Từ ngày 1/7, công tác đấu thầu thu qom quét dọn, vận chuyển rác phải được thực hiện. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm nâng hiệu quả thu gom rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng cường tính minh bạch và nâng chất năng lực công ty cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường thành phố.
|
Phương tiện vận chuyển, thu gom rác phải đủ tiêu chuẩn mới đảm bảo vệ sinh môi trường |
Đơn vị trúng thầu phải tiếp nhận người lao động của đơn vị cũ
Trước mắt, UBND TP.HCM yêu cầu việc đấu thầu phải được thực hiện đối với công tác thu gom rác (từ điểm hẹn về trạm trung chuyển; từ trạm trung chuyển về khu xử lý tập trung theo quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM) và công tác vận hành trạm trung chuyển trên địa bàn quận, huyện. R
iêng công tác thu gom, vận chuyển từ trạm trung chuyển ở số 1 Tống Văn Trân, Q.11 và trạm trung chuyển số 12 Quang Trung, Q.Gò Vấp về các khu liên hợp xử lý chất thải rắn và công tác vận hành hai trạm trung chuyển này vẫn do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đảm trách cho đến khi UBND TP.HCM triển khai đấu thầu.
Đối với các quận 2, 3, 4, 9, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, UBND TP.HCM yêu cầu, trong thời gian đầu triển khai phân cấp, cần giữ nguyên đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu trên địa bàn nhằm tránh xáo trộn cho đến khi triển khai đấu thầu. Riêng tại Q.1, do là địa bàn đặc thù nên chưa xem xét triển khai đấu thầu trong giai đoạn này.
Về tiêu chí để chọn nhà thầu, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TNMT TP.HCM cho biết, các đơn vị tham gia đấu thầu hoạt động thu gom, quét dọn, vận chuyển rác thải phải đảm bảo những yêu cầu như khối lượng cung ứng dịch vụ phải được tính đúng, tính đủ; quy định cụ thể các trường hợp được điều chỉnh giá trị hợp đồng hay giá gói thầu; đơn vị trúng thầu phải xem xét tiếp nhận, chuyển giao và sử dụng lại lao động của ngành nhằm ổn định an sinh xã hội.
Ưu tiên nhà thầu ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và các phương tiện thu gom, vận chuyển được đầu tư mới 100%; nhà thầu xem xét thành lập ban quản lý dự án để thực hiện và quản lý công tác đấu thầu vệ sinh đường phố và thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Ngoài ra, đơn vị trúng thầu phải thực hiện khả thi chương trình phân loại rác tại nguồn và thu gom rác theo phân loại. Bởi đây là chương trình cốt yếu nhằm tăng lượng rác tái chế, giảm thiểu lượng rác chôn lấp trên địa bàn thành phố.
Lãnh đạo Sở TNMT TP.HCM cho biết thêm, từ năm 2016, sở đã triển khai lộ trình thu gom, xử lý các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại, chất thải y tế... theo mục tiêu mà UBND TP.HCM đề ra: đến năm 2020, 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 80 - 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom đúng quy định, đảm bảo công tác kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.
Bên cạnh việc dần đưa ra đấu thầu thu gom, vận chuyển rác, sở cũng sẽ dần củng cố, sắp xếp, nâng cao năng lực quản lý, tiếp nhận, thu gom rác từ lực lượng thu gom rác dân lập...
Công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu
Để đạt hiệu quả tối đa, công tác đấu thầu phải thật công khai, minh bạch. Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) cho rằng, hiện nay, vẫn còn hiện tượng “lợi ích nhóm”, “đi đêm”, móc nối giữa đơn vị dự thầu và cơ quan quản lý khiến giá dịch vụ đội lên cao và không phát huy hiệu quả kinh tế thực sự của gói thầu.
Do đó, không chỉ công khai, minh bạch, đấu thầu còn phải đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, định kỳ, đột xuất của các đơn vị độc lập tùy theo tính chất gói thầu.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho rằng, để tạo công bằng và nâng cao hiệu quả, chất lượng thu gom, vận chuyển rác thải thì các đơn vị dự thầu phải có năng lực trong hoạt động thu gom, vận chuyển. Năng lực dựa trên cơ sở cả trang thiết bị vật chất và nhân lực thực hiện.
Một yếu tố quan trọng khác là đơn vị tham gia đấu thầu phải có kinh nghiệm thực hiện thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, có khả năng thực hiện được các chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phân loại rác tại nguồn, thu gom rác phân loại mà thành phố đã và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Có thể thấy, cùng với hoạt động phân cấp đấu thầu, thu gom, quét dọn rác cho các quận huyện, UBND TP.HCM đang đẩy mạnh triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn nhằm tăng lượng rác tái chế, giảm thiểu lượng rác chôn lấp.
Nếu những đơn vị thu gom, vận chuyển thực hiện phân loại rác ngay tại nguồn, tức là tại các hộ gia đình, sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả xử lý rác thải, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên rác thải, giảm thiểu những rủi ro môi trường do chôn lấp rác thải gây ra, giảm nhu cầu sử dụng diện tích đất lớn và kinh phí cho hoạt động xử lý rác thải.
Hải Phong