“Mít ướt” về nhà

09/04/2024 - 10:45

PNO - Mỗi lần về thăm nhà, ngoài niềm vui, nỗi nhớ sẽ đeo đẳng trong lòng tôi cho đến lần về tiếp theo, tôi cảm thấy biết ơn gia đình mình vô hạn.

Ngày xuất giá, tôi đã khóc như mưa từ nhà ra đến sân bay, suốt cả chuyến bay và trên cả đoạn đường về nhà chồng. Vẫn biết mình bị chứng “mít ướt” nặng, tôi vẫn không ngờ mình có “sức” để khóc lâu như vậy. 20 năm sau, chứng mít ướt vẫn không giảm mà còn tăng đến mức đã trở thành thương hiệu.

Về thăm nhà, vừa bước xuống sân bay, nước mắt tôi tự nhiên tuôn khi thấy em trai tôi và nhỏ em dâu tươi cười đón chào với tấm bảng màu mè in tên vợ chồng tôi, do 2 đứa cháu cưng thiết kế. Chồng tôi thấy vậy bèn rảo bước đến chào mọi người và tất cả đẩy vội hành lý vào xe, cười nói rôm rả để tôi không kịp khóc nhiều hơn.

Tác giả và ông xã ngồi thứ ba, thứ tư từ trái sang trong chuyến về Việt Nam mới đây
Tác giả và ông xã ngồi thứ ba, thứ tư từ trái sang trong chuyến về Việt Nam mới đây

Hôm sau, ba tôi rủ vợ chồng tôi đi ăn sáng. Bữa sáng thường ngày của ông rất đơn giản, nhưng hôm đó ông dắt chúng tôi đến cửa hàng bánh ngọt của Pháp, vì nghĩ chàng rể Tây của ông sẽ thích. Vừa nghe ba tôi giải thích, nước mắt tôi lại chảy ra, vì nghĩ mình không báo hiếu gì được cho đấng sinh thành, mà cứ mãi nhận bao yêu thương.

Ba tôi vẫn tiếp tục nói chuyện sau khi nghe tôi giải thích rằng mình bị dị ứng khói bụi nên mắt mũi mới ướt át như vậy. Ông thừa biết cái tật mít ướt của tôi nên không hỏi nữa thôi.

Ngày 2 thằng cháu con chị tôi đến chơi, nhìn 2 chàng trai ngày tôi rời Việt Nam còn chưa ra đời, mà hôm nay đã cao hơn tôi cả cái đầu, đẹp trai, lại còn rất lịch sự - biết mở cửa, xách đồ cho mẹ, cho dì, tôi lại không kìm được nước mắt.

Cái tật khóc nhè của tôi có lúc làm chồng tôi rất đau đầu, không biết xử trí ra sao, bởi anh càng vỗ về, tôi càng khóc. Ban đầu, khi thấy tôi khóc, anh vỗ về, rằng mình có những 3 tuần ở đây, em chưa cần phải khóc sớm thế đâu. Dần dần, kiểu này cũng hết hiệu nghiệm, anh bèn lấy lịch tính tiếp ngày về thăm gia đình tôi vào… năm sau, rồi ôm vai tôi, nói: “Chỉ còn 365 ngày nữa là mình lại về Việt Nam, em đừng khóc nữa nhé”.

Tôi đoán, những người con xa xứ như tôi chắc ai cũng có những nỗi nhớ mênh mang với gia đình của họ. Tình thân gia đình là gì, tôi không cắt nghĩa được; chỉ là tự nhiên mình thấy thương, thấy nhớ từ những cái hết sức gần gũi, đời thường mà khi nghĩ rằng mình sẽ không được thấy, được cảm nhận hằng ngày, sẽ khiến ta hụt hẫng, nhớ nhung.

Như khi em trai tôi giục con gái cắt chả quế cho tôi ăn, vì biết tôi thích món đó, đứa cháu cắt cho tôi một miếng lớn, còn hỏi cô ăn chả lụa nữa không; là khi ba tôi mang ra hộp sầu riêng loại 1 cho tôi ăn, vì biết nơi tôi ở không có món trái cây đặc biệt này. Tôi nhớ chị tôi cùng anh rể vội vàng hẹn đi chùa cùng tôi vào ngày cuối ở Việt Nam trước khi lên máy bay, để tôi có thêm được một kỷ niệm đẹp.

Tác giả và ông xã đứng thứ tư, thứ năm từ phải sang trong chuyến về Việt Nam tết năm nay
Tác giả và ông xã đứng thứ tư, thứ năm từ phải sang trong chuyến về Việt Nam tết năm nay

Tôi không dùng mạng xã hội, nhưng suốt thời gian thăm nhà vẫn hối hả chụp hình những bữa ăn sáng vui vẻ với gia đình chị tôi cùng mấy đứa cháu, hình em dâu bận rộn trong bếp sửa soạn bữa ăn cho cả nhà, hình ba đạp xe chậm rãi trong dòng xe cộ đông đúc…

Dẫu biết mỗi lần về thăm nhà, ngoài niềm vui, nỗi nhớ sẽ đeo đẳng trong lòng tôi cho đến lần về tiếp theo, tôi cảm thấy biết ơn gia đình mình vô hạn. Mỗi chuyến về quê là thêm một lần để tôi góp đầy yêu thương vào túi đựng ký ức.

Thời gian bên nhau dù ngắn ngủi, những tiếng cười, cái nắm tay, ánh mắt nhìn cũng đủ cho tôi biết mình có một bến bờ bình yên, dù tôi có ở bất cứ phương trời nào.

Phan Quỳnh Dao

(London)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI