Miệt mài ươm chữ trên xã đảo Thạnh An

28/11/2022 - 06:37

PNO - Ở xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) - xã đảo duy nhất và cũng là nơi cách trở nhất của TPHCM - việc đến lớp mỗi ngày là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả giáo viên và học sinh. Họ đã vượt biển, vượt nghèo khó, bền bỉ ươm từng mầm tri thức.

Cô trò vượt biển đến trường

Hằng ngày, em Nguyễn Thanh Thái - học sinh lớp 7/1 Trường THCS - THPT Thạnh An - phải dậy từ 4g sáng, đi bộ ra bến, bắt chuyến đò lúc 5g30 từ ấp Thiềng Liềng qua xã Thạnh An. Mất gần 1 tiếng đồng hồ trên biển, em và các bạn mới đến được trường. Chiều học xong, em lại ra bến chờ chuyến đò lúc 17g về lại Thiềng Liềng. Em là 1 trong 40 học sinh ở ấp Thiềng Liềng ngày ngày vượt biển để đi học.

Ở trường cũng có giáo viên từ ấp Thiềng Liềng vượt biển đi dạy, như cô Đinh Thị Ngọc Giàu - dạy môn sinh học. Cô chia sẻ, mỗi ngày cùng các học sinh Thiềng Liềng đi đi, về về, cô thấu hiểu nỗi vất vả của các em. Không chỉ phải dậy từ rất sớm, mà buổi tối các em cũng về nhà trễ, vệ sinh, cơm nước xong không còn nhiều thời gian để xem lại bài học. Mỗi ngày, chỉ duy nhất 2 chuyến đò sáng và chiều nối từ ấp đảo qua xã đảo, nếu ra trễ đò chạy mất, học sinh chỉ còn biết… ngồi khóc. Buổi trưa, có em ở nhờ nhà người quen, nhưng cũng có những em phải lang thang chờ đến tiết học buổi chiều. Để sang Thạnh An học, mỗi học sinh Thiềng Liềng phải tốn ít nhất 100.000 đồng/ngày, trong đó tiền đò ngày 2 lượt hết 30.000 đồng, rồi tiền ăn sáng, ăn trưa, uống nước… Đến buổi chiều, nhiều em đói cũng ráng nhịn vì không còn tiền.

Cô Đinh Thị Ngọc Giàu và các học sinh Trường THCS - THPT Thạnh An đi đò từ ấp Thiềng Liềng qua xã đảo Thạnh An để dạy và học mỗi ngày - ẢNH: P.T
Cô Đinh Thị Ngọc Giàu và các học sinh Trường THCS - THPT Thạnh An đi đò từ ấp Thiềng Liềng qua xã đảo Thạnh An để dạy và học mỗi ngày - Ảnh: P.T

Không chỉ cách trở, đi lại khó khăn, mà điều kiện kinh tế chung trên đảo còn nhiều khó khăn. Nhiều hộ nghèo đầu năm học không lo được cuốn vở, đồng phục tươm tất cho con. Do đó, thầy cô vừa làm nhiệm vụ dạy học, vừa cố gắng vận động mạnh thường quân, đơn vị kết nghĩa để hỗ trợ các em đôi dép, bộ đồng phục, cuốn vở. Khác với học sinh nơi khác phải trả tiền để học thêm, ở đây giáo viên thấy học sinh học kém phải đến tận nhà động viên, còn đích thân chở các em vào trường để kèm cặp.

“Có học sinh nghỉ học, hôm sau vào trường cô hỏi thì hồn nhiên kể, ba em nói bữa nay thu hoạch hàu, phải ở nhà phụ ba thì mới có tiền đi học. Nhiều em cuối tuần phải đi biển, làm thuê, phụ hồ… giúp gia đình. Khó khăn của hành trình học tập trên đảo không chỉ đến từ độ khó của kiến thức, mà mỗi thầy cô, học sinh đều phải nỗ lực vượt qua cái khó, cái nghèo để duy trì việc dạy và học” - cô Ngọc Giàu nói. 

Ông Nguyễn Minh Phước - Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thạnh An - cho hay, bên cạnh giáo viên ở ấp Thiềng Liềng vượt biển đi dạy, trường còn có 6 thầy cô ở các xã khác của huyện Cần Giờ phải ngày ngày đi tàu từ đất liền ra đảo. Bên cạnh đó, giáo viên đến từ các tỉnh, thành khác cũng gặp nhiều khó khăn, vì thu nhập không cao, ở nhà công vụ chật chội. Nhiều giáo viên chịu khó làm thêm, bán hàng online. Năm ngoái, có giáo viên ở miền Trung không đủ tiền mua vé về quê, phải vay mượn khắp nơi. Tuy vậy, các thầy cô đều động viên nhau cùng nỗ lực, kiên trì bám trụ với xã đảo, rất nhiều người đã gắn bó với nơi đây từ 10-20 năm.

Bắt đầu gặt hái trái ngọt

Theo ông Nguyễn Minh Phước, trước đây, ở xã đảo chỉ có trường cấp II, muốn học lên cấp III học sinh phải vượt biển qua đất liền, bởi vậy, hầu như cứ học hết cấp II là các em bỏ học. Từ năm 2018, Trường THCS - THPT Thạnh An được xây mới, có cả cấp III nên số lượng học sinh xã đảo học lên THPT ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, qua thời gian, người dân ở đây cũng ý thức hơn về tầm quan trọng của giáo dục. Trước đây, nhiều gia đình chỉ cho con học hết tiểu học, biết mặt chữ xong là nghỉ, ở nhà phụ gia đình kiếm tiền. Bởi vậy, tạo thành vòng luẩn quẩn từ đời này sang đời khác, nghèo khó nên không được học, chính vì không được học nên lại nghèo khó. Thế nhưng, dần dần, người dân đã hiểu biết hơn và muốn cho con học lên cao, để vượt nghèo, vượt ra khỏi xã đảo, có công việc ổn định và cơ hội đổi đời. Tỉ lệ học sinh bỏ học nhờ vậy cũng giảm dần qua từng năm.

Cô Nguyễn Thị Bạch Liên - giáo viên tin học Trường tiểu học Thạnh An - chia sẻ, so với cách đây 10 năm, điều kiện trường lớp hiện nay đã tốt hơn rất nhiều. Trường tiểu học xã đảo tự hào có 2 phòng tin học khang trang ở 2 cơ sở (ở ấp Thiềng Liềng và xã Thạnh An) với 56 máy vi tính phục vụ học sinh. Nhờ vậy, năm học 2020-2021, trong số 5 học sinh của huyện Cần Giờ đi dự thi học sinh giỏi môn tin học cấp thành phố, có 2 em là học sinh của xã đảo Thạnh An. 

Ông Lê Hữu Bình - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An - cũng cho biết, từ năm 2017, trường được xây dựng lại khang trang hơn, với 15 phòng học cho gần 300 học sinh. Cơ sở ở ấp Thiềng Liềng cũng được xây sửa với 5 lớp học cho 49 học sinh. Điều đáng mừng là hiện nay tỉ lệ huy động học sinh đến trường luôn đạt 100% và từ nhiều năm qua, trường không có học sinh bỏ học. 

Trước đây, giáo viên đa phần là người dân ở địa phương khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, đã có nhiều học sinh xã đảo học lên cao, trở thành giáo viên và quay trở về giảng dạy tại quê nhà. Đến nay, ở trường có đến 70% giáo viên là dân xã đảo. Điều này phần nào phản ánh kết quả khả quan về trình độ dân trí trên xã đảo. “Bên cạnh đó, ngày càng nhiều học sinh Thạnh An tốt nghiệp cấp III, học cao hơn lên đại học, sau đại học. Trong năm 2022, cả xã đảo có 29 em đậu vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Đó là một điểm sáng cho hành trình ươm mầm tri thức trên xã đảo, thể hiện sự thay đổi từ trong suy nghĩ của người dân xã đảo về tầm quan trọng của học hành, cũng như sự nỗ lực của cả thầy cô và học sinh” - ông Lê Hữu Bình nhận xét. 

Gói ghém kiểu “con nhà nghèo”

Cô Cao Thị Ánh Ngọc - giáo viên môn hóa Trường THCS - THPT Thạnh An - cho biết ở xã đảo, phụ huynh lo sinh kế đã là cả vấn đề, do đó khi tổ chức các hoạt động cho học sinh, nhà trường không thể thu tiền của phụ huynh mà cân đối từ các khoản kinh phí của trường. 

Dù khó khăn nhưng các thầy cô vẫn cố gắng tổ chức các hoạt động ý nghĩa và thú vị cho các em. Chẳng hạn, năm ngoái khi tổ chức chuyên đề về nến, cô rất bất ngờ vì khả năng sáng tạo của học sinh. Với những nguyên liệu rất rẻ, dễ kiếm, các em có thể sáng tạo ra rất nhiều hình dạng nến như hình trái tim, hoa, bánh kem và cách phối màu cũng rất đặc sắc. Đối với môn hướng nghiệp, trải nghiệm, nhà trường tổ chức các hoạt động ngay tại xã đảo như tham quan cơ sở sản xuất mắm trên đảo, chương trình 1 ngày làm chiến sĩ, làm bác nông dân…

Mong chờ những chính sách cho học sinh, giáo viên

Ông Nguyễn Minh Phước cho biết, thời gian qua, đồn biên phòng xã có hỗ trợ ăn trưa, nghỉ trưa miễn phí cho các học sinh ấp Thiềng Liềng. Tuy vậy, vừa qua họ cũng thông báo nguồn kinh phí đang cạn dần và có thể phải kết thúc sớm trong học kỳ I năm nay. Do đó, nhà trường rất mong nhận được nguồn hỗ trợ để giảm bớt phần nào khó khăn cho các học sinh vượt biển từ ấp Thiềng Liềng qua Thạnh An học.

Bên cạnh đó, hiện nay phương tiện cho học sinh ấp Thiềng Liềng chỉ có đò nhưng hoạt động không ổn định. Nhiều khi nhà trường phải vận động, thậm chí… năn nỉ chủ đò chạy đủ chuyến để học sinh có phương tiện đi học. Nhất là những tháng hè, chỉ có học sinh lớp Chín và Mười hai đi học thì chủ đò không muốn chạy vì số lượng khách ít, không có lời. Học sinh muốn đi học phải thuê vỏ lãi để chạy thì chi phí lên đến 300.000 đồng/chuyến, các em không kham nổi.

Nếu được chính quyền địa phương bù lỗ, chủ phương tiện sẽ đi lại ổn định để hỗ trợ học sinh và thầy cô. Bên cạnh đó, đề xuất cải thiện cơ sở vật chất nhà công vụ, có chế độ chính sách cho giáo viên xã đảo, ấp đảo tương xứng hơn để các thầy cô yên tâm bám trụ với nghề.

Phương Thanh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI