Mồ côi ba mẹ, những đứa trẻ dìu nhau trưởng thành

03/06/2018 - 06:00

PNO - Em không biết ba mẹ đang ở đâu, nhưng hơn 10 năm, hai chữ mồ côi luôn bám lấy em. Em không giận, em chỉ ước một lần gặp lại ba mẹ để nói con cảm ơn rồi... tiếp tục ở lại chùa cũng được.

"Quê hương là ca dao, mẹ ru thiết tha hôm nào... Đi xa mà tôi nhớ dáng mẹ hiền yêu thương.", giọng ca của Thị Qui - bé gái người dân tộc S'tiêng vẳng ra từ sân khấu ngoài trời chương trình "Cho con tình yêu thương" khiến nhiều người tham gia giao thông ngang qua tòa soạn báo Phụ Nữ lái xe chậm rãi hơn.

Mo coi ba me, nhung dua tre diu nhau truong thanh
 

Đây chính là bài hát mà Qui muốn gửi tặng sinh nhật mẹ trong bài dự thi gửi về báo Phụ Nữ. Vừa hát xong, khi nhiều cô chú hỏi thăm về mẹ, Qui kể: "Năm con tròn 8 tuổi, luồng điện công trình quái quỷ đã cướp đi ba con, mẹ như chết lặng. Mẹ ngã quỵ xuống sàn nhà, mẹ im lặng thất thần, mẹ không khóc như bà nội. 

Đến mãi sau này khi mất mẹ con mới nhận ra, giọt nước mắt chảy ngược còn đau khổ gấp trăm vạn lần. Mẹ mất, bầu trời của con dường như khép lại". Và nhờ mái ấm Hướng Dương, Qui được chăm sóc, được lớn lên mỗi ngày. Không chỉ được ăn, được đi học mà em đang được các cô dìu đi tiếp con đường phía trước.

Mo coi ba me, nhung dua tre diu nhau truong thanh
 

Nhờ những cánh tay dìu nhau qua khó khăn, hàng trăm trẻ mồ côi, bỏ rơi tại buổi tổng kết "Cho con tình yêu thương" ở tòa soạn báo Phụ Nữ cũng cho biết chúng đã được an toàn. 

Điển hình như trường hợp của bé Trần Ngọc Hồng. 14 năm trước, sư trụ trì nhặt được bé gái đỏ hỏn trước cổng chùa Kỳ Quang 2, bé gái đang khóc ré... bỗng im bật khi được sư ông bế lên tay. Bé mở to mắt nhìn sư ông đầy thương cảm. Em được sư ông mang vào chùa, với tên gọi Trần Ngọc Hồng – viên ngọc quý của cuộc đời.

Tuổi ăn, tuổi lớn, Ngọc Hồng cũng như bao đứa trẻ khác, em thắc mắc về nguồn gốc của mình. Thế nhưng, từ khi phát hiện Ngọc Hồng, ngoài chiếc khăn nhỏ phủ hờ hững, không có bất kỳ món đồ gì gọi là kỷ vật, hay để em hy vọng về nơi mà những năm tháng qua em muốn tìm về.

Mo coi ba me, nhung dua tre diu nhau truong thanh
Ngọc Hồng luôn mong chờ một ngày ba mẹ sẽ đến chùa tìm gặp, chỉ để trả lời câu hỏi 14 năm luôn đeo bám: "Mình là ai?"

Nhiều lần hỏi sư ông, Ngọc Hồng đều cảm nhận được sự khó xử của sư trụ trì. Hình như, sư ông cũng như em, trăn trở mãi chỉ một câu hỏi “Mình là ai?”. Suốt mấy năm nay, em không hỏi nữa, lặng thinh đi học, lặng thinh ngắm nhìn cuộc sống, nhưng Ngọc Hồng chưa bao giờ thôi trông ngóng, mơ tưởng một ngày nào đó, có hai người xa lạ, hay một người thôi cũng được, dang rộng đôi tay “mẹ đây con”.

Nén giọt nước mắt cứ chực chờ lăn trên má, Ngọc Hồng nói: “Ngoài sở thích nấu ăn cho mọi người, em luôn ước mơ em có thể lên báo, lên truyền hình để ba mẹ thấy được em. Em tin, nếu ba mẹ thấy, chắc chắn sẽ nhận ra và tìm đến chùa Kỳ Quang 2 đón em về.

Em chỉ luôn hy vọng như vậy thôi, em không có bất kỳ vật gì để biết mình là ai, ba mẹ ở đâu. Nhưng em tin, ba mẹ sẽ nhớ về 14 năm trước, vì lý do nào đó, đã đặt em trước cổng chùa”.

Mo coi ba me, nhung dua tre diu nhau truong thanh
 

Ngọc Hồng nhắm mắt, đôi bàn tay cố nắm vào gấu quần, lạnh ngắt, hít thật sâu, giọng run hẳn lên khi tưởng tượng ba mẹ đang đứng trước mặt mình. Sau câu nói “Sao ba mẹ lại bỏ con?”, Ngọc Hồng dịu giọng: “Con cảm ơn ba mẹ, cảm ơn vì ba mẹ đã sinh con ra, cho con cuộc sống quý giá này, nhưng...”.

Em im lặng, mắt nhìn xa xăm quay lại thực tại. Ngọc Hồng vẫn chưa thể gặp được người thân của mình, em cắn chặt môi, mong một ngày điều đó không chỉ là mơ.

Mo coi ba me, nhung dua tre diu nhau truong thanh
Em luôn nghĩ ba mẹ ở đâu đó vẫn thương yêu và nhớ đến em, vì: "Nếu không thương em, ba mẹ sẽ bỏ em ở một xó xỉnh nào đó chứ không phải là cổng chùa"

Nhớ lại những ngày đầu đến lớp, trên chiếc xe nhỏ của sư ông, Ngọc Hồng cùng các em vui đùa bao nhiêu, đến trường lại cô độc bấy nhiêu. Bạn bè biết em ở chùa, đều trêu ghẹo em từ... cục đá chui ra. Những lần như vậy Ngọc Hồng đều nói “Kệ tui đi” rồi chạy ra một góc, trốn tránh, sợ hãi rồi lại hy vọng. 

Ban đầu, em cũng giận ba mẹ bỏ rơi mình, nhưng qua lời dạy của sư trụ trì, Ngọc Hồng dần xóa đi oán hận, em chỉ ước mong một ngày gặp lại người thân, em sẽ ôm chầm lấy họ, sẽ cảm ơn công sinh thành, dù không nuôi dưỡng nhưng vẫn cho em một kiếp người.

Mo coi ba me, nhung dua tre diu nhau truong thanh
 

Ngọc Hồng cho rằng ba mẹ rất yêu thương em, nhưng có cái khó của mình, vì nếu không yêu thương, ba mẹ sẽ không đặt em ở cổng chùa, mà bỏ liều ở một góc nào đó trong muôn vàn ngõ ngách cuộc đời.

“Nếu không được ở trong chùa, em sẽ không được nuôi dạy hướng thiện. Có thể bây giờ em không được đi học, không được yêu thương, em vẫn còn phải tự lượm ve chai, bán vé số, hay ăn xin ở nơi nào đó. Con biết ba mẹ nghĩ cho con nên mới đặt con vào tay sư ông, nhưng con vẫn sẽ ở đây, chờ ba mẹ đến tìm.

Không thể đưa con về cũng không sao, con chỉ muốn một lần gặp được ba mẹ để biết con là ai, con từ đâu đến chứ không phải từ cục đá nứt ra như bạn bè vẫn nói. Con xin gặp ba mẹ một lần thôi, rồi con tiếp tục ở lại chùa cũng được”, Ngọc Hồng xúc động.

Mo coi ba me, nhung dua tre diu nhau truong thanh
Yến Nhi muốn trở thành hoa hậu để có thể kết nối tình yêu thương đến với các em nhỏ

Đồng cảnh như Ngọc Hồng, nhưng Đào Ngọc Yến Nhi (14 tuổi, ở mái ấm Hoa Sen) lại nhận mình may mắn hơn cô bạn bên cạnh một chút, Yến Nhi được ở với mẹ đến năm 6 tuổi thì mẹ mất.

6 tuổi chưa đủ để em cảm nhận hết nỗi đau của mình. Mất mẹ, Nhi được dì đón về nhà, nhưng chỉ vài năm, dì không nuôi nổi, em lại được chuyền tay đến người dì khác. Cứ như thế cho đến năm vừa rồi, Nhi chạy vụt ra đường cầu cứu vì bị ông mình bạo hành.

“Năm đó em đến ở với cậu, cậu đi làm suốt, em được ông út chăm sóc. Chắc ông út thích sạch sẽ nên mỗi khi nhà dơ, em đều bị ông út đánh. Em đi học thì thôi, về là phải ở nhà làm việc. Mấy lần trước ông út đánh em chịu được, nhưng lần đó ông dùng dây điện đánh nhiều quá em chịu không nổi nên chạy sang nhà hàng xóm cầu cứu. Thấy em bị đánh, cô chú dẫn em lên công an xã. Sau đó cô chú khuyên em nên qua mái ấm Hoa Sen ở, rồi em ở đây từ tháng 5/2017 đến bây giờ”, Nhi kể lại.

Mo coi ba me, nhung dua tre diu nhau truong thanh
Yến Nhi cho rằng em may mắn thoát khỏi bạo hành nhưng vẫn còn nhiều bạn nhỏ bi đánh đập như em, em muốn giải cứu các bạn ấy.

Tại mái ấm Hoa Sen, Nhi được tiếp tục đi học để nuôi dưỡng ước mơ làm hoa hậu. Nghe Nhi nói lên ước mơ của mình, các em nhỏ liền bật cười vì cổ của Nhi từ nhỏ đã bị tật, luôn nghiêng qua một bên vì không có tiền làm phẫu thuật. 

Thế nhưng, khi nghe Nhi nói: “Em xem trên truyền hình có nhiều chị khi trở thành hoa hậu thì đi từ thiện khắp nơi, giúp được các em nhỏ nhiều lắm. Hoa hậu cũng có thể tìm được nhiều cô chú có lòng tốt, để cho các em đi chơi, ăn ngon và nhiều quần áo mới.

Em may mắn được giải cứu khỏi sự bạo hành, được ăn học tử tế, nhưng xung quanh em còn nhiều bạn vẫn bị đánh, bị mắng, bắt làm việc nặng nhọc mỗi ngày mà chưa được cứu như em. Nếu em làm hoa hậu, em sẽ tìm và cứu các em ấy”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI