“Mình có chút đất thì hiến cho đường rộng hơn…”

29/07/2024 - 06:30

PNO - Hơn 20 năm, toàn thành phố có 168.139 hộ dân hiến tổng cộng hơn 5,3 triệu m2 đất, ước tính tương đương hơn 10.000 tỉ đồng để phục vụ 5.230 công trình.

Nghe người dẫn chương trình hỏi “vì sao giữa lúc tấc đất tấc vàng, lại xung phong hiến đất mở hẻm”, bà Thạch Thị Song cười nhẹ tênh: “Mình có chút đất thì hiến cho đường rộng hơn để bà con cô bác đi cho sạch sẽ, gọn gàng”.

Bà Thạch Thị Song đi trên con hẻm 175, đường 2, phường Tăng Nhơn Phú  đã được mở rộng, tráng nhựa phẳng phiu - ẢNH: MẪN NHI
Bà Thạch Thị Song đi trên con hẻm 175, đường 2, phường Tăng Nhơn Phú đã được mở rộng, tráng nhựa phẳng phiu - Ảnh: Mẫn Nhi

Bà Thạch Thị Song sống ở phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức bằng nghề bó chổi. Năm 2021, bà đã hiến cho địa phương 120m2 đất để mở rộng hẻm 175, đường 2, phường Tăng Nhơn Phú. Con hẻm nhỏ xíu, đầy ổ gà sau đó đã được tráng nhựa rộng rãi, ô tô vào ra thoải mái, cây xanh phủ bóng trên đầu.
Ở TPHCM, không ít những người phụ nữ hào phóng vì cái chung như bà Song. Không chỉ là người tiên phong hiến đất mở hẻm, họ còn đi gõ cửa từng nhà để vận động bà con cùng hiến đất.
Mới đây, tôi theo chân một đoàn du khách trải nghiệm tour du lịch “Nghìn lẻ một đêm” ở ấp 12 (ấp 3 cũ), xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Ngoài những câu chuyện mang đậm tính dân gian được kể qua mỗi món ăn, tôi còn ấn tượng với khoảnh khắc ngồi lên chiếc xe đạp điện thong dong dạo trên những con đường “nông thôn mới” trong làn gió mát rượi từ con sông Rạch Giồng thổi lên. Những con đường, con hẻm thênh thang, bằng phẳng ấy có được là nhờ sự đồng lòng hiến đất của người dân nơi đây.
Nếu không chính tai nghe người dân ấp kể, tôi không thể nào hình dung được cách đây 8 năm, trên con hẻm sạch tinh tươm mình đang đi qua, trẻ em đi học vẫn còn trượt chân té ruộng, quần áo lấm lem bùn lầy, người dân thì chung sống với rắn rít, muỗi mòng, ếch nhái, giữa mênh mông nước mỗi đợt thủy triều.

Bà Lê Thị Hồng - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 12 - kể: “Năm 2016, khi người ta xây xong cầu Kênh Lộ bắc qua sông Rạch Giồng, các con hẻm dẫn vô ấp mới được hình thành. Phải tới năm 2017, chính quyền địa phương mới vận động dân hiến đất mở hẻm. Từ khi có đường đi, nước ngọt mới đến với từng nhà chớ trước đó làm gì có nước sạch mà xài”.

Để bê tông hóa con hẻm 1456 (trước là hẻm 24), đường Nguyễn Văn Tạo, bà Lê Thị Hồng đã hiến gần 600m2 đất. Bà kể, có 28 nhà dọc hẻm bị ảnh hưởng. Tiếc đất nên ban đầu chỉ có 3 hộ chịu hiến. Bà đã đến từng nhà, lấy cảnh học trò té sình, quần áo lấm lem, phải vác xe đạp đi qua sình lầy để vận động bà con: “Nếu mình tiếc đất thì tương lai con cháu mình không sáng lên được”.

Để làm gương, bà xung phong hiến đất trước, khoảnh đất dài 100m, sâu vô 6m. Chừng đó cũng chưa thuyết phục được bà con ngay. Bà tiếp tục lấy gương của người này để nói với người kia, rồi nhờ những người đã hiến đất đi vận động những người khác. Mất gần nửa năm, cả 28 hộ mới đồng lòng hiến đất. Bà Hồng lại tiếp tục vận động người dân góp công đắp đường. Không lâu sau, con hẻm đất đã thành hẻm bê tông rộng rãi, phẳng lì.

Bà Nguyễn Thị Xuân ở hẻm 22 Võ Thị Nhờ - con hẻm đất 1,5m đã được mở rộng lên 5m, tráng bê tông - ẢNH: THU LÊ
Bà Nguyễn Thị Xuân ở hẻm 22 Võ Thị Nhờ - con hẻm đất 1,5m đã được mở rộng lên 5m, tráng bê tông - Ảnh: Thu Lê

Bà kể, ngày góp đất mở rộng hẻm, người dân nơi đây chỉ mong có đường bê tông tươm tất để đi lại, có nước sạch về từng nhà. Không ngờ, từ khi có hẻm bê tông rộng, đời sống người dân thay đổi hẳn. Họ bỏ hẳn nghề chằm lá, bắt còng, chuyển sang mở tiệm tạp hóa, làm đìa nuôi tôm, thu nhập cải thiện, nhà cửa khang trang hơn trước.

“Hồi trước, con hẻm này có bề ngang 1,5m chớ mấy, nay xe 16 chỗ ra vô phà phà”. Bà Nguyễn Thị Xuân - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 15, phường Tân Thuận Đông, quận 7 - tự hào nói khi dắt tôi đi dạo trên con hẻm 22, đường Võ Thị Nhờ dài gần 70m. Ngày 5/6/2021, UBND quận 7 đã phê duyệt dự án mở rộng hẻm lên 5m với phương châm xã hội hóa 100% (người dân tự góp vốn, góp đất). 10 hộ dân có đất bị dự án gây ảnh hưởng với tổng diện tích 115m2.

Bà Xuân cho biết, ban đầu, có nhà chịu hiến đất, có nhà không. Bà đã cùng chính quyền, đoàn thể địa phương đến từng nhà vận động, “được tới đâu, làm tới đó”. Đầu năm 2023, con hẻm bê tông mới hoàn thiện, rộng rãi, thoáng mát. Từ năm 2020 đến nay, người đàn bà gần 70 tuổi này đã góp công vận động mở rộng, nâng cấp 4 con hẻm trong khu phố.

Món quà ý nghĩa của người dân TPHCM

Năm 2022, tại hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở hẻm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay, trong hơn 20 năm, toàn thành phố có 168.139 hộ dân hiến tổng cộng hơn 5,3 triệu m2 đất, ước tính tương đương hơn 10.000 tỉ đồng để phục vụ 5.230 công trình. Ngoài ra, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí để mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền hơn 458 tỉ đồng, góp phần chỉnh trang đô thị hiệu quả.
Theo ông, nhìn vào bản chất của việc hiến đất, thấy rằng không chỉ dừng lại ở cải thiện đời sống dân sinh, tạo bộ mặt khang trang, tinh tươm cho thành phố; cũng không dừng ở cải thiện điều kiện nhà ở lẫn tăng giá nhà đất tại các con hẻm được mở rộng, mà hơn thế. Đó là hành động thuộc về nét đặc trưng văn hóa người Sài Gòn - tinh thần vì cộng đồng, vì cái chung, sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình.

Có thể thấy rõ, phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm là chủ trương rất đúng đắn, thiết thực, phù hợp với thực tế của thành phố, đã mang lại kết quả rất lớn không chỉ với người dân mà còn đối với sự phát triển chung của thành phố. Hẻm mở rộng, đường khang trang không chỉ giúp người dân vui khi được sống trong sự thông thoáng, rộng rãi của tuyến đường mà hơn cả, phong trào đã góp phần khoác cho thành phố “chiếc áo” hạ tầng ngày càng hiện đại.

Hệ thống viễn thông, điện, nước được ngầm hóa, hàng trăm trụ cứu hỏa, hệ thống cống thoát nước được trang bị, vừa nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, vừa từng bước giúp thành phố giải quyết nhiều câu chuyện về tệ nạn, kẹt xe, ngập nước trong điều kiện ngân sách hạn hẹp.
Con số những tuyến hẻm được mở rộng, nâng cấp vẫn đang tiếp tục tăng lên từng ngày, khi cả thành phố cùng thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có lẽ, đó là món quà ý nghĩa mà người dân TPHCM dành cho ngày kỷ niệm lớn của đất nước.

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.
Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI