Mình sinh ra đâu phải để buồn

16/10/2018 - 18:00

PNO - Phải chăng cội rễ của mọi bất hạnh chính là trong ý nghĩ của mình? Tôi cứ băn khoăn mãi không biết làm sao để nhiều người đàn bà hiểu một cách sâu sắc rằng, thế gian không có gì là mãi mãi.

Chị ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành rộng, khuôn mặt rúm ró, nước mắt chảy dài. Ruột rà là những lúc thế này, khi biết chị đau, lòng tôi nghe xót xa không diễn tả được. “Anh Hai có người khác”. 

Nhìn chị Hai khóc, tự nhiên tôi nghĩ hôn nhân như những con đường. Mới khánh thành phẳng phiu, trơn láng. Qua năm tháng, tránh gì được những ổ gà, ổ voi. Trầy xước tóe máu là phải có. Ngồi sụp để nước mắt chảy ra, hay cào cấu cho lở loét vết thương rồi cũng phải đứng dậy mà đi tiếp. Vậy vấn đề mấu chốt ở đâu để khi sụp xuống người ta đỡ đau, khi đứng lên đi bước chân người ta hãy còn háo hức?

Minh sinh ra dau phai de buon
Ảnh minh họa

Phải chăng cội rễ của mọi bất hạnh chính là trong ý nghĩ của mình? Tôi cứ băn khoăn mãi không biết làm sao để nhiều người đàn bà hiểu một cách sâu sắc rằng, thế gian không có gì là mãi mãi. Hãy cố học cách chấp nhận và phải chấp nhận sự tồn tại của cái hữu hạn trên đời để chân mình bước đi sao cho nhẹ nhàng thanh thoát. 

Cần nhất là hiểu sâu sắc điều ngỡ như đơn giản ấy để cứu lấy chính cảm xúc của bản thân mình. Để bản thân được nhẹ nhàng thanh thản thật sự chứ không phải cố tỏ ra mình mạnh mẽ, cố tỏ ra mình không cần ai cả. Để rồi chênh vênh trống hoác hay để nỗi hờn tủi đọng trong đáy mắt rười rượi như hạt sạn cứ tích tụ theo tháng năm.

Và phải chăng chính tâm lý được mất hơn thua, là “không cam lòng”,  là “ăn không được thì phá cho hôi” đã làm khốn khổ biết bao người? Gầm gừ một cách bản năng như con thú bị thương rồi kẻ đau nhất, thậm thí là thiệt thân không ai ngoài mình. Thật ra, tất cả những điều đó là biểu hiện của sự yếu đuối, lệ thuộc, không làm chủ được cảm xúc của mình, không làm chủ được chính đời mình. Đó là hệ quả tất yếu của việc chúng ta không nhận ra giá trị của bản thân hoặc không làm bản thân trở nên có giá trị.

Minh sinh ra dau phai de buon
Ảnh minh họa

Chị tôi từ khi sinh con trai nhỏ, nghỉ việc hành chính ở phường. Anh rể làm ở công ty cấp thoát nước, lại có chút cổ phần, thu nhập cũng khá. Giải pháp chị ở nhà lo con cái, cơm nước có vẻ hợp tình hơn cả. Ba năm, bảy năm... con đi hết mẫu giáo rồi vào lớp Một, mẹ chồng cao tuổi qua đời. Chị vẫn quẩn quanh trong nhà, đi chợ, dọn dẹp nấu cơm, coi phim diễm tình hay la cà hàng xóm. Một năm đôi ba lần gặp, tôi thấy chị càng ngày càng tăng cân, đôi mắt thiếu tinh anh, sâu sắc, nói năng lời lẽ nghèo nàn loay hoay mấy việc xăm chân mày, nối lông mi, cô A cô B lấy chồng ngoại quốc...

Mấy lần mẹ nhắc khéo kiếm cái gì đó mà làm, đơn giản như may gia công quần áo, hay mở tiệm tạp hóa nho nhỏ. Tiền do mình làm ra, quan trọng hơn hết là chính chồng con phải nể mình. Nể mới không khinh. Khinh rồi còn gì nữa mà giữ chồng hả con?

Chị bỏ ngoài tai những lời mẹ nói. Giờ chị ngồi khóc cho lòng người đổi thay hay khóc cho chính bản thân mình đã lỡ như con chuột lọt trong hũ thóc, chỉ thấy thóc mà mừng vui thong dong ăn. Ngày qua ngày, hũ thóc cạn đến đáy, cơ hội thoát ra khỏi cái hũ gần như không còn. 

Tôi chợt nhớ đến nhan đề một cuốn sách dễ thương của các bạn trẻ Mình sinh ra đâu phải để buồn. Phải chăng, như ai đó đã từng viết: không ai có thể làm mình tổn thương trừ phi mình cho phép. Đàn bà trước khi cho rằng mình bất hạnh, hãy thôi cho phép người khác làm tổn thương mình bằng chính suy nghĩ của mình và hãy luôn làm cho mình trở nên có giá trị. 

 Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI