Mình còn khó vẫn lo cho chị em

31/12/2024 - 06:01

PNO - Dù còn nhiều khó khăn, phải bươn chải kiếm sống hằng ngày, nhưng nhiều cán bộ hội cơ sở vẫn hết lòng với phụ nữ, trẻ em nghèo và công tác hội.

Vợ chồng đồng lòng

Năm 1997, chị Lê Thị Tuyết - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 5, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TPHCM - lập gia đình rồi lần lượt sinh 3 đứa con. Năm 2009, để tiện chăm sóc con nhỏ, đặc biệt là con út mắc bệnh hen suyễn, chị Tuyết không đi làm thuê nữa mà sắm máy may để nhận may, sửa quần áo tại nhà.

Thấy hoàn cảnh khó khăn của chị, Hội Phụ nữ phường đã tiếp sức bằng cách đặt chị may đồng phục và giới thiệu với nhiều người để chị có khách thường xuyên. Ngoài ra, hội còn kết nối cho chị vay vốn ngân hàng để đầu tư máy móc. Cũng từ đó, chị Tuyết có cơ hội đến với công tác Hội Phụ nữ.

Chị Lê Thị Tuyết là một trong những cán bộ hội cơ sở tích cực tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức
Chị Lê Thị Tuyết là một trong những cán bộ hội cơ sở tích cực tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức

Bên cạnh việc may vá, chị Tuyết còn tham gia vào tổ dịch vụ nấu ăn của chi hội phụ nữ khu phố và mọi công tác xã hội từ thiện. Có nơi nào cho rau củ quả, chị Tuyết đến tận nơi để nhận, đưa về khu phố, rồi cùng các cô, các dì mang vào các khu nhà trọ tặng công nhân, người lao động.

Cuối tuần, chị đạp xe chở chổi, ki và rủ nhiều chị em cùng đi quét dọn vệ sinh, gỡ quảng cáo rao vặt trên các tuyến đường, nhắc nhở bà con không đổ nước ra đường. Từ tháng Sáu năm nay, Hội LHPN phường Phước Long B tổ chức “Buổi chợ nụ cười” mỗi tháng mở 1 lần, bán các loại rau củ quả, tã, sữa giá “nụ cười” cho chị em nghèo, chị Tuyết cũng góp tiền mua hàng, chuẩn bị địa điểm, bày biện vào mỗi kỳ mở chợ.

Để chị Tuyết tham gia tốt với công tác hội, anh Nguyễn Đức Dũng chồng chị luôn động viên và hỗ trợ chị trong mọi công việc nhà cửa, cơm nước, vắt sổ, ủi đồ. Và gần đây anh cũng trở thành hội viên của hội.

Nỗ lực giúp chị em có việc làm

Từng trải qua nhiều cơ cực nên chị Nguyễn Thị Hoài Phượng - 56 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 9, phường Thạnh Xuân, quận 12 - dễ dàng chia sẻ với chị em nghèo. Chị em nào gặp khó về việc làm, chị Phượng sẽ giới thiệu đến các cơ sở may gia công, kết cườm mà mình quen biết.

Năm 2009, chị Phượng tham gia hoạt động hội tại địa phương, đề xuất kết nối giúp nhiều chị em được nhận máy may hoặc vốn vay buôn bán. Nhờ đó mà số hội viên ở tổ chị phụ trách đã tăng từ 20 lên hơn 80 chị. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh - một người được chị Phượng giới thiệu học nghề pha chế, nay mở quán nước và tiệm tạp hóa trước nhà - nói: “Không chỉ riêng tôi mà chị em nào cần trợ giúp về nghề nghiệp là có cô Phượng. Thương quý cô Phượng, tôi tham gia sinh hoạt hội khu phố. Phụ được việc gì là tôi phụ liền chứ không nề hà”.

Chị Nguyễn Thị Hoài Phượng (bìa trái) thường xuyên hỗ trợ người khó khăn
Chị Nguyễn Thị Hoài Phượng (bìa trái) thường xuyên hỗ trợ người khó khăn

15 năm làm công tác hội, đi lên từ tổ phó, tổ trưởng, rồi chi hội phó, chi hội trưởng, chị Phượng luôn đau đáu lo cho chị em có công việc, có sức khỏe. Bởi vậy, ngoài giới thiệu chị em học nghề, giới thiệu việc làm, chị còn vận động thành lập câu lạc bộ khiêu vũ dưỡng sinh với 28 thành viên luyện tập mỗi tối. Mỗi tháng câu lạc bộ cũng hùn hạp để nấu cơm tặng bà con nghèo, góp sức nạo vét kênh rạch, dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường, tuyến hẻm.

Chị Phượng giãi bày: “Vợ chồng tôi từng rất vất vả. Anh xã chạy xe chở hàng thuê, còn tôi có việc gì cũng nhận làm, nhưng vẫn cứ thiếu trước hụt sau, nhất là thời điểm các con vào đại học. Trải qua rồi nên tôi thương chị em, chỉ mong ai nấy đều khỏe mạnh, có cái nghề để có thu nhập ổn định”.

Nghĩ cho người trước cho mình

Căn nhà nhỏ của gia đình bà Nguyễn Thị Minh Tuyết nằm trong hẻm trên đường Bùi Tư Toàn, phường An Lạc, quận Bình Tân. Nhà được quây bằng những tấm tôn cũ, tối om, mưa dột nhà lênh láng nước. Nhưng với bà Tuyết, có chỗ tá túc đã là tốt lắm rồi.

Địa phương từng định xây nhà tình thương cho bà, nhưng bà từ chối, bởi nghĩ, mình còn sức lao động nghĩa là còn có thể tích cóp sửa chữa, phần hỗ trợ để dành cho người khác ngặt nghèo hơn.

Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết tặng học bổng cho học sinh vượt khó
Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết tặng học bổng cho học sinh vượt khó

Ở tuổi 62, bà Tuyết vẫn miệt mài kiếm sống với công việc gia công nút cắm sạc xe đạp điện, còn chồng là thợ lắp vỏ xe. Hôm nào có chồng phụ, bà Tuyết kiếm được 300.000 đồng. Cuộc sống vẫn còn chật vật nhưng bà vẫn cố gắng san sẻ những suất học bổng, những thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ, trẻ em trong khu phố.

Bà bộc bạch: “Tôi gom góp tiền phụ cấp chức vụ của mình để tặng thẻ bảo hiểm y tế năm đầu, dặn chị em mỗi ngày ráng bỏ heo đất 5.000 đồng rồi tự mua những năm tiếp theo. Với học bổng cũng vậy, khả năng tôi chỉ giúp được 1-2 cháu mỗi năm”. Từ những năm còn trẻ, vợ chồng bà Tuyết thường xuyên hiến máu, và gần đây họ đã cùng đăng ký hiến tạng, hiến xác cho y học.

Do sức khỏe kém đi sau dịch COVID-19 nên bà Tuyết xin nghỉ công tác khu phố cách nay 2 năm, sau 13 năm gắn bó. Tuy nhiên, mỗi lần Hội Phụ nữ triển khai hoạt động, bà lại tất bật cùng các bạn trẻ dọn vệ sinh, vận động sự hỗ trợ cho các bếp cơm từ thiện, mang cơm đi tặng.

Tháng Bảy năm nay, khi địa phương sắp xếp lại khu phố, bà được mời làm Trưởng khu phố kiêm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 9, phường An Lạc. Nhận tháng lương đầu, bà Tuyết đem trao học bổng cho 1 học sinh và mua thực phẩm tặng cặp vợ chồng đang mang nhiều bệnh tật.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI