Con gái điện thoại, nói bữa nay con đi làm ở nhà hàng.
Chị giật mình:
- Sao không làm gia sư nữa mà làm nhà hàng hả con?
- Gia sư cực lắm má, giảng bài khô cổ mà bài kiểm tra lỡ bị con 4 là coi như mình không biết dạy.
|
Ảnh minh họa |
Chị nhớ những bài báo viết về lỡ bước sa chân mà bắt đầu là phục vụ nhà hàng.
- Chạy bàn à? - chị hỏi.
- Dạ không. Cảm ơn má sinh ra con dễ thương nên được làm khánh tiết, không phải chạy lui chạy tới mỏi chân.
Bỏ qua câu nịnh nọt, chị càng lo lắng hơn:
- Khánh tiết là làm gì?
- Mặc đồ đẹp đứng cửa chào đón khách dự tiệc. Má yên tâm, con chỉ đứng yên và cười tươi là xong.
- Đứng yên mà lấy được tiền người ta hả?
Con gái cười to hơn:
- Thành phố người ta kiểu cách vậy đó. Má không tin cuối tuần lên đây đi làm với con một bữa cho biết.
Dám rủ rê má cùng đi làm thì chắc là ở đó cũng được, chị nghĩ thầm. Nhưng mà…
*
Trên xe buýt, mắt chị hút về phía cô gái trạc tuổi con của chị. Lên xe, cô lia mắt nhìn và cau mày khi chỗ trống duy nhất là cái ghế trước mặt gã trai cánh tay xăm trổ vằn vện.
Ngồi xuống chiếc ghế đó, cô gái ôm ba-lô và kéo cái mũ áo trùm đầu kín mít, cứ như là lần theo những sợi tóc thì gã sẽ thấy ví tiền trong ba-lô của cô. Chị cảm nhận nỗi lo của cô gái, thậm chí còn lây lan sang chị. Loa thông báo tên trạm kế tiếp. Chị nghĩ thầm, là mình thì xuống ngay, đón xe khác. Nhưng cô gái không xuống. Cô ngủ.
Cái đầu lắc lư trên ghế một hồi khiến cái mũ tuột ra. Chiếc xe qua khúc cua. Đầu cô gái trật khỏi thành ghế, gã trai vội đưa tay đỡ lấy, mớ tóc rũ xuống vệt xăm trổ.
Cô gái thức giấc và giật mình nhìn bàn tay sát vành tai như một thanh chắn, cô vội thẳng người lên và túm mớ tóc nhét vô mũ rồi trùm kín đầu lại.
Gã trai nhìn quanh đụng ánh mắt chị thì nhún vai như nhờ chị làm chứng nãy giờ gã không làm gì xấu ngoài việc nâng đỡ cái đầu gà gật. Bất giác chị nở nụ cười đồng tình. Thì đúng là vậy.
Hết lo lắng, chị nhắm mắt và lơ mơ đến khi xe tới bến. Gã trai đứng ngay trước mặt nên chị không di chuyển được. Mà chẳng thấy gã làm gì, chỉ chần chừ.
- Sao cậu không xuống? - chị hỏi và nhìn theo cô gái xách ba-lô đi như chạy.
- Cháu mà xuống theo ngay thì chắc là cô ấy hoảng thêm.
- Lúc nãy cô ấy đã tỏ ra e ngại mà sao cậu vẫn đưa tay ra? Không sợ người khác hiểu lầm hả?
Gã nhoẻn miệng cười:
- Mình thấy đúng thì cứ làm thôi.
*
Chị tới nơi lúc 3g chiều. Chào hỏi xong, bà chủ trọ nheo mắt:
- Dạo này thấy con nhỏ son phấn lắm đó.
Chị điếng người. Đợi con mà ruột gan như lửa đốt.
Sáu giờ, con gái về.
- Ủa, má hả? - Con gái kêu lên - Chiều nay con quên đồ nên về lấy chứ mấy bữa từ trường con chạy thẳng tới chỗ làm luôn.
Con gái mở hộc tủ lấy cái hộp tống vô ba-lô. Bay mùi son phấn.
- Chiều nay con có sô ở nhà hàng tiệc cưới sang chảnh - con gái nói - Má đi với con luôn nghen.
Chị lên xe, ngồi sau, mùi son phấn từ cái hộp trong ba-lô xông lên mũi, chị đập vai con:
- Nè, nói cho má nghe…
- Má ơi có gì để tối nói được không. Con phải phóng nhanh đây. Giờ này mà còn trên đường, con sợ trễ quá.
*
Mặt tiền nhà hàng đẹp như lâu đài trong phim, nhưng lối đi lên phòng vũ đoàn thì cầu thang hẹp bằng sắt tróc lở nước sơn. Lên tới tầng ba chị thở hổn hển:
- Không có thang máy hả con?
- Nhân viên chuyển hàng mới được đi thang máy, tụi con thang bộ thôi. Tới rồi đó má. Ủa, sao ngồi ngoài này vậy?
Chị nhìn tấm bảng “Phòng vũ đoàn” bên trên cánh cửa đóng kín. Hơn chục cô gái mười tám đôi mươi ngồi bệt giữa hành lang, đứa nào cũng cầm cái gương và trước mặt là đồ nghề trang điểm…
|
Ảnh minh họa |
Con gái nhìn chị như nói “má thấy chưa, ai cũng trang điểm sắp xong rồi”.
- Cô Hằng bị hư xe giữa đường - một cô nói.
- Rồi sao? - con gái chị vừa hỏi vừa lấy hộp trang điểm ra.
- Thì tụi mình ngồi bừa đây chứ sao. Ngoài cô Hằng có đứa nào được cầm chìa khóa phòng đâu. Ai vậy?
- Má tui - con gái chị trả lời - Má cùng tới đây để tí xong việc đi công chuyện luôn cho tiện.
“Con chào dì”, “con chào cô”, “con chào bác”... Chào loạn xạ rồi đám trẻ lại chăm chú nhìn vô gương, tay không ngừng cọ quẹt. Một cô ý chừng đã hài lòng với khuôn mặt như tranh vẽ nên bưng ly trà sữa hút rột roạt, cô khác lấy ra cái bánh mì ngọt.
- Cô Hằng kìa - Sau tiếng reo và người phụ nữ tên Hằng xuất hiện, tay giơ cao chìa khóa.
Các cô gái thu dọn thật nhanh và theo cô Hằng ùa vô phòng. Mấy cây sào treo đầy những lấp lánh xanh hồng trắng đỏ… Mỗi cô cầm lấy một cái váy và biến sau tấm rèm.
Một hồi sau, con gái xuất hiện trước mặt chị - rực rỡ, lông mày tô đậm, gò má hồng rực, mắt đen nhánh với hàng mi cong vút và môi đỏ thắm như màu áo khiến chị bối rối.
- Má ở đây nghe - Con gái chỉ tay tới năm cô khác cũng mặc đầm dài màu đỏ - Tụi con ra cổng đứng chào khách đây. Chút nữa má theo nhóm múa tới sảnh cưới coi tụi nó diễn.
Chị nhìn theo từng bước điệu đàng và nhận ra con gái mang giày cao gót mười phân. Hèn chi. Lên xuống ba tầng lầu trên đôi giày chót vót đó... Chị thò đầu ra cửa nhìn theo, à, cả sáu đứa đều cởi giày xách tòng teng, tay kia túm vạt váy kéo cao.
- Thằng Vinh sao giờ này chưa tới? Múa chính mà lề mề quá - Cô Hằng làu bàu và bấm bấm điện thoại rồi nói to - Đang ở đâu?
- Còn ở đâu nữa - Cô áo đầm hồng liếc nhìn chị - Nhà hàng này mà có khánh tiết nam thì anh Vinh dám bỏ múa chính để đứng cổng lắm đó.
Các cô cười khúc khích và bày đồ ăn ra. Cái bánh ngọt, khúc bánh mì, ly sinh tố…
Hai phút sau, cánh cửa bật mở, gã trai trên xe buýt xuất hiện, cánh tay vằn vện giơ cao cái túi:
- Chào cả nhà. Đang ăn hả. Vinh có dư bịch bánh tráng trộn đây. Không phải Vinh tốt bụng đâu mà vì người yêu tối nay ăn cơm với má nên mới…
Câu nói ngừng khựng vì nhìn thấy chị. Các cô gái cười thành tiếng, mặt mũi Vinh đơ ra. Rồi sực hiểu, Vinh ấp úng:
- Dạ… con chào cô.
*
Tối, má con nằm bên nhau, chị rủ rỉ:
- Vinh làm gì mà đi múa vậy con?
- Thì ảnh cũng sinh viên, múa hát kiếm thêm thôi. Má đừng chê con trai múa hát nghen, năng khiếu trời cho mà phải tập luyện cực lắm mới được múa chính đó.
- Xăm trổ gớm quá - chị nói.
- Dán hình chơi thôi mà má, rửa xà bông là bay hết. Xui cho ảnh mới dán hôm nay thì gặp má.
Chị vuốt tóc con và nhớ lại cảnh mấy đứa con gái ngồi bệt giữa hành lang, rồi hiện ra cảnh xách giày túm váy. Ờ, kiếm tiền ở nhà hàng sang chảnh đâu dễ. Nơi nào cũng có kẻ này người kia.
- Ảnh sợ con nhịn đói giữ dáng nên chiều nào cũng mua cơm ép con ăn. Bỏ qua hình dán giống xăm trổ thì má thấy ảnh được không?
Bánh tráng trộn ăn chơi chứ sao mà so với cơm, chị thầm nghĩ, nhớ câu trên xe buýt “mình thấy đúng thì cứ làm thôi”. Nói và làm được vậy thì chắc là không đến nỗi.
Chị nhớ lại nỗi lo của mình khi nghe con gái nói làm khánh tiết, mà lúc này nỗi lo đã khác.
Nguyên Hương