Mở cửa định kỳ để dân giám sát bốn bãi rác lớn nhất Sài Gòn

11/06/2017 - 15:04

PNO - Phó chủ tịch Lê Văn Khoa cho biết, bốn bãi Đa Phước, Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa và Phước Hiệp phải mở cửa định kỳ cho người dân địa phương vào giám sát tình hình môi trường.

Tại kỳ họp bất thường HĐND TP.HCM diễn ra sáng 11/6 về chuyên đề công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho hay, Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ đạo trong tháng 7 tới, chủ đầu tư bốn khu xử lý rác gồm Đa Phước, Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa và Phước Hiệp phải mở cửa định kỳ cho người dân địa phương vào giám sát tình hình môi trường cũng như thúc đẩy các chủ đầu tư làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường.

Mo cua dinh ky de dan giam sat bon bai rac lon nhat Sai Gon
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa.

Theo ông Khoa, việc mở cửa cho người dân vào giám sát tại các khu xử lý chất thải được đặt ra sau khi xảy ra tình trạng ô nhiễm mùi từ một số khu xử lý. Mới đây, Tổng cục Môi trường đã xử phạt gần 1,6 tỉ đồng đối với khu xử lý rác Đa Phước do vi phạm công tác bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành phát hiện hồi tháng 10, tháng 11/2016.

Ông Khoa cho biết, sau khi người dân phản ánh việc phát sinh mùi hôi vào giữa năm ngoái thì theo yêu cầu của thành phố, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) là chủ đầu tư đã triển khai 10 giải pháp để giảm thiểu mùi hôi, bảo vệ môi trường và đến nay đơn vị này đang tiếp tục triển khai 10 giải pháp trên.

Theo Tổng cục Môi trường, VWS bị xử phạt với hàng loạt vi phạm như không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; không thực hiện một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật...

Phó chủ tịch UBND cho biết thêm UBND TP đã yêu cầu chủ đầu tư bãi rác Đa Phước đến năm 2020 phải chuyển 1.000-2.000 tấn rác sang công nghệ xử lý hiện đại, số rác còn lại phải tăng cường xử lý tốt. Bãi rác Đa Phước đang xử lý khoảng 5.300 tấn/ngày, có một trạm quan trắc tự động được lắp đặt tại bãi rác Đa Phước và sắp tới sẽ truyền dữ liệu về cơ quan chức năng để giám sát thường xuyên hơn.

“Từ nay đến năm 2020, UBND TP chỉ đạo thực hiện công đoạn xử lý rác và chất thải rắn của TP đó là quét dọn phân cấp mạnh về cho sở, ngành và quận huyện, vì qua quan lý có sự chồng lấn giữa các sở ngành như Sở GTVT, TN&MT và quận huyện. Phân cấp cho các quận, huyện chủ động xử lý về rác, trước mắt chọn ra 3 quận 1, 3, 5 phân cấp toàn bộ về cho quận, huyện”, ông Khoa nói.

Ông Khoa cũng chỉ đạo quyết tâm cơ giới hóa việc quét dọn, các tổ vận chuyển rác dân lập cần cải thiện phương tiện vận chuyển, phương tiện bảo hộ lao động. Về việc nên tổ chức các hình thức cho bà con dân lập thông qua các tổ chức hợp tác xã, doanh nghiệp để bảo hộ lao động, sức khỏe tốt hơn.

Mo cua dinh ky de dan giam sat bon bai rac lon nhat Sai Gon
Khu xử lý chất thải Đa Phước vừa bị xử phạt gần 1,6 tỷ đồng vì vi phạm công tác bảo vệ môi trường.

Về lộ trình, UBND TP cố gắng đến 2020 bình quân phân loại rác tại nguồn trên 50%. Vấn đề vận chuyển, phân bổ giờ, tình hình thực tế hiện nay là 16 quận, huyện vận chuyển cho bãi rác Đa Phước, 8 quận, huyện cho bãi rác Tây Bắc Củ Chi.

Hiện nay 26 trạm trung chuyển rác, vừa rồi 13 trạm trung chuyển đã nâng cấp lên trạm kín. Hiện nay tỷ lệ chôn lấp rác là 76%, số còn lại là đốt và phân compost; phấn đấu đến 2020, tỷ lệ chôn lấp còm 50%, số còn lại đến 2025 là 20% sẽ tốt cho môi trường TP. Bên cạnh chuyển đổi công nghệ, các bãi chôn lấp còn lại phải tính toán rõ ràng, trong các dự án mà pháp luật phải có nghiệm thu môi trường.

“UBND TP cũng chỉ đạo phải rà soát, từ ngày 31/7 đến 31/12/2017, các dự án lẽ ra được nghiệm thu thì bắt buộc phải nghiệm thu về môi trường nên không đảm bảo là ngưng hoạt động”- ông Khoa khẳng định

Mỗi ngày, TP.HCM thải 8.300 tấn chất thải rắn

Hiện nay chất thải rắn sinh hoạt của toàn thành phố thải ra hàng ngày trên 8.300 tấn. Chất thải rắn tập trung ở các nguồn rác sinh hoạt, chất thải y tế và chất thải ở các khu công nghiệp. Trên địa bàn TP có hơn 1,9 triệu hộ dân thải ra trung bình hơn 3.400 tấn rác/ngày, các cơ sở sản xuất kinh doanh gián tiếp thải ra môi trường công cộng hơn 1.400 tấn/ ngày.

TP có hai hệ thống thu gom rác sinh hoạt hàng ngày là do các công ty Môi trường Đô thị TP, các công ty công ích các quận, huyện và nhóm thu gom rác dân lập. Về mức giá xử lý rác hiện nay VWS 5.500 tấn/ngày là 20,9 USD/tấn.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI