Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn EVFTA với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống, 40 phiếu trắng (63,33%) và EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư) với 407 phiếu thuận, 188 phiếu chống, 53 phiếu trắng. Dự kiến, Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu chấp thuận vào tháng 5/2020.
EVFTA là “thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển”. Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN ký FTA với EU. Tháng 2/2019, Singapore được Nghị viện châu Âu chấp thuận (với 425 phiếu thuận, 186 phiếu chống, 41 phiếu trắng). EVFTA chỉ cần Nghị viện châu Âu phê chuẩn là có hiệu lực (tạm thời), trong khi EVIPA phải được nghị viện 28 nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu chấp thuận.
Việc ký kết thành công hiệp định EVFTA và EVIPA đánh dấu một mốc lớn trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU. Đó là một thông điệp tích cực để Việt Nam thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường (như dịch bệnh Covid-19). EVFTA “là cú hích lớn” để Việt Nam đa dạng hóa quan hệ, nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.
***
EU đứng trước nhiều thách thức khi hợp tác với ASEAN do sự khác biệt về văn hóa và hệ thống chính trị. EVFTA là hiệp định tự do thương mại kiểu mới mà EU lần đầu ký với một nước đang phát triển trong ASEAN. Tuy EU đại diện cho các giá trị và nguyên tắc châu Âu, nhưng có tầm nhìn và cách tiếp cận phù hợp với thực tế mỗi nước và khu vực, trong bối cảnh Mỹ - Trung đang đối đầu và có chiến tranh thương mại.
Vì vậy, hai bên cần xem xét lợi ích kinh tế và địa chính trị (cốt lõi) cũng như những vấn đề xã hội khác liên quan trong một bối cảnh rộng lớn (in perspectives), chẳng hạn như cam kết của Việt Nam đối với cơ chế đảm bảo thực thi quyền lao động, quyền con người… Trong bối cảnh đó, làm thế nào để EU có thể tối đa hóa ảnh hưởng của mình đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam như một số đảng, nghị sĩ EU lo ngại? Có nên hoãn việc phê chuẩn EVFTA để làm đòn bẩy cho vấn đề này? Hay nên phê chuẩn, triển khai ngay EVFTA và EVIPA để có những tác động tích cực hơn?
Kết cục, EU đã chọn cách thứ hai với đa số áp đảo. Đó là cách tiếp cận thực dụng nhưng tích cực (positive engagement). Ông Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Liên minh châu Âu (INTA) - nói: “Không còn hoài nghi gì nữa, tôi tin rằng, hoãn phê chuẩn hiệp định là một quyết định tồi. Chắc chắn sự lựa chọn tốt nhất là tăng cường ngay lập tức sự hiện diện của EU tại Việt Nam và kiểm tra việc thực hiện hiệp định bằng một ủy ban hỗn hợp giữa Nghị viện châu Âu và Việt Nam”.
Ông Bernd Lange phân tích: “Lịch sử chứng minh, sự cô lập không thay đổi một quốc gia. Đó là lý do vì sao Nghị viện châu Âu bỏ phiếu cho hiệp định tự do thương mại với Việt Nam. Chúng ta sẽ đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam và trong khu vực, đồng thời đảm bảo rằng, tiếng nói của chúng ta có sức mạnh hơn trước. Đây là điều đặc biệt quan trọng trước những vấn đề mà chúng ta bất đồng với nhau”.
Ông Geert Bourgeois - báo cáo viên của EVFTA - nói: “Thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách bên trong Việt Nam”. EVFTA sẽ thúc đẩy sự tiến bộ trong việc bảo đảm các tiêu chuẩn toàn cầu về lao động, môi trường và tôn trọng những vấn đề con người. Những thỏa thuận chất lượng cao như vậy sẽ mang tới cơ hội thúc đẩy mục tiêu của EU là trở thành một thế lực địa chính trị, có khả năng bảo vệ thương mại tự do, và phản đối chủ nghĩa bảo hộ”.
Ông Phil Hogan - Cao ủy Thương mại EU - thì tin rằng, đối thoại là cách thức để giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam.
***
EVFTA và EVIPA có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững. Đối với Việt Nam, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ. Năm 2019, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đạt 56,45 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu là 41,54 tỷ USD và nhập khẩu là 14,90 tỷ USD.
Năm 2019, EU có 2.375 dự án tại Việt Nam (tăng 182 dự án so với năm 2018) với tổng vốn đầu tư 25,49 tỷ USD, chiếm 7,70% số dự án và 7,03% tổng vốn đầu tư. Dự kiến, EVFTA và EVIPA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng 42,7% (năm 2025). GDP của EU sẽ tăng 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% (năm 2035).
Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU xuất sang Việt Nam và phần còn lại sẽ được xóa dần trong mười năm. Ngược lại, hơn 70% thuế quan trên hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm ngay từ năm 2020 (dự kiến khi EVFTA có hiệu lực) và phần còn lại sẽ được giảm tiếp trong bảy năm.
EVFTA và EVIPA có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Một là, EU và Việt Nam cùng có lợi khi bỏ 99% hàng rào thuế quan và giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính. Hai là, các hiệp định này có giá trị quan trọng về địa chính trị trong bối cảnh thế giới đang biến động. EVFTA là bước đi đầu tiên để EU tiến tới ký các hiệp định thương mại với ASEAN. Ba là, dư luận rất quan tâm đến các vấn đề quyền con người, bảo vệ môi trường và người lao động.
***
Quá trình đàm phán EVFTA và EVIPA mất rất nhiều thời gian (từ năm 2010), vượt qua một chặng đường dài gập ghềnh với nhiều chướng ngại, nhưng cuối cùng cũng đến được bến bờ, tuy người ta hay nói “bờ thì gần, bến thì xa”. Theo các chuyên gia, việc ký kết và phê duyệt chỉ là bước đầu, việc thực hiện còn ở phía trước. Muốn thực hiện tốt, phải quán triệt hai nguyên tắc: minh bạch (transparency) và dự đoán được (predictability). Nếu đảm bảo được hai nguyên tắc đó, tuy “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng sẽ “đầu xuôi đuôi lọt”.
Sau tám năm đàm phán, ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã thông qua EVFTA và EVIPA. Ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu đã phê duyệt và ngày 30/6/2019, chính thức ký EVFTA lẫn EVIPA. Tuy vụ Trịnh Xuân Thanh có gây nhiều trở ngại trong quan hệ với Đức và EU, nhưng Việt Nam đã tích cực vận động để thúc đẩy EVFTA. Từ ngày 13 - 16/1/2020, Chính phủ Việt Nam đã cử phái viên là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tới gặp Nghị viện châu Âu để chuẩn bị. Ngày 21/1, Ủy ban Thương mại quốc tế của Liên minh châu Âu (INTA) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết, đề nghị Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA (với 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống, 5 phiếu trắng) và EVIPA (với 26 phiếu thuận, 7 phiếu chống, 6 phiếu trắng). Đây là bước quan trọng để chuẩn bị cho thủ tục phê chuẩn chính thức.
Nguyễn Quang Dy