Minh Tú cầu hôn bạn trai - có phải chuyện lạ?

23/11/2023 - 16:27

PNO - Người mẫu Minh Tú vừa cầu hôn bạn trai người Đức sau 11 năm hẹn hò. Sự việc khiến nhiều người bất ngờ.

 

Minh Tú cầu hôn bạn trai
Minh Tú cầu hôn bạn trai

Trong đoạn video được chia sẻ, Minh Tú chủ động nói lời cầu hôn bằng tiếng Đức và đeo nhẫn cho bạn trai. Bạn trai Minh Tú đồng ý và nói cảm ơn. Minh Tú cầu hôn bạn trai trong một nhà hàng tại Đức. Người mẫu học tiếng Đức để diễn đạt lời cầu hôn. 

Đoạn video hiện được khán giả, người hâm mộ rầm rộ trên mạng xã hội. Trong đó, nhiều người chúc phúc: "Cuối cùng chị ấy cũng chịu lấy chồng, xem mà xúc động quá", "Thật bất ngờ vì chị ấy chủ động cầu hôn", "Dễ thương quá, cuối cùng chị Thuý Liễu (biệt danh của Minh Tú - PV) đã giữ lời hứa". Bên cạnh đó cũng có những ý kiến bày tỏ sự bất ngờ: "Độc lạ quá, lần đầu thấy con gái cầu hôn con trai", “Đặc biệt quá nhỉ”...

*Video Minh Tú cầu hôn bạn trai người Đức:

 

Vậy chuyện phụ nữ cầu hôn nam giới có hi hữu? Theo truyền thuyết của Ireland, vào thế kỷ thứ 5, vị nữ thánh Bridget than phiền với thánh Patrick rằng phụ nữ ở xứ Ireland phải chờ đợi rất lâu mới được đàn ông trong vùng cầu hôn. Vì thế, 2 vị thánh bàn bạc và đưa ra quyết định: phụ nữ sẽ được chủ động cầu hôn đàn ông 4 năm/lần vào ngày 29/2 (Leap Day).

Câu chuyện phụ nữ cầu hôn vào ngày 29/2 này cũng từng được mang vào phim Leap year (Cô gái đi tìm tình yêu). Thực tế, có rất nhiều phụ nữ phương tây chủ động cầu hôn bạn trai. Trong ngày 29/2 năm 2004, tại Anh, theo thống kê có đến 7.000 phụ nữ làm việc này. Nhưng con số này vẫn còn rất nhỏ so với số lượng hàng tỷ người trên thế giới.

Không riêng tại châu Âu, việc nữ giới cầu hôn nam giới cũng xuất hiện ở nhiều khu vực. Trong bài viết của tạp chí Time vào tháng 9/2023, Rebekah Kendall (một giáo viên ở New York) cho biết chủ động cầu hôn bạn trai vào tháng 2/2021, tại Jamaica. “Tôi quỳ một chân xuống và thực hiện toàn bộ màn cầu hôn”, cô kể lại. Ban đầu bạn trai của cô cũng rất sốc trước việc này. Sau đó vài tuần, anh cũng nói lời cầu hôn cô tại một địa điểm khác. 

Hồi tháng 5/2023, dư luận cũng xôn xao với thông tin hình ảnh một nữ đại gia người Myanmar mang sính lễ đến cầu hôn, hỏi cưới một chàng trai. Chị Thu Hằng (32 tuổi, quê Nha Trang, Việt Nam) một nhà sáng tạo nội dung số, cho biết từng cầu hôn bạn trai khoảng 20 lần trước khi họ cưới nhau. 

Năm 2018, tại Trung Quốc, Yuan Mingyu (một cô giáo) vượt gần 500km từ thành phố Thành Đô đến Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên để cầu hôn bạn trai. Cô mặc váy cưới, mang theo nhẫn và hoa.

Chị Lưu Thuý Hằng cũng từng cầu hôn bạn trai - anh Lê Quốc Hào, vào năm 2014, tại một quảng trường ở Nghệ An.

Cô giáo Yuan Mingyu đọc lời cầu hôn với bạn trai Zhao Wanping
Cô giáo Yuan Mingyu đọc lời cầu hôn với bạn trai Zhao Wanping vào tháng 2/2018

Cũng theo thông tin từ bài viết của tạp chí Time, Rosemary Hopcroft (giáo sư danh dự xã hội học tại Đại học Bắc Carolina) cho rằng, quan điểm cầu hôn là việc của nam giới đã “ăn sâu” vào xã hội. Theo cô, phụ nữ muốn đàn ông cầu hôn bằng một chiếc nhẫn quý, bởi họ mong bạn đời có thể chu cấp cho mình và con cái. Hiện tại, khi phụ nữ đã độc lập tài chính hơn trước kia, ước muốn chồng là chỗ dựa vật chất vẫn phổ biến trong các cô gái trẻ.

Trường hợp của Rebekah Kendall, dù sống tại một quốc gia khá cởi mở, nhưng hầu như bạn bè, người thân của cô khi nghe ý định cầu hôn chồng của cô đều phản đối. Bởi họ lo ngại nếu cô thất bại, sẽ làm giảm giá trị phụ nữ. Tâm lý e ngại này cũng là điều được chỉ ra vì sao phụ nữ ít khi nói lời cầu hôn. Ngoài ra, nhiều nam giới cũng cho rằng đây là nghĩa vụ của họ, khẳng định sự nam tính.

Trong bài viết trên tờ Los Angeles Times, một người phụ nữ tên T. cho biết sẽ sẵn sàng nói lời cầu hôn khi bạn trai không chủ động. Nhưng cô vẫn thích được bạn trai cầu hôn hơn. D., một phụ nữ lên kế hoạch cầu hôn bạn trai bởi muốn chủ động nắm bắt hạnh phúc, quyết định cuộc đời mình. Nhưng khi biết điều đó, bạn trai cô đã phản đối, cho rằng đây là việc nên để anh làm. 

Cầu hôn là nhiệm vụ của nam giới, hay nữ giới có thể chủ động cầu hôn còn tùy vào quan điểm, nhận thức, môi trường, văn hoá sống… Tuy nhiên, việc chủ động nắm bắt hạnh phúc là quyền chính đáng của bất cứ ai, giới tính nào.

Hà Anh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI