Mỉm cười với ký ức Sài Gòn

21/03/2020 - 07:17

PNO - Một cuốn tạp bút đầy ắp tư liệu. Đọc để hiểu Sài Gòn từ những điều tưởng chừng rất quen thuộc nhưng ta lại chưa từng biết.

Tôi có thói quen mỗi lần bắt đầu đọc một quyển sách mới, sẽ lật trước ngẫu nhiên một trang sách và đọc. Thường thì, những chi tiết, ngôn ngữ được tiếp xúc đầu tiên ấy sẽ khiến người đọc dễ nhớ lâu. Với Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ của nhà văn Lê Văn Nghĩa, đập vào mắt tôi là… chuyên mục rao vặt tìm chó lạc, in trên tờ Chính Luận (trước năm 1975).

“Chuộc 20.000 đồng - Ai bắt hay mua được con chó phốc màu đen, tay chân, má, lông mày màu vàng đậm, mõm dài, răng đều, hàm dưới gãy một răng cửa… Tên là Phi Phi, chó cái. Tôi không con, bốn năm không xa một ngày, ngủ chung một giường. Tôi có chuyện gửi đường Nguyễn Huệ, nó nhớ tôi đi kiếm bị lạc mấy ngày. Tôi khóc mỗi ngày, mắt không thấy đường, bác sĩ không cho tôi khóc, tôi như khùng, như mẹ mất con...”.

Đọc những dòng này, vừa thương vừa buồn cười. Kiểu rao vặt, quảng cáo như vậy bây giờ không thể tìm thấy trên tờ báo nào. Nhưng trong bài viết Quảng cáo - rao vặt trên báo chí Sài Gòn xưa, tác giả đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin về các mục quảng cáo thời xưa trên báo Phụ Nữ Tân Văn, Đời Mới, Tiểu thuyết thứ Bảy… Thú vị ở chỗ, ngôn ngữ, cách thức, hình thức đăng tải các quảng cáo đều có thể khiến người đọc tủm tỉm cười. 

Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ là quyển thứ ba trong bộ sách viết về Sài Gòn của nhà văn Lê Văn Nghĩa (hai cuốn trước là Sài Gòn - Dòng sông tuổi thơ Sài Gòn - Khâu lại mảnh thời gian, đều do nhà xuất bản Trẻ ấn hành). Quyển sách nào cũng đầy sức dẫn dụ từ ký ức về một Sài Gòn “xưa mà chưa cũ”.  

Từ Quán cà phê hoài cổ, mở ra câu chuyện về Những hàng me, Rạp hát - những thiên đường tuổi nhỏ, Phở trong văn chương và báo chí Sài Gòn, Sách giáo khoa bán trên lề đường, Ngày xưa siêu thị... Nhà văn kể cho người đọc nghe về một thời kỳ thịt heo bị cấm bán, về “con đường sắt già”, bến phà xưa và cả rừng cao su một thời trên đất Sài Gòn. Có những chuyện về đời sống người Sài Gòn trước năm 1975 người viết đã được biết qua những mẩu ký ức man mác của những quyển sách viết về Sài Gòn xưa, nhưng cũng có nhiều thông tin, tư liệu mới khiến người đọc ngỡ ngàng.

Lại có những cảm xúc rất riêng của tác giả, vương vấn bên xe nước mía lề đường, về những ngày hè rực rỡ, thương nhớ màu mực tím, mùi hương ngày Tết. Gần một phần ba sách cũng dành viết về báo chí, văn chương và nghệ thuật. Những tiêu đề gây tò mò và nội dung cũng vô cùng bất ngờ, thú vị như Võ Đông Sơ con ai? Về một bài thơ gây chấn động, Ly rượu mừng của ban Thăng Long và Phạm Đình Chương...

Một cuốn tạp bút đầy ắp tư liệu. Đọc để hiểu Sài Gòn từ những điều tưởng chừng rất quen thuộc nhưng ta lại chưa từng biết. Như tên đường Nguyễn Văn Chiêm là con đường duy nhất của Việt Nam mang tên nhà thể thao quần vợt thời Nam Kỳ Lục Tỉnh. Về “bữa cơm bình dân” - mô hình do Phụ Nữ Tân Văn - tờ báo mang tiếng nói của nữ giới khởi xướng từ thế kỷ trước, theo đó mà phát triển những “bữa cơm xã hội” qua hàng thập niên, hình thành nên những bếp ăn từ thiện bây giờ…

Hôm qua, trong một quán cà phê cũ lưu dấu nhiều kỷ vật về Sài Gòn xưa, tôi đã nhìn thấy những tờ bưu thiếp, chiếc ti vi đen trắng, cái máy đánh chữ… Như thể đâu đó từ trong những trang sách, những hiện vật ấy trở lại, bước ra đời sống và lưu giữ trong nó hồn cốt văn hóa của một thời đại, để giữa bao ngổn ngang của đời sống này, ta lạc bước vào, bước chậm lại cùng những miền xưa cũ…

Bùi Tiểu Quyên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI