Mở câu lạc bộ nghề để hỗ trợ phụ nữ nghèo

29/12/2023 - 06:53

PNO - Thấu hiểu khó khăn của những người phụ nữ không có thu nhập, chị Thạch Ngọc Hà (khu phố 9, phường 5, quận 8) quyết tâm học nghề đan - móc len rồi mở câu lạc bộ làm nơi dạy nghề miễn phí, giúp chị em cùng nhau phát triển kinh tế.

Giúp chị em có thêm đồng tiền trang trải

Sáng thứ Sáu, 10 thành viên Câu lạc bộ (CLB) Đan móc len, tương trợ phát triển kinh tế (phường 5, quận 8) có mặt tại nhà chị Thạch Ngọc Hà - Chủ nhiệm CLB - để gấp rút thực hiện sản phẩm mới cho kịp bán mùa Noel. Đó là những chú gấu nhỏ nhắn có tông màu xanh - đỏ. Các thành viên được phân công móc các bộ phận khác nhau như đầu, tay, chân của con gấu.

Chị Hà cho biết, việc phân công như vậy sẽ giúp “chuyên môn hóa”, làm ra sản phẩm nhanh hơn. Khâu cuối cùng là ráp, gắn mắt, mũi, tạo dáng cho sản phẩm cần đến kinh nghiệm cũng như năng khiếu thẩm mỹ, giúp sản phẩm có hồn sẽ do chị Hà phụ trách.

Nhiều phụ nữ tham gia Câu lạc bộ Đan móc len, tương trợ phát triển kinh tế của chị Thạch Ngọc Hà
Nhiều phụ nữ tham gia Câu lạc bộ Đan móc len, tương trợ phát triển kinh tế của chị Thạch Ngọc Hà

Bạn Hồ Thị Thanh Dung - 18 tuổi, ngụ phường 5 - đang chăm chú lần theo mũi kim đan. Khi cuộn len dần nhỏ lại cũng là lúc thân của 1 con gấu thành hình. Sau 4 tháng theo học đan móc tại CLB, hiện Dung đã làm tốt một số sản phẩm đơn giản và mỗi ngày có thể kiếm khoảng 100.000 đồng.

Số tiền đó được cô gái trẻ cất giữ cẩn thận với ước mơ mùa tựu trường năm sau em sẽ tự đóng học phí để tiếp tục theo đuổi việc học tập. Năm nay, dù đậu vào đại học nhưng Dung phải xin bảo lưu kết quả vì gia đình không có khả năng đóng học phí.

Năm 2020, ba Dung mất vì COVID-19. Một mình mẹ bươn chải đủ thứ việc cũng không thể lo nổi cho 3 đứa con ăn học. Em gái mới vào lớp Năm, trong khi chị gái đang học năm thứ hai đại học. Không thể để chị dở dang giữa đường nên Dung phải tạm dừng việc học của mình. May mắn là, khi cô gái nhỏ loay hoay chưa biết làm gì để kiếm tiền thì chi hội phụ nữ khu phố giới thiệu đến CLB Đan, móc len để học nghề.

Dung tâm sự: “Ban đầu em định đến học thử xem thế nào, nhưng chỉ học vài ngày là em đã móc được những sản phẩm cơ bản, rồi sau đó kiếm được vài chục ngàn mỗi ngày. Ngày nào không đi giao hàng, mẹ em cũng đến học rồi nhận hàng về để 2 mẹ con cùng làm”.

Nhỏ nhất CLB là bé Gia Nhi, 14 tuổi. Mẹ mắc bệnh tâm thần, cha bỏ đi, Nhi sống cùng bà ngoại. Hiện em đang học lớp Bảy tình thương. Một buổi đi học, buổi còn lại Nhi đến CLB xin học đan với ước mơ kiếm tiền phụ giúp ngoại. Đồng hành cùng cháu, bà ngoại Nhi cũng lấy sản phẩm từ CLB đem đi bán ở cổng các trường, khu vui chơi. Thu nhập từ việc buôn bán giúp bà trang trải cuộc sống hằng ngày. 

Quảng bá sản phẩm: có hội đồng hành!

CLB Đan móc len, tương trợ phát triển kinh tế do chị Thạch Ngọc Hà làm chủ nhiệm được thành lập cuối tháng 7/2023 sau thời gian dài ấp ủ. Chị Hà cho biết, căn bệnh ung thư vú từ năm 2016 đã khiến kinh tế gia đình chị ngày càng kiệt quệ và trở thành hộ nghèo tại địa phương.

Nắm được hoàn cảnh khó khăn của chị Hà, chị Nguyễn Thị Bé Sáu - Chủ tịch Hội LHPN phường 5 - đã vận động chị đi học nghề thêu để cải thiện kinh tế, nhưng chị chọn nghề đan móc len. “Nghề thêu phải khéo tay, có óc thẩm mỹ, biết phối màu, mà đầu ra cũng rất khó, trong khi, tôi có sẵn vốn nghề móc len học được từ nhỏ. Do vậy, sau dịch, thấy các mặt hàng len đang hot trên thị trường nên tôi quyết định học móc len một cách bài bản rồi học thêm từ các video của nước ngoài thông qua YouTube” - chị Hà kể lại. 

Chị Thạch Ngọc Hà (bìa trái) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đan móc len, tương trợ phát triển kinh tế - tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận 8 nhân ngày Doanh nhân Việt Nam
Chị Thạch Ngọc Hà (bìa trái) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đan móc len, tương trợ phát triển kinh tế - tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận 8 nhân ngày Doanh nhân Việt Nam

Để hỗ trợ chị Hà mạnh dạn thành lập CLB, Hội LHPN quận đã giới thiệu chị vay ngân hàng 30 triệu đồng. Tháng Tám, CLB bắt đầu chiêu sinh. Chị Hà trực tiếp hướng dẫn, dạy nghề miễn phí cho những phụ nữ nghèo tại địa phương và trả công theo sản phẩm. Hiện nay, CLB có 16 thành viên, chủ yếu là các chị nội trợ.

Chia sẻ về việc này, chị Hà nói: “Khoảng thời gian chiến đấu với ung thư tôi phải nghỉ việc ở nhà, mới thấu hiểu được những khó khăn của người nội trợ. Không có thu nhập, sống hoàn toàn phụ thuộc vào chồng nên rất nhiều vấn đề nảy sinh. Tôi nguyện, nếu ông trời thương, cho tôi có sức khỏe, tôi sẽ dành thời gian còn lại phục vụ cộng đồng. Biết gì chỉ nấy, ai có nhu cầu cứ đến, tôi sẽ dạy, rồi mang việc về nhà làm kiếm thêm thu nhập”. 

Đầu ra ổn định cho sản phẩm của CLB hiện nay là 1 số cửa hàng bán đồ lưu niệm trên địa bàn. Không để một mình chị Hà loay hoay với CLB, mấy tháng qua, Hội LHPN quận 8 cố gắng kết nối, hỗ trợ đầu ra. Ngoài fanpage giới thiệu sản phẩm của CLB, Facebook của Hội LHPN quận 8 cũng giúp quảng bá sản phẩm đến nhiều khách hàng.

Chị Hà phấn khởi cho biết, tháng Mười vừa rồi, thông qua sự kết nối của Hội LHPN quận, 1 doanh nghiệp đặt hàng túi xách đính hoa với số lượng 1 container. Đơn hàng tính hàng tấn nhưng doanh nghiệp cho thời gian quá ngắn, nhân lực hiện tại của CLB không đáp ứng nổi. Mặc dù vậy, chị Hà vẫn tin vào tương lai với những mối hàng lớn. Vấn đề là chị sẽ phải cố gắng kết nối với các cơ sở đan len các quận, huyện để cùng làm. 

“Hiện nay, khi tổ chức sự kiện, thay vì mua hoa tươi tặng khách mời, Hội LHPN quận 8 sẽ mua sản phẩm hoa đan len của CLB như một cách hỗ trợ, đồng hành và giúp giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ. Trong các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn, quận hội cũng dành chỗ cho CLB” - bà Nguyễn Đoàn Phi Phượng - Phó chủ tịch Hội LHPN quận 8 - cho biết thêm. 

Nguyệt Minh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI