Mình và họ

15/10/2015 - 13:53

PNO - Một tác phẩm văn chương, khi đọc xong, nếu có những chi tiết đắt giá phải đọc lại, xem như nhà văn đã để lại được dấu ấn cho bạn đọc.

Năm nay, tiểu thuyết Mình và họ của nhà văn Nguyễn Bình Phương đã lọt vào “mắt xanh” của ban giám khảo giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Hà Nội với sự đánh giá: “Nó vừa tiếp tục khai triển lối viết phức tạp đa tuyến đa chiều của anh, vừa đẩy nghệ thuật viết tiểu thuyết mang đặc hiệu của tác giả lên một mức độ cao”.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương được biết đến qua các tiểu thuyết như Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồi... Lần này, qua Mình và họ, anh trở lại với đề tài về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979.

Minh va ho

Từ những trang nhật ký của người anh trai từng chiến đấu tại Hà Giang, Hiếu lần tìm lại dấu vết bước chân hành quân ngày trước. Vùng cao biên giới mở ra bao chuyện kỳ lạ, huyền ảo mà anh không thể giải thích được. Cuộc chiến dần được gợi ra với những tình tiết không ngờ:

“Trước khi rút họ phá sạch sành sanh. Nhà không đốt mà chơi trò oái oăm là chặt đúng cái trụ cột ở giữa rồi đạp cho đổ. Bọn ấy là vua đểu, cậu bảo - thà nó đốt mẹ nó hết đi thì lại sạch sẽ, mình có làm lại cũng đỡ. Nó sập, mình về dọn mới khổ”. Tính cách đó mới là họ!

Một tác phẩm văn chương, khi đọc xong, nếu có những chi tiết đắt giá phải đọc lại, xem như nhà văn đã để lại được dấu ấn cho bạn đọc. Điều lý thú ở đây là anh còn đề cập đến những câu chuyện hư hư thật thật, khó có thể xác định là có thật hay không?

Có thật hay không khi danh tướng Lý Thường Kiệt sau khi triệt hạ thành Ung Châu đã trừng trị tất cả những kẻ có mặt trong thành? Có thật hay không chuyện tiêu diệt bọn phỉ của Châu Quang Lồ bằng cách “bịt các ngách hang lại để phun lửa vào”?…

Các câu chuyện kể trong dân gian đã được tác giả ghi lại và đan chéo trong các tình tiết, nhờ vậy mạch văn thêm lý thú. Tuy nhiên, do câu chuyện đan xen giữa thực tại và quá khứ nên khó có thể đọc nhanh, đôi lúc phải dừng lại suy ngẫm theo mạch cảm xúc đa chiều của tác giả.

Một trong những chú tâm của nhân vật Hiếu khi có mặt tại vùng biên giới phía Bắc là quan sát sự khác nhau giữa mình và họ. Cuối cùng “Mình là mình, họ là họ, chẳng có gì dính dáng với nhau cả” và “Phía trước vẫn là dãy núi xanh óng, nơi phân định mình với họ”. Nhưng, nếu không khéo, mình sẽ trở thành họ.

Mở đầu câu chuyện là chuyến đi của người em lên núi tìm dấu vết chiến tranh của anh mình năm 1979, nhưng lúc xuống núi lại là chuyến đi của những người áp tải vì bị nghi có liên quan trong một vụ án giết người.

Có thể nói, sự đan xen này cũng là một thủ pháp nghệ thuật nhằm giúp tác giả có điều kiện miêu tả cảnh đẹp, phong tục tập quán của bà con vùng cao và khiến bạn đọc phải suy ngẫm về việc cần làm gì để giữ gìn sự tươi đẹp đó.

“Chiến tranh chỉ là một phần nhỏ, một cái cớ để tôi nói những chuyện khác. Như chuyện về sự bàng quan giữa con người với con người, chuyện ác một cách hồn nhiên…”, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết.

Lê Văn Nghệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI