Tiêm “vắc xin chống chịu” để làm việc
Những bông hoa đang nở rộ là thành quả của một cuộc đấu tranh mà nếu yếu lòng sẽ không có được. Chuyện diễn ra tại chung cư Phú Mỹ Thuận (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TPHCM), nơi bà Nguyễn Lệ Hà làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ.
“Hoa bà Hà, để bà Hà tưới” là câu nói bà Hà đã nghe đi nghe lại sau ngày vận động chị em phụ nữ chung cư trồng và treo hoa mười giờ lên lan can sân chung cư. “Hoa nào là hoa của bà Hà? Hoa này trồng để làm đẹp cho chung cư!” - bà trả lời.
Và đều đặn, mỗi sáng, sau khi tập thể dục xong, bà xách nước tưới hoa. Người ta lại phàn nàn “tưới cây, nước chảy bẩn sân”. Bà trấn an: “Đừng lo, nước rỉ ra chỗ nào, tôi lau chỗ đó”. Mãi cho đến khi mười giờ ra hoa thì lời ra tiếng vào mới hết.
Không chỉ chuyện trồng hoa, ngày bà chi hội trưởng phụ nữ kêu gọi chị em xuống sân chung cư làm vệ sinh, bà cũng bị mỉa mai: “Bà Hà làm đủ chuyện để nịnh ban quản trị. Chung cư có đội vệ sinh sao không yêu cầu người ta làm!”. Nhưng làm gì có đội vệ sinh nào chịu cạo từng miếng kẹo cao su dưới chân cầu thang hay trên sân chơi của trẻ nhỏ. Vậy là bà một mình men theo những vết ố lâu ngày dọc theo hành lang sân mà cạo và chà rửa cho sạch sẽ.
|
Bà Nguyễn Lệ Hà - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chung cư Phú Mỹ Thuận - giới thiệu một góc Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại chung cư - ẢNH: THU LÊ |
Đó chỉ là 2 việc nhỏ trong “trùng trùng khó khăn” mà bà Nguyễn Lệ Hà đối diện kể từ khi được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chung cư Phú Mỹ Thuận vào năm 2017. Bà cho biết, trước khi về TPHCM sinh sống, bà là giáo viên dạy sinh học cấp III ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Là người giỏi chuyên môn, bà luôn được đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh tôn trọng.
Thế nhưng về thành phố, ôm lấy cái chức chi hội trưởng phụ nữ, đã không có lương bà lại bị vùi dập tơi bời. “Nếu tôi tự ái, đem tự trọng vô công việc thì không bao giờ làm được. Tôi hay nói đùa với các em ở xã, ở huyện rằng, để làm được, tôi phải tiêm vào mình một thứ “vắc xin chống chịu” để có sức đề kháng mạnh mẽ. Mình bỏ công bỏ sức ra để làm với mong muốn mang lại những đổi thay tích cực cho cộng đồng, thì họ lại nói “bà Hà rảnh quá!”. Mình mặc bộ áo dài đi hội họp, họ bảo “bà Hà màu mè”. Tôi không hiểu tại sao nhiều chị em phụ nữ mình ra đường mặc “quần lò xo, áo giảm sốc” (ý nói quần áo mặc lâu ngày bị rút lại, nhăn nhúm) thì tự tin mà mặc bộ quần áo đẹp lại ngại” - bà chia sẻ.
Từng bước đổi thay
Năm 2015, vì con cái đều lập nghiệp tại thành phố nên bà Nguyễn Lệ Hà chuyển từ Tây Ninh về TPHCM sinh sống.
Ở Tây Ninh, bà từng có 10 năm làm chủ tịch công đoàn và gầy được 1 đội dưỡng sinh ở huyện Tân Châu. Từ 1 đội ban đầu, phong trào dần lan ra 12 xã và bà được mời đến từng xã để tập cho các đội mới hình thành. Về thành phố, điều bà sợ nhất là không có nơi sinh hoạt cộng đồng. Do vậy, bà đã đến rất nhiều chung cư và chung cư Phú Mỹ Thuận là nơi bà lựa chọn.
Về chung cư Phú Mỹ Thuận, tham gia đội dưỡng sinh, bà thấy phong trào thể dục thể thao tạm đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, ngoài hoạt động trên thì những người có tuổi như bà cả ngày chỉ ngồi nhà chờ con cái đi làm về. Mặt bằng cư dân tại chung cư cũng không đồng đều, toàn chung cư có 560 hộ thì chỉ hơn 100 hộ chính chủ, những người thuê trọ không mong muốn xây dựng lối sống lành mạnh nơi chung cư, mối bất hòa giữa cư dân và ban quản trị chung cư luôn tồn tại và người dân sống ở chung cư như đang sống trên ốc đảo.
|
Bà Nguyễn Lệ Hà góp ý về vấn đề thu hút hội viên ở các chung cư - ẢNH: THU LÊ |
“Tôi nghĩ tại sao chung cư không có phong trào phụ nữ trong khi chị em ở đây rất đông và cần một cầu nối giữa cư dân với chính quyền địa phương?”. Suy nghĩ đó khiến bà Hà cùng một số thành viên đội dưỡng sinh xin phép được thành lập chi hội phụ nữ tại chung cư vào năm 2017. Nhờ vậy mà Phú Mỹ Thuận trở thành chung cư có chi hội phụ nữ đầu tiên của huyện Nhà Bè. Đến nay, số thành viên tích cực tham gia chi hội là 70 người, đa số là trung niên, trong đó có 20 hội viên là giáo viên. Bà cho biết, nhiều người trẻ tại chung cư sẵn sàng đóng góp kinh phí cho các hoạt động mặc dù không có thời gian tham gia phong trào.
Có thể coi Chi hội Phụ nữ chung cư Phú Mỹ Thuận ra đời như cái mầm nhú lên giữa bão táp mưa sa, nhưng những cái rễ của nó cứ âm thầm bám sâu vào đất. Theo bà Nguyễn Lệ Hà, sự “máu lửa, đam mê, kiên trì” của những người làm phong trào đã mang đến những đổi thay tích cực trong đời sống cư dân và ngày càng có nhiều người tham gia vào các hoạt động văn hóa tinh thần tại chung cư cũng như các hoạt động tại địa phương.
Bà Hà cho biết, năm 2019, khi bà kêu gọi đội văn nghệ, dưỡng sinh chung cư tham dự hội thi đồng diễn cấp thành phố, phần lớn chị em mang tư tưởng là “cá lòng tong ra biển lớn”. Thế nhưng, giải nhất hội thi năm đó của đội đã thay đổi cách nhìn của chị em về giá trị bản thân. Họ tự tin thể hiện và dần đắt “sô” khi phát triển đội văn nghệ theo hướng tạp kỹ. “Ở đâu cũng vậy, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao có sức thu hút mà không cần tuyên truyền. Hãy dựa vào đó mà thay đổi” - bà nói.
Không theo lối mòn, mạnh dạn thay đổi và tìm trợ thủ là 3 ý mà bà Nguyễn Lệ Hà luôn nhấn mạnh trong các cuộc họp tìm giải pháp để nâng chất hoạt động hội. Theo bà, hội phụ nữ hiện nay làm nhiều nhưng thiếu trọng điểm. Lấy ví dụ chuyện đào tạo nghề, bà phân tích, năm nào các địa phương cũng báo cáo đã giới thiệu, đào tạo bao nhiêu người, nhưng thực chất kết quả của việc học nghề, bao nhiêu người được làm và sống bằng nghề đã học thì không nghe ai nhắc tới, cũng không thấy tổng kết.
Bà góp ý: “Việc xác định trọng tâm sẽ giúp chúng ta làm có kết quả. Không cần chạy theo số lượng, chỉ cần vài người thực sự muốn, hội tập trung đầu tư, tạo điều kiện cho họ để khi có thành quả, họ lại tiếp tục hỗ trợ người khác”.
Nguyệt Minh