PNO - Từng là tội phạm ấu dâm, tác động đến cả sự thay đổi dự luật Mỹ, Minh Béo lại trở thành nghệ sĩ được tôn vinh tại một liên hoan sân khấu toàn quốc.
Năm 2015, Minh Béo gây rúng động giới làm nghề lẫn công chúng Việt Nam khi bị bắt ở Mỹ vì hành vi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Ngoài mức phạt 18 tháng tù và 370 USD và sau đó là bị trục xuất, Minh Béo còn bị ghi tên vào danh sách tội phạm tình dục suốt đời tại California, Mỹ. Ngày 13/4/2016 tại California (Mỹ), trong buổi công bố về dự luật mới liên quan đến vấn đề tại ngoại của tội phạm hình sự, Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn và Chánh biện lý quận Cam - ông Tony đã nhắc đến trường hợp Minh Béo như một điển hình tác động đến dự luật này.
Minh Béo khoe bằng khen được trao tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021
Tối 17/1, vào khoảnh khắc Minh Béo bước lên nhận huy chương bạc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc khu vực phía Nam (Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM tổ chức), cả hội trường im phăng phắc, không một tiếng vỗ tay nào vang lên như khi các nghệ sĩ khác vừa mới được xướng tên trước đó. Khoảnh khắc ấy đã phản ánh rõ nét nhất quan điểm và cảm xúc của các nghệ sĩ TPHCM - cái quan điểm đã được duy trì suốt 6 năm kể từ khi Minh Béo mãn hạn tù và bị Mỹ trục xuất về Việt Nam vào 2016: không một sân khấu nào của thành phố hợp tác với nhân vật này; không một lời mời tham gia dự án ghi hình, biểu diễn kể từ đó đến nay.
Quan điểm và cảm xúc đó cũng là của khán giả, không chỉ là khán giả của kịch nói, khi hay tin… động trời đó. Ở một khía cạnh nào đó, sự vụ của Minh Béo không chỉ là câu chuyện đạo đức của người thuộc môi trường văn hóa, mà là câu chuyện của xã hội nói chung trong bối cảnh tội phạm ấu dâm ngày càng phức tạp và gây phẫn nộ, bức xúc trên toàn thế giới. Người ta không khỏi tự hỏi, chúng ta đang định nghĩa chuẩn mực văn hóa như thế nào, chuẩn mực xã hội ra sao khi một tội phạm ấu dâm (và chưa hề cho thấy sự cải thiện nào về phẩm hạnh) đường hoàng bước lên sân khấu, nhận giải thưởng cùng với những nghệ sĩ mỗi ngày đều mài giũa và giữ gìn chuẩn mực để không phụ sự kỳ vọng của công chúng.
Đặc biệt, không thể không đặt câu hỏi cho Cục Nghệ thuật biểu diễn lẫn Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM - các đơn vị có vai trò, trách nhiệm quản lý, “cầm cân nảy mực” đối với các hoạt động và phẩm chất nghề trong lĩnh vực văn hóa. Nếu cho rằng đời tư là một phạm trù khác biệt và không liên quan đến nghề nghiệp, liệu có thỏa đáng không và liệu có đi ngược với quan điểm của chính Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch không, khi Bộ này vừa mới đây đã ban hành quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ; với những yêu cầu về đạo đức, hành xử chung chứ không chỉ trên sân khấu.
Chưa kể, như đã nói, tội phạm ấu dâm không chỉ là câu chuyện của mỗi lĩnh vực hay cá nhân, nó còn là vấn nạn của xã hội. Và, như một khán giả bình luận, khi nhận nhiều quyền lợi từ số đông, anh phải thực thi những yêu cầu cao hơn về đạo đức, phẩm hạnh tương xứng với quyền lợi đó.
Trước khi Liên hoan diễn ra, từng có ý kiến về việc xuất hiện của Minh Béo và Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cho rằng đối tượng này không vi phạm luật pháp Việt Nam (chỉ vi phạm ở Mỹ), quyền công dân không bị ảnh hưởng nên đủ tiêu chuẩn tham dự (?). Tương tự, trả lời báo chí, ông Trần Hướng Dương, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn (đơn vị tổ chức) giải thích: Minh Béo tham gia Liên hoan vì cơ quan quản lý nhà nước tại địa bàn sở tại (TPHCM) xác nhận công ty sân khấu của Minh Béo đủ điều kiện tham gia. Trong khi đó, trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM về việc trao giải cho nhân vật này, ông Trần Minh Ngọc - Trưởng Ban giám khảo (BGK) Liên hoan - cho biết nếu trước khi Liên hoan diễn ra, khán giả phản ứng về sự việc thì BGK đã cân nhắc, nhưng vì không có khán giả nào phản ứng nên BGK trao giải dựa trên chất lượng vở diễn!
Có lẽ, không còn gì hài hước hơn, bởi không hiểu từ khi nào, việc vi phạm pháp luật hay không lại trở thành tiêu chuẩn duy nhất để các cơ quan quản lý đưa ra định chuẩn về đạo đức và ứng xử?
Gần đây nhất, khi rocker Phạm Anh Khoa quay lại với showbiz sau 4 năm im ắng vì những ngôn từ không phù hợp anh dành cho vũ công Phạm Lịch, vẫn có khán giả tuyên bố không chấp nhận anh. Rằng, không thể cứ phạm lỗi rồi ngang nhiên xuất hiện trở lại, tiếp tục “ăn cơm” công chúng. Đối diện với điều đó, nam ca sĩ cho biết ngoài lời xin lỗi gửi đến Phạm Lịch và công chúng vào năm đó, anh cũng đã tự điều chỉnh mình suốt 4 năm qua để không tái phạm. Dẫu thế, anh sẽ nghiêm túc xem xét nếu sự trở lại của mình chưa được chấp nhận.
Nêu trường hợp Phạm Anh Khoa để thấy, truyền thống ứng xử của Việt Nam vốn “đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, và truyền thống đó sẽ dành cho bất kỳ ai biết hối lỗi, biết “chạy lại”.
Thế nhưng, kể từ năm 2016 cho đến nay, người ta chưa thấy được thái độ thành khẩn của Minh Béo sau những gì mình đã làm (ngoại trừ lần thực hiện clip xin lỗi nhưng thật ra là quảng cáo trá hình, bị dư luận lật tẩy). Thậm chí, sau khi bị trục xuất về nước chưa lâu, nhân vật này còn rao tuyển diễn viên trẻ, thông báo các dự án… như chưa hề có gì xảy ra. Đó là thái độ thách thức, là lý do cho sự tẩy chay của chính giới làm nghề TPHCM thời gian qua
Ai cũng có được quyền có cơ hội thứ 2, Minh Béo cũng thế, nhất là khi đã trả giá bằng 18 tháng tù. Nhưng cơ hội chỉ đến khi người ta thừa nhận lỗi lầm và sửa chữa lỗi lầm. Minh Béo, có thể sẽ có lúc quay trở lại sân khấu và cống hiến, nhưng chưa phải là bây giờ - khi sự hối lỗi của nhân vật này vẫn là thứ thuộc về tương lai.