“Mở cửa” để “bình thường mới”

23/04/2020 - 11:55

PNO - Không chỉ Việt Nam, ngay cả những nước giàu cũng chưa bao giờ dám “thở ra” với con corona chủng mới.

Hôm nay, 23/4, khi Việt nam đã cơ bản dừng cách ly xã hội, mở dần thận trọng các hoạt động xã hội thì châu Âu vẫn cứ sau 3-4 ngày lại tăng gấp đôi số ca nhiễm. Nước Mỹ giàu có mà người chết không kịp chôn, thi thể phải đông lạnh.

Dòng người đổ ra đường, bắt đầu nhịp sống bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội để chống dịch
Dòng người đổ ra đường, bắt đầu nhịp sống "bình thường mới" sau thời gian giãn cách xã hội để chống dịch

Đâu là nơi nguy cơ cao, thấp, bao giờ đi học, loại kinh doanh nào mở trước… tất cả vẫn đang "dò đá qua sông". WHO sáng nay cảnh báo: thế giới còn “con đường dài” (a long way to go) với COVID-19. Nước Anh có thể cách ly đến hết năm.

Đóng cửa lâu thì tất cả các nền kinh tế đều không chịu đựng được. Mỹ sụt giá dầu, chứng khoán điên đảo. Việt Nam có nền kinh tế có độ mở cao với thế giới, nhưng trong nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ đa số, ngoài ra còn có nền “kinh tế vỉa hè” buôn thúng bán bưng. Nước Mỹ còn có 22 triệu người thất nghiệp và những “ổ dịch từ nhóm vô gia cư lớn ngay tại nơi phồn hoa New York hay California thì các nước nhỏ và kém phát triển hẳn phải chịu thiệt hại nặng nề, người nghèo đói chẳng thể tránh khỏi.

Đại dịch đến như một cơn bão, không nước nào dám nói mình trở tay kịp. Bị giãn cách trong nhà, tất cả các thành phần đều chịu thiệt thòi. Các công dân ở những đất nước có nền văn hóa phát triển cá nhân cao, như Mỹ, đã không thể chịu đựng và biểu tình phá cách ly.

Việt Nam được công nhận là quốc gia thành công trong phòng, chống dịch với “nguồn lực yếu nay đã rõ công thức thành công: phản ứng sớm và kỷ luật, quyết tâm cao; xét nghiệm, cách ly có mục tiêu và truyền thông thường xuyên.

Vì vậy hôm nay, khi xã hội mở cửa theo từng bước, chúng ta sẽ trở lại với đời sống bình thường, nhưng là “bình thường mới. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ phải thận trọng hơn trong hoạt động, học sinh đi học lại trong sự chuẩn bị kỹ hơn, cách thức sống của mỗi chúng ta cũng phải thay đổi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Nới cách ly không phải để đổ ra đường ăn mừng".

Những tụ tập, chơi bời, những “niềm vui check-in sống ảo, những tiêu dùng phù phiếm, thủ tục lễ nghi rườm rà, lối sống thỏa mãn cá nhân bất chấp lợi ích xã hội… sẽ phải thay đổi. Những nếp sống mới khoa học, thực tế và chuẩn mực mới đã xuất hiện.

Không phải tự nhiên mà những hình phạt chưa có tiền lệ như cảnh sát Ấn Độ vụt roi vào những người ra đường, Bộ trưởng An ninh xứ Lesotho (Nam Phi) bị bắt vì trốn cách ly chỉ để đi… mua rượu, Indonesia nhốt người vi phạm phong tỏa vào “nhà ma ám”… lại được các nước mang ra áp dụng.

Cảnh giác, vì đến giờ này, COVID-19 vẫn “vượt quá tầm kiểm soát và sự hiểu biết của con người” - một nhà khoa học nói. “Lo lắng sẽ tồn tại rất lâu và nó thay đổi sâu sắc cách tương tác của con người trong thời gian dài. Có thể là mãi mãi”- Velibor Bozovic, theo VNE.

Chúng ta phải nhanh chóng tạo dựng sự “bình thường mới. Tự bỏ đi những thói quen xấu cũ, coi đó là phương cách tự bảo vệ mình và xã hội.

Quảng Yên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lieutien 23-04-2020 15:08:25

    Nói chung, bước đầu Việt Nt đã điểm đúng “ huyệt đạo “ của con v. Cô. , không cho nó phát tán và lây lan trong cộng đồng. Chiến dịch này làm sao trong thời gian tới phải diệt được nguồn xâm nhập. Tìm cái gốc điều trị ,chứ đừng lay hoay giải quyết cái ngọn. Mọi nỗ lực là do con người quyết định.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI