Mở cơ chế để phát triển đảng viên nữ ở cơ sở hội - Bài 2: Hun đúc tình yêu Đảng cho người trẻ

07/12/2023 - 06:12

PNO - Dù việc tạo nguồn, phát triển Đảng tại chi hội khu phố hiện gặp nhiều khó khăn, nhưng các nữ bí thư chi bộ khu phố vẫn kiên trì, lấy việc làm và hành động của mình để gieo niềm tin yêu Đảng đến quần chúng, từng bước dẫn dắt họ trở thành những người nối bước.

Phát hiện, bồi dưỡng người cho Đảng

15 năm tuổi Đảng, trong đó có 6 năm làm Bí thư Đảng bộ bộ phận khu phố 1, phường Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM), bà Huỳnh Thị Nhơn Thiện đã phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu được 7 nữ đảng viên. Trong 7 chị, có người đang tuổi đôi mươi, có người đã ngoài 50, là nông dân, công nhân, giáo viên, người buôn bán. Điểm chung ở họ: đều là cán bộ chi tổ hội phụ nữ. 

Đi lên từ phong trào, là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1 nhiều năm, bà Thiện thổ lộ: “Ở địa bàn dân cư, chuyện vào Đảng coi vậy mà không dễ. Chị em có tâm lý trở thành đảng viên như là một cột mốc của sự nghiệp, trong khi mình buôn thúng bán mẹt thì thăng tiến gì, lo cơm rau ngày 3 bữa là vui. Với lại, các chị thích thoải mái, không muốn gò bó, thành ra, câu đầu tiên bà thường nghe khi trao đổi chuyện vào Đảng là: có họp nhiều không chị?”. 

Đầu những năm 2000, suy nghĩ của bà Thiện cũng vậy. Kinh tế khó khăn, bà quẩy đôi quang gánh đi khắp xóm bán xôi, chè; tiếp đến là đạp xe thu mua phế liệu. Hội Phụ nữ phường có Câu lạc bộ Phụ nữ làm kinh tế. Là thành viên, bà rất nhiệt tình hướng dẫn chị em “lên đời” những bao tời đựng gạo cũ thành túi xách nhỏ, đẹp mắt để cung cấp cho các cơ sở bán đường tán; hoặc giặt, vá bao đường rách để bán lại cho nông dân miền Tây đựng lúa. Cách làm đó vừa giúp chị em có thu nhập, vừa tạo không khí phấn khởi, đoàn kết.

Bà Huỳnh Thị Nhơn Thiện (trái) thường xuyên thăm hỏi, động viên chị Bùi Thị Bích Uyên cả trong đời sống riêng lẫn trong công việc
Bà Huỳnh Thị Nhơn Thiện (trái) thường xuyên thăm hỏi, động viên chị Bùi Thị Bích Uyên cả trong đời sống riêng lẫn trong công việc

Xông xáo và hết lòng vì mọi người là vậy, nhưng nghe bà Đặng Thị Lâm, khi đó là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 1, khuyên nhủ, ráng phấn đấu thêm và chuẩn bị hồ sơ để được xem xét kết nạp Đảng, bà Thiện đã từ chối. “Lúc đó, tôi nghĩ 2 chữ đảng viên quá tầm mình. Tôi chỉ là người lao động chân tay, có phần khắc khổ, đã qua tuổi 40 và không giỏi giao tiếp. Lỡ không được bà con thương quý thì sao hoàn thành trọng trách Đảng giao. Nhưng chi hội đã rất kiên trì với tôi. Các chị nói những việc tôi đang làm cùng Câu lạc bộ Phụ nữ làm kinh tế, thường đến thăm hỏi những chị em đau ốm, gặp chuyện bất trắc… đều là vì dân. Sự đồng hành của chị em trong chi hội giúp tôi tự tin dần. Ngày 15/12/2008, tôi trở thành đảng viên. Từ chuyện của mình, tôi luôn xác định khi đã phát hiện một tấm gương xứng đáng bồi dưỡng cho Đảng thì dù vất vả mấy cũng sẽ kiên trì tới cùng” - bà Thiện bộc bạch. 

1 trong 7 nữ đảng viên được bà Thiện bồi dưỡng là chị Bùi Thị Bích Uyên, 52 tuổi. Là người kế nhiệm bà Thiện từ năm 2019 khi nhận trọng trách Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, chị Uyên đã duy trì mô hình Bếp yêu thương do bà Thiện lập nên, mỗi tháng nấu mấy trăm suất ăn tặng bà con nghèo.

Chị cũng là người kết nối nhờ các nữ thợ may dạy nghề miễn phí cho nhiều hội viên, rồi tìm kiếm nguồn hàng cho chị em gia công. Ngày 5/5/2022, trong lễ kết nạp Đảng, chị Uyên xúc động ôm người nữ bí thư đã tận tâm với mình. Chị cho biết, sau nhiều năm làm hồ sơ, chị từng muốn bỏ cuộc. 

Bà Thiện chia sẻ: “Khúc mắc lớn nhất khi thẩm tra lý lịch là Uyên không muốn kể chuyện nhà. Ba mẹ cô ấy ly hôn, mỗi người mỗi ngả. Uyên được ông bà nội nuôi dưỡng từ năm 2 tuổi. Tôi đã tới lui tâm sự với Uyên không biết bao nhiêu lần. Qua được ải này thì đến COVID-19 và văn bằng tốt nghiệp THCS của Uyên bị thất lạc. Nản quá, cô ấy xin thôi và tôi lại phải động viên, thậm chí năn nỉ, vì thật lòng tôi tin tưởng người cán bộ hội này sẽ là một đảng viên năng nổ, làm nhiều việc tốt cho bà con. Cuối cùng, phải tới lui xin trích lục lại bằng cấp cho Uyên, mất mấy tháng ròng”. 

Bà Thiện khoe, đang hoàn tất hồ sơ gửi Đảng ủy xem xét 2 cán bộ hội, đồng thời đang “nhắm” bồi dưỡng 2 chị em trẻ khác. 

Vào Đảng đâu phải để làm lợi cho mình

30 năm đứng vào hàng ngũ của Đảng, bà Lê Thị Tuyết từng nhiều năm làm bí thư chi bộ và hiện đang là Bí thư chi bộ khu phố 4, phường 7, quận 8. Bà cho biết, trong vai trò người đứng đầu, việc đầu tiên bà luôn nghĩ đến là có lớp trẻ nối tiếp, những người tương lai sẽ thay mình phấn đấu cho một đất nước ngày càng tiến bộ, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân. 

Về sự quan tâm đến thế hệ trẻ, bà Tuyết suy nghĩ, tuổi trẻ có sức khỏe, sự năng động và trên hết là có nhiều thời gian để trưởng thành, cống hiến, vì thế nếu không quan tâm đến họ sẽ rất uổng phí. Tuy nhiên, hiện nay, việc kết nạp người trẻ là rất khó vì tư tưởng của họ đã khác xưa. Họ nghĩ nhiều đến kinh tế, bị chi phối bởi áp lực làm giàu... Các em thường bảo: vào Đảng có lợi gì đâu? 

Bà Lê Thị Tuyết (thứ ba từ trái sang) luôn lấy việc mình làm để gieo niềm tin yêu Đảng nơi thế hệ trẻ
Bà Lê Thị Tuyết (thứ ba từ trái sang) luôn lấy việc mình làm để gieo niềm tin yêu Đảng nơi thế hệ trẻ

Nói vậy, song bà Tuyết lại là người “mát tay” trong việc tạo nguồn, vận động phát triển đảng viên, bởi nhiều năm qua bà đã phát triển nhiều lớp đảng viên trẻ hiện đã trưởng thành, có vai trò và những cống hiến nhất định trong xã hội. Riêng trong nửa nhiệm kỳ này, bà đã kết nạp 2 đảng viên trẻ cho chi hội phụ nữ khu phố, hoàn thành chỉ tiêu của nhiệm kỳ.

Hiện tại, bà cũng đã vận động và giới thiệu thành công 5 đối tượng nam nữ thanh niên. Bà bảo mình không có bí quyết gì đặc biệt mà chỉ lấy công việc thường ngày để chứng minh, đã là đảng viên thì đừng bao giờ đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể. “Tôi tâm niệm rất đơn giản, phải lắng nghe tiếng nói của dân và đem lại cho họ niềm tin về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; soi rọi và tác động đến lớp trẻ không chỉ qua lời nói, lý thuyết hay nghị quyết mà phải bằng hành động, cử chỉ, lời nói hằng ngày để họ nhìn thấy đảng viên là những người hành động, đi đầu chứ không phải là những người ngồi ghế chỉ tay” - bà chia sẻ.

Quận 8 là một trong những nơi bùng dịch sớm tại TPHCM. Trong lúc thực hiện nghiêm những quy định về giãn cách, là người đứng đầu khu phố, bà Tuyết không ngồi yên mà liên hệ với học trò ở khắp nơi (bà từng làm giáo viên, rồi hiệu trưởng 1 trường tiểu học) để xin lương thực, thực phẩm về cho khu phố.

Những xe rau về lúc nửa đêm nhưng không có người đứng ra phân phối, bà nghĩ ngay đến việc huy động lực lượng thanh niên. Thấy bà bí thư khu phố đã nhiều tuổi mà cứ xông pha ra đường lo cho mọi người, nhiều thanh niên đã tự nguyện phụ giúp. Được truyền lửa, sau đợt dịch, họ gắn bó mật thiết hơn với phong trào, hoạt động của khu phố. Cũng từ đó, bà phát hiện ra những nhân tố tích cực để hướng đến việc phát triển Đảng.

Kể lại lần nói chuyện với Phan Dương Thanh Nhanh - một nữ chủ nhà trọ - về việc phát triển Đảng và nhận được câu trả lời “Con giờ đã nghỉ việc, còn vô Đảng làm gì nữa cô?” - bà Tuyết trả lời: “Vào Đảng không phải để có quyền lợi gì cho bản thân. Nhưng khi có tổ chức, thì con sẽ được rèn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong, đối nhân xử thế và các mối quan hệ xung quanh. Vào Đảng là để đem lại lợi ích cho dân, được lắng nghe tiếng nói của dân rồi giúp đỡ trong khả năng của mình, chứ không phải sẽ làm được điều gì cho mình!”.

Phan Dương Thanh Nhanh cũng từng nhìn nhận, việc chị đứng vào hàng ngũ của Đảng, ban đầu, không xuất phát từ sự phấn đấu của bản thân mà là do bà bí thư chi bộ khu phố đã truyền cảm hứng và dẫn dắt. “Những lời cô Tuyết nói luôn thống nhất với việc làm của cô, đã gieo niềm tin, tình yêu lý tưởng cho tôi cũng như nhiều bạn trẻ để họ mạnh mẽ, tự tin đứng trong hàng ngũ và cống hiến dù chỉ là những việc làm nhỏ bé. Tôi nghĩ, nếu lực lượng đảng viên của chúng ta đủ sức nêu gương thì việc vận động, tạo nguồn phát triển Đảng không phải là điều gì quá khó” - Nhanh khẳng định. 

Mẫn Nhi - Thu Lê

KỲ TỚI: Nhiều điểm nghẽn cần khai thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI