travel, đề xuất, chỉ nên mở cửa từng phần,  đón du khách đến những vùng chuyên biệt, trên các chuyến bay charter,  đến các resort khép kín để họ vừa tận hưởng vừa “nghỉ dưỡng cách ly”
Ông Hoàng Đức Huy, Giám đốc TransViet Travel, đề xuất, chỉ nên mở cửa từng phần, đón du khách đến những vùng chuyên biệt, trên các chuyến bay charter, đến các resort khép kín để họ vừa tận hưởng vừa “nghỉ dưỡng cách ly”

Theo đại diện Images Travel, sau dịch, không phải khách quốc tế đổ xô du lịch ngay, thông thường là một số nhóm khách nhất định. Nhóm khách du lịch quốc tế cần đáp ứng một số yêu cầu tối thiểu khi nhập cảnh như phải có “hộ chiếu vắc-xin”. Với nhóm khách này, thời gian cách ly nên rút ngắn từ 14 ngày xuống ba ngày. Đồng thời, những người phục vụ trong ngành du lịch cũng được xếp vào nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. 

Đồng quan điểm với ông Toản, các doanh nghiệp lữ hành khác cho rằng, có thể ngoài giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2, du khách khi nhập cảnh bắt buộc mua bảo hiểm COVID-19. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thẳng thắn bày tỏ, “hộ chiếu vắc-xin” cần được ủng hộ và dù chọn mô hình nào thì điều kiện quan trọng vẫn là công bố sớm bộ tiêu chí đón khách an toàn và đánh giá lại tình trạng thực tế của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ.
“Việt Nam là một trong những quốc gia phòng, chống COVID-19 tốt nhất trong khu vực và trên thế giới. Do đó nên tạo điều kiện thuận lợi để ngành du lịch mở cửa thị trường quốc tế vào đầu quý III. Thái Lan đã quyết định từ ngày 1/7 mở thị trường cho khách quốc tế, còn Singapore đã chào đón những du khách đầu tiên tiêm vắc-xin và không cách ly. Do vậy, đây là thời điểm giúp du lịch Việt Nam không lỡ mất cơ hội và có thể cạnh tranh với các quốc gia trong việc đón khách quốc tế trở lại…”, ông Thọ cho hay.

Mở theo cách nào?

Theo ông Thọ, ban đầu du lịch có thể chỉ mở với những thị trường đang kiểm soát dịch tốt và có triển khai tiêm vắc-xin. Đó cũng phải là thị trường khách lớn của Việt Nam. Các hình thức tour trọn gói, tour nghỉ dưỡng rất khả thi và có thể phù hợp với khách Nga hay một số thị trường châu Âu.
Trước đó, Hiệp hội Du lịch TPHCM nhận định, Việt Nam sẽ là thị trường thu hút du khách quốc tế sau khi họ có thể du lịch trở lại. Khi mở cửa trở lại, du lịch có thể hướng tới các thị trường quốc tế gần, đã kiểm soát dịch bệnh để trao đổi hai chiều. Song, cần ưu tiên triển khai tốt chương trình kích cầu du lịch nội địa 2021 để chuẩn bị cho các tháng cao điểm vào mùa hè.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 vào thứ Sáu tuần trước, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam an toàn, phục vụ mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Theo đại diện một công ty lữ hành tại TP.HCM, việc mở cửa đón khách quốc tế thời điểm hiện tại là không dễ dàng nhưng có thể thử nghiệm một cách thận trọng. Chẳng hạn, chỉ cần “mở hé”, tức thí điểm với nhóm khách doanh nhân đến từ các nước trong khu vực mà Việt Nam đang kết nối giao thương như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore… 

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho biết, hội đồng cũng mới thảo luận và học tập kinh nghiệm với đại diện của Cục Du lịch Singapore. Theo đó, Singapore chia ra ba mức ưu tiên để tiếp nhận khách quốc tế là: mở cửa đơn phương, bong bóng du lịch và làn xanh đối ứng. “Họ xếp Việt Nam ở mức ưu tiên cao nhất là mở cửa đơn phương, tức là khách du lịch không phải cách ly 14 ngày, chỉ phải tự cách ly 1-2 ngày đầu và làm test nhanh SARS-CoV-2. Nếu kết quả âm tính, khách vẫn du lịch bình thường, còn nếu dương tính thì phải quay về Việt Nam và khách phải chi tiền xét nghiệm nhanh. Những kinh nghiệm này, có lẽ Việt Nam sẽ phải học tập”, ông Chính nói.

Cũng theo ông Chính, nhiều nước đưa ra biện pháp chỉ đón những du khách đã được tiêm vắc-xin với thời gian đủ 28 ngày và yêu cầu ba ngày trước khi rời nước họ phải xét nghiệm nhanh PCR. Việt Nam phải thành lập một nhóm hoặc tổ chức gồm chuyên gia nhiều ngành để bàn thảo và đưa ra tiêu chí mở cửa đón khách du lịch quốc tế. 

Quốc Thái 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI