Mikhail Gorbachev lên tiếng: Phương Tây nên biết điều

22/04/2016 - 16:25

PNO - Vị lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev đã khuyên phương Tây ngừng cô lập Nga, và duy trì cách tiếp cận “mang tính xây dựng”

Mikhail Gorbachev len tieng: Phuong Tay nen biet dieu
Phương Tây nên biết điều hơn trong chính sách đối ngoại với Nga

Trong một bài báo mới đăng trên tờ Rossiiskaya Gazeta, cựu lãnh tụ 85 tuổi của Liên Xô, người từng chứng kiến sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và sự tàn lụi của Chiến tranh Lạnh khẳng định: “Moscow có một vai trò quan trọng và tích cực trên vũ đài chính trị thế giới. Đã đến lúc phương Tây nên từ bỏ nỗ lực nhằm cô lập Nga”.

Ông Gorbachev phân tích rằng, những gì Tổng thống Putin thể hiện trong cuộc đối thoại trực tuyến thường niên với người dân hôm 14-4 cho thấy, ông “đã nỗ lực để bình thường hóa quan hệ với phương Tây”.

Người đứng đầu Điện Kremlin đã đưa ra những ví dụ tích cực trong quan hệ hợp tác với phương Tây và tránh trả lời một số câu hỏi mang tính công kích Mỹ, thậm chí ông còn gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama là “người tử tế”.

“Liệu các đối tác phương Tây của chúng ta có chịu làm mới mình để duy trì những bước tiến mang tính xây dựng hơn không? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa được làm rõ, nhưng tôi khuyên họ nên làm vậy”, ông Gorbachev nhấn mạnh.

Theo cựu lãnh đạo Liên Xô, phương Tây không nên kỳ vọng rằng, việc gây sức ép về kinh tế có thể khiến Nga chấp nhận vai trò thứ yếu trên thế giới. Hơn nữa, “tất cả chúng ta sẽ chỉ thua thiệt nếu để xảy ra một cuộc chiến tranh Lạnh mới”, ông Gorbachev chỉ rõ.

Ông cũng chỉ ra rằng, việc Nga và Mỹ bắt tay với nhau để tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria sẽ “làm giảm bớt căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây”.

“Nếu xu hướng hợp tác này tiếp tục phát triển, chúng ta (Nga và Mỹ) cần mở rộng nó sang các lĩnh vực khác trong quan hệ 2 nước, tuy nhiên đây sẽ là một quá trình khó khăn và lâu dài”, ông nhận định.

Trước lời nhắn gửi này của ông Gorbachev, đã nhiều lần các nước phương Tây lên tiếng đề nghị nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga, nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở lời nói.

Cụ thể, ngày 20/4, tại Brussels (Bỉ), Hội đồng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - Nga đã triệu tập cuộc họp đầu tiên sau gần 2 năm gián đoạn.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ngoài việc tập trung trao đổi về cuộc xung đột tại Ukraine và một số vấn đề khác, cuộc họp còn thảo luận việc cải thiện "các cơ chế giảm thiểu rủi ro liên quan tới những hoạt động quân sự".

Trong khi đó, ngày 19/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đối thoại Nga - NATO sẽ không dễ dàng để khôi phục lòng tin từ phía G7. Tuy nhiên, Moskva vẫn chủ trương tiếp tục đối thoại với NATO, Nga hài lòng vì cuộc đối thoại này vẫn có thể tiếp tục.

Ngoài ra, tại cuộc họp hai ngày của G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngoại trưởng các nước thảo luận về những vấn đề bao gồm vũ khí hạt nhân, xung đột ở Syria và Ukraine, và cuộc chiến chống khủng bố.

Phát biểu trước cuộc họp, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết ông hy vọng nhóm sẽ trở lại là G8, giống như trước khi Nga bị loại khỏi nhóm.

"Tôi muốn hình thức G7 không kéo dài và chúng ta đưa ra các điều kiện để mang nhóm G8 trở lại" ông Steinmeier nói.

Ông Steinmeier cũng tin rằng quyết định chấm dứt vai trò của Nga tại G8 sẽ thay đổi. Ông trích dẫn vai trò xây dựng của Nga trong việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraine và Syria là lý do tại sao nhóm nên dừng tẩy chay Nga

Bản thân Mỹ cũng đã từng tuyên bố muốn cải thiện quan hệ với Nga và có thể sẽ tháo bỏ các biện pháp cấm vận về kinh tế, nếu vấn đề Ukraine được giải quyết.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức ở thành phố Davos (Thụy Sĩ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, ông tin rằng với sự nỗ lực và thiện chí từ cả hai phía, các thỏa thuận Minsk về Ukraine có thể được thực thi trong những tháng tới, để cho phép dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Điều phối viên về chính sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ Daniel Fried cũng từng tuyên bố những lệnh trừng phạt mà nước này áp đặt nhằm vào Nga có thể được được dỡ bỏ trong năm nay và điều này có thể xảy ra nếu Moscow chứng tỏ quyết tâm đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột vũ trang tại miền Đông Ukraine thông qua các kênh ngoại giao.

Có thể thấy, những động thái gần đây của cả Nga và phương Tây hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn cho cả hai bên. Nút thắt duy nhất có lẽ chỉ là vấn đề Ukraine, các lệnh trừng phạt Nga có thể được dỡ bỏ một cách phù hợp khi thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ.

Nga và phương Tây đang trải qua thời kỳ căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do hành động sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga năm 2014.

Hải Đăng (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI