Mình bỏ bệnh nhân sao đành

12/08/2022 - 06:43

PNO - Đó là lời tâm sự của bác sĩ Đoàn Thanh Vinh - Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM - khi chia sẻ với chúng tôi việc anh ngăn phòng nhà mình cho bệnh nhân nghèo trọ miễn phí. Không chỉ tận tâm chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, các nhân viên y tế còn có tấm lòng đầy yêu thương, hỗ trợ, dìu người bệnh qua chặng đường dài đầy khó khăn.

Hiến máu, lập thư viện mini 

Xếp hàng chờ đến lượt hiến máu tại sảnh Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương sáng 11/8, điều dưỡng Nguyễn Ngọc Yến, Khoa Cơ Xương Khớp, khá hồi hộp. Nhiều lần bác sĩ (BS) ở Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM khuyên chị hạn chế tần suất hiến máu bởi mạch máu chị quá mỏng, rất dễ vỡ sẽ ít nhiều bị đau. Nhưng cứ nghe có đợt hiến máu, chị Yến lại đến... xếp hàng.  

Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Yến (bìa phải) - Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - hiến máu sáng 11/8 - ẢNH: PHẠM AN
Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Yến (bìa phải) - Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - hiến máu sáng 11/8 - Ảnh: Phạm An

“Đã biết máu rất quan trọng để cứu người, sao mình có thể làm ngơ”, chị Yến nói. Tới lượt mình, chị Yến hít thật sâu, khẽ nhíu mày khi kỹ thuật viên luồn mũi kim tiêm vào khuỷu tay, dòng máu nóng chảy nhanh vào túi chứa, chị nhẹ nhõm hẳn, bởi những lần trước, cứ cắm kim vào, mạch lại “bể”, lại phải tìm ven. Chị Yến nói: “Không chỉ tôi đâu, anh chị BS, hộ lý, thân nhân bệnh nhân cũng tham gia hiến máu, chuyện nhỏ ấy mà”.

Vừa quét dọn các khoa của BV xong, chị Võ Thị Mỹ Nương cũng vội vàng rửa tay rồi đến khu hiến máu. Chị Nương không nhớ mình đã hiến máu bao nhiêu lần, cứ nghe có bệnh nhân cần máu, chị liền đi tặng. “Tuy rằng phần máu tôi hiến rất nhỏ, nhưng có thể góp phần cứu được một người nào đó thì rất vui. Cứ mỗi người một ít, chúng ta sẽ cứu được nhiều người hơn”, chị Nương nói.

Nhiều nhân viên y tế không chỉ chăm sóc về sức khỏe mà còn chăm lo, vực dậy tinh thần bệnh nhân qua những hành động thiết thực. Ở BV Nhi Đồng 1 TPHCM có nhiều bệnh nhi hằng ngày tay cắm dây truyền dịch, nhăn nhó chịu đựng các cơn đau từ bệnh tật, không được vui chơi như bạn đồng trang lứa. Nghĩ phải làm gì đó cho các bé, năm 2020, thạc sĩ Nguyễn Thị Rảnh - điều dưỡng Khoa Nội tổng quát 2, Trưởng đơn vị Truyền thông và Phục vụ khách hàng - đã tìm cách thiết kế một thư viện mini ngay tại hành lang của khoa để các bé có không gian thư giãn.

Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tạm quên đau đớn bệnh tật, thích thú đọc truyện tranh ở “thư viện mini” - ẢNH: TAM NGUYÊN
Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM tạm quên đau đớn bệnh tật, thích thú đọc truyện tranh ở “thư viện mini” - Ảnh: Tam Nguyên

Mỗi khi có thời gian, chị Rảnh gom cây cảnh ở nhà đem vào BV. Tận dụng những bình nước người nhà bệnh nhi vứt bỏ, chị cắt thành chậu cây lấp đầy các cửa sổ để tạo khoảng xanh mát, nhẹ nhàng cho các bé. Chị còn bỏ tiền túi thuê thợ đóng kệ sách có dòng chữ: “Góc thư giãn dành cho các bé”. BS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội tổng quát 2 - vận động thêm người quen tìm các đầu sách quý, truyện tranh để sớm lấp đầy thư viện mini.

Hai năm nay, thư viện trở thành góc nhỏ quen thuộc của các bé. Mỗi khi BS thăm khám, truyền thuốc, lọc máu xong, các bé lại rủ nhau đến đây để tìm câu trả lời “vì sao lá cây đổi màu”, “vì sao có sâu bướm”… trong quyển Em muốn biết vì sao, làm bạn với Thám tử lừng danh Conan, Doraemon… hay đắm chìm vào các nhân vật trong truyện cổ tích. Nhìn các bé say sưa đọc truyện, chị Rảnh mỉm cười, phần nào các bé tạm quên các cơn đau do suy thận mạn tính, sốt, tim mạch… giày vò. Để trẻ bớt nhàm chán, đôi khi chị Rảnh còn cho các bệnh nhi vốn ở BV nhiều hơn ở nhà tô tượng, chơi dán hình... 

“Phòng trọ 0 đồng” cho bệnh nhân 

Mỗi khi nghe bệnh nhân thở dài, lo lắng về chỗ ở để tiếp tục khám, chữa bệnh, BS Đoàn Thanh Vinh lại đau đáu về việc làm sao hỗ trợ nơi ở  cho người bệnh. Nhiều cô chú lớn tuổi, đi đứng khó khăn cũng phải chấp nhận ở một mình vì tiền thuê trọ cao, có nơi không đảm bảo vệ sinh. Thậm chí, có những người ở tỉnh xa, tìm đường đến BV điều trị đã khó, nay tìm chỗ ở còn khó hơn. 

“Tôi thấy thương người bệnh quá, nên quyết tâm phải có nơi ở rẻ hoặc miễn phí cho mọi người, nhưng... tôi tìm hoài không ra. Nghĩ đến câu cô chú ấy chỉ ngủ một đêm thôi, tôi nói với người thân trong gia đình, tạm thời chia phòng cho bệnh nhân ngủ nhờ. Sau này, số lượng người bệnh càng nhiều hơn. Hiện tại, tôi tận dụng năm phòng, để giường tầng, ngăn màn cho thân nhân bệnh nhân ở miễn phí”, BS Vinh nói. Anh còn bắt thêm kệ, đặt vào đó hộp cà phê, bàn chải, kem đánh răng, sữa, nước ngọt, mì gói... bên cạnh là khu vực lò nướng, ấm điện để mọi người tiện sử dụng. Người tới ở cũng ấm áp với dòng chữ “Nhà là nơi để về”, “Ở đây có sự bình yên” mà BS Vinh tinh tế treo lên cho mọi người không e ngại.

BS Vinh chia sẻ: “Mặc dù tôi dùng tiền tiết kiệm của mình và người thân trong gia đình để chi tiêu cho các phòng, nhưng vẫn có người nói tôi ép bệnh nhân phải ở chỗ của tôi, nếu không tôi không chữa bệnh cho họ. Thậm chí, có thư nặc danh gửi đến BV khiếu nại, cho rằng tôi chèo kéo, kinh doanh phòng. Lúc đó, tôi rất buồn, nhưng nếu không tiếp tục, người bệnh sẽ về đâu. Tôi hạn chế đăng tải địa chỉ, chỉ nói với những trường hợp bệnh nhân thực sự cần nơi ở”.

Mặc dù chỉ âm thầm giúp bệnh nhân, nhưng từ lâu “nhà trọ 0 đồng của BS Vinh” đã được người bệnh truyền tin cho nhau, hay các chú xe ôm giới thiệu cho bệnh nhân nghèo có nơi tá túc. Mỗi lúc có thể BS Vinh lại ghé qua, lúc thì bỏ thêm vài tuýp kem đánh răng, khi thì mang theo thùng sữa lấp đầy các ngăn kệ. “Thôi, ai nói gì thì nói, mình không làm sai là được. Chứ nếu một hai câu nói, mình bỏ người bệnh sao đành”, BS Vinh nói. 

BV Lê Văn Thịnh đang triển khai hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường BV để đảm bảo an toàn cho thân nhân và người bệnh khỏi dịch bệnh sốt xuất huyết khi mùa mưa đến. Theo ông Trần Quang Châu - Trưởng phòng Công tác xã hội của BV - khoảng năm tuần nay, từ 8-10g sáng thứ Bảy, nhân viên y tế của BV lại tập trung ở khuôn viên để cùng nhau thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng. Đây là hoạt động do Đoàn Thanh niên và Công đoàn của BV phát động. Mỗi khoa, phòng sẽ đăng ký tối thiểu ba nhân sự để dọn dẹp vệ sinh môi trường BV. Trung bình một lần BV huy động được 50 nhân viên y tế. Dự kiến, phong trào sẽ được duy trì cho tới hết quý III năm nay. 

Các BV trên địa bàn TPHCM không chỉ chăm lo sức khỏe thể chất mà còn quan tâm đến cả tinh thần của người bệnh. Tiến sĩ - BS chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy - cho biết trong ngày 5 và 6/8, BV đã tổ chức cho những trẻ có người thân mất trong đại dịch COVID-19 du lịch hè tại Vũng Tàu. Những bé này đã được đi tham quan đồi cừu Suối Nghệ, nhà bảo tàng TP.Vũng Tàu và tham gia nhiều trò chơi tập thể trên bãi biển, dự tiệc tối. Trước đó, BV cũng đã trao học bổng đỡ đầu cho 33 học sinh có cha hoặc mẹ mất do nhiễm COVID-19. Cụ thể, những em này không chỉ được chăm sóc sức khỏe, nâng đỡ về tinh thần, nhận học bổng đỡ đầu mà sau khi tốt nghiệp đại học cũng sẽ được tạo điều kiện tìm kiếm 
việc làm.

Thanh Huyền

 

Phạm An - Tam Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI