Suy sụp vì mẹ mắc ung thư, bố tâm thần
Năm 2010, cầm tờ giấy báo trúng tuyển hệ dự bị của Trường đại học Y Thái Nguyên, cô sinh viên Trần Thị Huyền Trang (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) như vỡ òa trong sung sướng.
Ước mơ từ tấm bé là trở thành bác sĩ, khoác trên mình chiếc áo blue trắng chưa bao giờ gần đến thế! Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, chỉ vài ngày sau đó, mẹ cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư xương giai đoạn cuối và bệnh viện trả về nhà.
|
Dù đối diện với vô vàn sóng gió nhưng cô sinh viên bé nhỏ vẫn mỉm cười bước đi, thực hiện ước mơ và đam mê của mình. |
Trong căn nhà xiêu vẹo với một người bà đã cao tuổi, một người cha quanh năm làm thuê làm mướn, một người mẹ bệnh tật và một đứa em thơ, Trang tưởng như mọi cánh cửa tương lai đã bắt đầu đóng lại.
Biết con gái có ý định nghỉ học, mẹ Trang chỉ biết nắm tay con động viên: “Cơ hội không có nhiều, đừng vì mẹ mà đánh mất ước mơ. Con phải gắng đi làm ổn định để lo cho em trai và bố”.
Câu nói của mẹ khơi dậy trong Trang hình ảnh của gia đình khi những ngày sóng gió chưa ập đến. Đó là những bữa cơm chỉ có vài hạt lạc hay quả trứng nhưng bố mẹ gần như chẳng bao giờ dám động đũa. Mỗi lần đi làm thuê, được ai cho món ngon, họ lại vội vàng gói ghém mang về, vờ rằng bố mẹ đã ăn để các con không phải bận tâm...
Dù vất vả, nhưng bố mẹ luôn tạo điều kiện cho Trang và em trai học hành. “Chỉ có học mới có thể thoát nghèo” - tư tưởng ấy, bố mẹ đã truyền cho hai chị em Trang từ những ngày còn thơ bé.
Và cô sinh viên quyết tâm đi học trở lại. Biết quỹ thời gian của mẹ không còn nhiều, cứ mỗi dịp cuối tuần, Trang lại bắt xe, vượt hơn 100 cây số về nhà. Với vỏn vẹn 500.000đ tiền sinh hoạt trong suốt một tháng, tiền xăng xe đã vơi hơn nửa khiến cô bé chỉ biết cầm cự qua ngày bằng “món tủ” đậu phụ, mì tôm.
“Hàng xóm suốt ngày chỉ thấy em ăn lạc và đậu phụ nên thắc mắc lắm, nhưng em không dám trả lời. Có những ngày, tiền chỉ đủ để mua một chiếc bánh mì, uống kèm nước lọc... Cũng do đói quá mà em từng phải vào phòng cấp cứu vì tụt huyết áp” - Trang nhớ lại.
Những lúc khó khăn như thế, Trang bảo, chỉ muốn “ra đời” để tìm một công việc, dù là phụ bàn hay gội đầu, cắt tóc… để sống qua ngày, không phải lo lắng, ám ảnh đến những lần về nhà xin tiền bố. Và một lần nữa, mẹ lại là người giúp Trang vượt qua những tháng ngày mà theo Trang là chênh vênh, vất vả nhất trong cuộc đời.
Ngay trong những cơn đau hành hạ, những khi sức khỏe trở nên tệ nhất, người mẹ ấy vẫn không quên dặn dò: “Hứa với mẹ, dù thế nào cũng không được bỏ học giữa chừng. Nếu con bỏ học, mẹ có ra đi cũng không thể nhắm mắt”.
Kể từ khi mẹ mắc bệnh, bố Trang cũng bắt đầu có những thay đổi lạ kỳ. Từ hết mực thương con, ông thường xuyên cáu gắt, thậm chí bắt con gái phải nghỉ học vì nỗi lo tiền bạc luôn ám ảnh. Trang chia sẻ: “Lúc ấy, em không hiểu nên hận bố lắm, em cứ nghĩ bố đã không còn thương con, chỉ sợ cuộc sống của mình vất vả, mà không hiểu được rằng, đằng sau đó là một sự thật đau lòng”.
Cuối năm 2010, sau 3 tháng 10 ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, mẹ Trang mất vào đúng ngày 27 tháng Chạp, cận tết. Khi nỗi đau chưa kịp lắng lại thì hai ngày sau, bà nội của em cũng đột ngột qua đời.
Nỗi đau “tang chồng tang” trở thành cú sốc khiến bố Trang bộc phát căn bệnh tâm thần mà bấy lâu vẫn âm ỉ. Sau khi đưa bà ra đồng, Trang vẫn nhớ như in hình ảnh của người cha hoảng hốt đứng trước gương, miệng liên tục lẩm bẩm: “Bố bị ung thư rồi, bố cũng sẽ đi giống mẹ mày thôi”. Cả nhà vội vàng đưa người cha tội nghiệp vào bệnh viện tâm thần kiểm tra và điều trị.
Căn nhà tang tóc trong ngày 30 tết chỉ có hai đứa con nhỏ tự lo toan. “Đó là cái tết buồn nhất trong đời em. Nghe tiếng người ta đi chúc tết, chị em chỉ biết ôm lấy nhau, khóc nức nở” - giọng Trang lạc đi khi nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng ập xuống gia đình mình.
|
Dù đối diện với vô vàn sóng gió, nhưng cô sinh viên nhỏ bé vẫn mỉm cười để bước đi, thực hiện ước mơ và đam mê của mình. |
Bố Trang phát bệnh tâm thần từ đó và mỗi ngày một nặng hơn. Không ít lần ông cầm dao dọa giết con khiến hàng xóm phải sang trói để đưa vào bệnh viện. Rồi 11 tháng sau ngày mẹ mất, ông cũng qua đời.
Đến giờ, cô gái mồ côi vẫn không thôi day dứt trong lòng: “Nỗi ân hận lớn nhất của em là đã không hiểu cho bố, ôm mối hận đến khi bố nhắm mắt. Phải đến khi học đến bộ môn tâm thần, em mới hiểu hết những gì bố em phải chịu đựng và trải qua. Ngày cuối cùng khi bố ra đi, em cũng không kịp về nhìn mặt lần cuối để nói được một lời xin lỗi”.
Khóc chán rồi sẽ thôi
Sau chuỗi ngày biến cố, Trang vẫn tự động viên rằng, mình may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác khi chúng không được đi học, phải gác lại hết những mơ ước và đam mê. Giữa lúc chị em Trang bơ vơ, vợ chồng người bác ruột đã đón cả hai về nuôi dưỡng. Dù năm nay đã 70 tuổi, mỗi một đồng tiền đều phải trông vào từng con gà, mớ rau... nhưng hàng tháng, họ vẫn cố gắng tằn tiện để chu cấp cho hai đứa cháu ăn học.
Thấy hai bác vất vả, Trang đã từng có ý định đi tu, nhưng chính hai bác lại là những người đầu tiên phản đối và dùng mọi lý lẽ để thuyết phục.
Năm 2015, cuộc đời Trang một lần nữa lại đảo lộn khi người anh họ của mình qua đời vì bệnh tim, để lại vợ và hai người con nhỏ. Nỗi đau và gánh nặng một lần nữa lại đè xuống đôi vai của hai người bác già yếu. “Lúc đó, gia đình bác cũng đã kiệt quệ vì căn bệnh của con trai, nhưng hai bác vẫn cố gắng không cho em bỏ học giữa chừng, bằng cách cầm sổ đỏ để vay ngân hàng”.
Tới nay, Trang đã bước vào năm thứ sáu Trường đại học Y Thái Nguyên. Em trai Trang hiện cũng đang là sinh viên năm thứ hai Trường Sĩ quan Lục quân 1 (TP.Hà Nội). “Từ nhỏ, em trai em đã thích ngành y và cũng muốn thi vào cùng trường với chị. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên cả nhà động viên em theo quân đội để không phải trang trải tiền học phí cũng như tiền sinh hoạt hàng tháng” - ánh mắt Trang thường sáng bừng lên, một cách đầy tự hào khi nhắc cậu em trai kém mình bốn tuổi.
Khác với những gì mọi người thường tưởng tượng về một cô gái sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, Trang không âu sầu mà ngược lại luôn tươi cười, vui vẻ. Mọi người xung quanh, trừ vài ba người thân, không ai biết hoàn cảnh khó khăn mà em phải nếm trải: “Em hay khóc, nhưng khóc chán rồi sẽ thôi. Khóc xong để thấy mình ổn và động viên mình đi tiếp”.
Và cô bé “đi tiếp” bằng cách vùi mình trong sách vở. Suốt ba năm đầu, Trang đi làm gia sư để có thêm tiền phụ bác. Từ năm thứ tư, khi bước vào môi trường học tập thiên về thực hành, em thường chủ động xin trực và đi theo các thầy cô phụ mổ. 24 giờ của Trang hầu như đều dành hết cho giảng đường và bệnh viện.
Thành quả của công sức học tập miệt mài của Trang là 5 năm liên tiếp đều nhận được học bổng giỏi và xuất sắc, thành tích mà số sinh viên của trường đạt được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn một năm nữa mới tốt nghiệp, song cô sinh viên Trường đại học Y Thái Nguyên vẫn tự tin sẽ được cầm tấm bằng giỏi trong tay. Với Trang, học không chỉ là đam mê, được đeo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ giỏi mà còn là một cách để “cày học bổng”, đỡ một phần chi phí không nhỏ cho gia đình.
Khi hỏi về kế hoạch trong tương lai, cô sinh viên nhỏ không giấu những băn khoăn, trăn trở: “Em muốn tiếp tục học hai năm bác sĩ nội trú để vững thêm chuyên môn, tay nghề nhưng hai bác đã già quá rồi, em không muốn họ vất vả thêm nữa”.
Năm nay, Trang cũng đã bước qua tuổi 24. Với nhiều cô gái, thời điểm này, họ đã nghĩ về một tình yêu, một gia đình nhỏ. Còn với Trang, kế hoạch của em chỉ đơn giản là một công việc ổn định để có tiền sửa “nhà” cho bố mẹ, nơi vẫn hương khói cho những người thân quá cố trong gia đình.
Huyền Anh