Năm tháng kể từ khi trở về nước sau án phạt tù tại Mỹ vì tội ấu dâm, ông Hồng Quang Minh (Minh Béo) vẫn nhởn nhơ trước dư luận - từ cách xuất hiện ở sân bay ngay khi trở về đến thông báo tuyển học viên, cách mặc áo nâu chắp tay xin lỗi và mới nhất là thông tin sẽ công diễn vở mới trong tháng Sáu tới.
Công chúng và giới làm nghề bức xúc đã đành. Lo ngại lớn hơn là, nếu luật pháp không thể chế tài các nghệ sĩ vi phạm pháp luật thì đây sẽ là một tiền lệ cực xấu của làng văn nghệ.
|
Nhiều diễn viên SK Sao Minh béo đã bày tỏ thái độ phản ứng bằng cách không tiếp tục tham gia những vở diễn do Minh Béo dàn dựng
|
Trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) - Nguyễn Đăng Chương - cho biết, các văn bản pháp luật hiện hành về hoạt động biểu diễn chưa có quy định về trường hợp nghệ sĩ phạm tội ở nước ngoài. Cục cũng đã có văn bản giao quyền quản lý cho Sở VH-TT TP.HCM.
Về phía Sở VH-TT TP.HCM, sau những phản ứng dữ dội và liên tục của công chúng, câu trả lời của ông Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở vẫn là: “Không có cơ sở pháp lý để cấm Minh Béo hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam”.
Phải chăng Cục NTBD và Sở VH-TT TP.HCM đang đẩy trách nhiệm cho nhau trước “ca khó” này? Đúng, về luật, ông Hồng Quang Minh đã trả giá cho lầm lỗi của mình bằng thời gian phải sống trong nhà tù ở Mỹ.
Do Việt Nam và Mỹ chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp, khi về nước, ông Minh tất nhiên được quyền sống như tất cả những người bình thường khác, với đầy đủ quyền công dân. Nhưng, chuyện ông trở lại sân khấu, tiếp tục biểu diễn cho thiếu nhi, tiếp cận trẻ vị thành niên lại là câu chuyện hoàn toàn khác; nhất là khi mãi cho đến hôm nay khán giả vẫn không thấy nơi ông một sự ăn năn, hối cải nào.
|
Minh Béo đăng tuyển học viên |
Ông vẫn cho rằng mình chỉ là nạn nhân bị hãm hại chứ không phải là một tội phạm vừa được thả. Ông liên tục hoạt động trong khi các cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn im lặng. Thậm chí khi báo chí truy vấn, cơ quan chức năng trả lời như thể mình chẳng hề liên quan: “Việc xử phạt phải dựa trên quy định của pháp luật, cấm Minh Béo hoạt động nghệ thuật là phạm luật”.
Luật là do cơ quan chức năng đặt ra để đảm bảo sự hài hòa lợi ích xã hội, để chế tài những vi phạm, để mỗi cá nhân có thể yên tâm sáng tạo, cống hiến. Nếu luật hụt hơi trong việc đuổi theo thực tế cuộc sống thì câu hỏi là vai trò dự báo của các nhà làm luật ở mức nào?
Nếu đã thấy rõ luật đang bị hổng, bao giờ các nhà làm luật mới trám lại những lỗ hổng ấy? Đổ cho luật chưa quy định để khoanh tay trước những bức xúc của dư luận, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đang ở mức nào? Vừa là cơ quan quản lý, vừa là cơ quan tham mưu, Sở VH-TT TP.HCM đã tham mưu gì cho Cục NTBD trong việc xử lý một vụ việc gây bức xúc trong dư luận?
Bằng việc vận dụng linh hoạt pháp luật và cả những quy chế, quy định dưới luật, Sở VH-TT từng xử lý được nhiều vụ việc ở mảng ca nhạc. Trong nhiều trường hợp, cơ quan quản lý đã chấp nhận để hình ảnh mình trông xấu đi nhưng mang lại lợi ích cho cộng đồng như khi liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra “chà xát” các tụ điểm karaoke, beer club, cơ sở massage, gội đầu… mà họ biết rõ là có tệ nạn xã hội. Vậy mà ở đây lại là sự thúc thủ một cách kỳ lạ.
|
Điều 13 NĐ 158/2013/NĐ - CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: “Người biểu diễn có một trong các hành vi: truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực… sẽ bị đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 1 đến 6 tháng”. Thế nhưng một nghệ sĩ phạm tội ấu dâm, phải vào tù, làm rúng động dư luận trong và ngoài nước, làm xấu xí hình ảnh của nghệ sĩ Việt Nam; khi mãn hạn tù và trở về lại không phải chịu bất kỳ hình thức xử lý nào, dù chỉ là cảnh cáo hay khiển trách.
Chế tài duy nhất có thể đưa ra (oái oăm thay lại chính là đề nghị từ một nhà quản lý) là công chúng phải tự bảo vệ con em bằng cách tránh xa ông Minh. Đẩy trách nhiệm đó sang công chúng, Sở VH-TT chẳng phải đang khiến công chúng trở thành người xấu khi kỳ thị tội phạm đang trên đường tái hòa nhập cộng đồng?
Đừng để khán giả phải đóng vai quan tòa hay cơ quan thi hành án chỉ vì mong muốn bản thân và gia đình được bình yên. Chức năng và quyền hạn của cơ quan quản lý chính là để bảo vệ đời sống của công chúng, để mọi người có thể tin tưởng vào hệ thống pháp luật chứ không phải chỉ đóng vai người quan sát hay để “sáng cắp ô đi tối cắp về”.
Nếu hành vi của Minh Béo không bị chế tài, không thể chế tài thì mai đây liệu sẽ còn những nghệ sĩ khác thản nhiên ra nước ngoài phạm pháp và trở về vẫn là những ngôi sao, vẫn lên sân khấu diễn những vai công chính, yêu thương? Nếu điều đó xảy ra, pháp luật sẽ lại trở thành chuyện đùa như bao lần đã bị giới “nghệ sĩ” đùa trước đó.
Hoa Huyền