Mở cửa thi hoa hậu, người đẹp quốc tế và nỗi lo hỗn loạn danh hiệu

18/12/2020 - 18:30

PNO - Nhiều người cho rằng khi mở cửa với việc thi người đẹp quốc tế sẽ dễ dẫn đến tình trạng hỗn loạn danh hiệu hoa hậu, người đẹp trong tương lai.

Từ 1/2/2021, người đẹp muốn thi quốc tế không cần danh hiệu trong nước cũng như xin cấp phép. Cụ thể, theo quy định mới tại Nghị định 144 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, các người đẹp muốn dự thi các cuộc thi nhan sắc quốc tế chỉ cần đề nghị cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc UBND cấp tỉnh nơi cư trú, cấp văn bản xác nhận đi thi.                           

Hồ sơ gửi xin xác nhận gồm: tờ khai về việc ra nước ngoài dự thi; lý lịch tư pháp; bản sao giấy mời dự thi từ đơn vị tổ chức cuộc thi. Cá nhân người dự thi không có tiền án, tiền sự; không đang trong quá trình buộc tội hay chờ bị xử phạt hành chính; không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quyết định của cơ quan chức năng.  

Quy định mới này khiến dư luận bất ngờ. Bởi trước đó theo nhiều dự đoán, có thể "cửa chặn" của nghị định mới sẽ dừng lại ở top 5 hoặc top 10 thí sinh của một cuộc thi nhan sắc chính thống trong nước (quy định cũ là top 3). 

Theo luật định hiện hành, muốn đi thi quốc tế phải xin cấp phép, phải có danh hiệu chính thức tại một cuộc thi trong nước
Theo quy định hiện hành, muốn đi thi quốc tế phải xin cấp phép, phải có danh hiệu chính thức (top 3) tại một cuộc thi trong nước.

Với các đơn vị tổ chức, quản lý đưa thí sinh dự thi quốc tế, đây là một tín hiệu vui. Trong cuộc trò chuyện với Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Thuý Nga (Giám đốc Công ty Elite Việt Nam, đơn vị đồng giữ bản quyền 10 cuộc thi nhan sắc quốc tế), ông Trần Việt Bảo Hoàng (CEO Uni Media, đơn vị nắm bản quyền đưa thí sinh dự thi Hoa hậu Hoàn vũ đi "chinh chiến" nước ngoài) đều tán thành với hướng đi mở của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, việc mở cửa thông thoáng hiện tại cũng kéo theo những lo lắng nhất định. Liệu sẽ có chuyện "loạn" hoa hậu, người đẹp trong tương lai hay không khi bất kỳ ai cũng có thể sở hữu cho mình danh xưng này?

Theo bà Thuý Nga, với 2 cuộc thi lớn là Hoa hậu Thế giớiHoa hậu Hoàn vũ, theo quy định từ tổ chức quốc tế thì thí sinh phải nằm trong top 3 một cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Đơn vị nắm bản quyền phải tổ chức được cuộc thi hẳn hoi để chọn đại diện.

Những đấu trường nhan sắc tiếp theo như: Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Hoà bình Quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia, BTC cũng chú trọng đến danh hiệu của thí sinh. Hiện tại, có 2 hình thức, hoặc đơn vị nắm bản quyền tại nước đó sẽ sẽ tổ chức cuộc thi riêng để chọn người tham dự, hoặc chọn gương mặt đạt danh hiệu, nằm trong top 5 chung cuộc của một cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia.

Với những cuộc thi lớn, uy tín, BTC thường chú trọng danh hiệu của thí sinh trong nước
Với những cuộc thi lớn, uy tín, BTC thường chú trọng danh hiệu của thí sinh trong nước

“Với những sân chơi uy tín, BTC quốc tế thường rất khắt khe về mặt danh hiệu của thí sinh. Đó cũng là cách họ giữ được thương hiệu của mình. Vì thế, khi BTC quốc tế đã làm công việc sàng lọc thì tại Việt Nam cơ quan quản lý không cần thực hiện thêm thao tác này”, bà Nga nói.

Ông Trần Việt Bảo Hoàng (CEO Uni Media) chia sẻ: "Đơn vị nắm bản quyền uy tín, cuộc thi quốc tế uy tín tự khắc họ sẽ có cách làm việc với nhau để chọn được thí sinh uy tín cho mình. Chẳng hạn như với Hoa hậu Hoàn vũ, dù quy định của Việt Nam có thay đổi hay không, cũng chỉ Hoa hậu, Á hậu mới được chúng tôi xem xét. Tôi cho rằng, công tác này, phụ thuộc vào năng lực, tầm nhận định của đơn vị nắm bản quyền".

Nhưng với những cuộc thi quy mô nhỏ, ít uy tín hơn, danh hiệu đạt được ở quê nhà lại không quan trọng. Thí sinh chỉ cần bỏ tiền mua bản quyền là có thể dự thi. Thực tế, trong những năm qua, đã có không ít trường hợp thi “chui” nhờ vào cơ chế này. Nếu như theo luật định hiện hành, đây là việc làm phạm luật, thì tháng 2/2021 tới đây đã không còn. 

Ngay cả khi luật chưa thay đổi, có không ít người đẹp vô danh, hoặc không đủ tiêu chuẩn theo luật định xuất hiện ở các cuộc thi được gọi là quốc tế nhưng chỉ ngang tầm “ao làng” và mang về tràn lan những danh xưng. Sau khi trở về nước, họ không có hoạt động nào tích cực, thậm chí có người còn vướng vòng lao lý. Chưa kể, tình trạng mua bán giải càng khiến các danh xưng hỗn loạn. Nay khi luật thay đổi, không khó để hình dung về tương lai. 

3 người đẹp thi chui cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ Sắc đẹp 2017 tại Thái Lan
3 người đẹp Việt thi "chui" cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ Sắc đẹp 2017 tại Thái Lan

Ở một khía cạnh khác, khi luật định cởi mở hơn, đã đến lúc danh xưng hoa hậu, người đẹp cần được nhìn nhận lại về giá trị. Thực chất, đây cũng chỉ là một sản phẩm của ngành giải trí. Bởi từ trước đến nay các cuộc thi hoa hậu hầu như đều do tổ chức tư nhân thực hiện, gắn với một mục đích nào đó mang tính ngắn hạn và giải trí là chính.

Về bản chất, đây là một sản phẩm của thị trường giải trí, đã đến lúc nên trả chúng về đúng vị trí ban đầu, mà việc tháo bỏ những quy chuẩn có lẽ là động thái đó. 

"Khi cơ quan quản lý mở cửa, cũng là lúc họ giao quyền quyết định về cho thị trường. Khi đó buộc các đơn vị tổ chức, nắm bản quyền phải tự khắt khe với mình hơn, nếu muốn tồn tại, giữ vững được vị trí. Cơ quan quản lý chỉ nên chế tài khi có sai phạm", ông Bảo Hoàng nhận định.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI