Miếng tích-kê thời gian khó

14/05/2020 - 17:46

PNO - Nghỉ dịch, các group Facebook rôm rả chuyện nữ công gia chánh. Cô gái nọ khoe cái máy may tay. “Cái máy may nhỏ xíu mà chạy các đường tích-kê đến mê”, một chị lớn tuổi nói. Đám gái trẻ tò mò hỏi “tích-kê” là gì?

Tích-kê là thuật ngữ của cả một thời nghèo khó đầy thương nhớ mà ngày nay bọn trẻ thấy lạ. Và những ai từng mặc quần áo có miếng tích-kê hay biết rõ về nó, thì hẳn cũng đã già - như cách nói của dân mạng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhớ khi xưa nhà tôi là gian tập thể 9 mét vuông. Cái máy khâu con bướm cồng kềnh chiếm luôn một khoảnh sang chảnh trong nhà. 

Chị tôi hết lớp Chín thì nghỉ học, ba mẹ đầu tư cái máy khâu để chị lên lai, bóp bụng, vá quần áo cho cả xóm. Tiền công rẻ thôi nhưng chị tôi say mê làm lụng, tích cóp để dành. 

Chị khá khéo tay, may mấy miếng tích-kê khó là thế, mà chị chạy các đường may rất đều, rất đẹp, tạo nên những “chiếc ti vi” chữ nhật hoàn hảo; không ngoằn ngoèo giun rắn như đường may của tôi.
Cái bàn máy khâu ấy cũng là bàn học của bốn chị em tôi. Tôi nhớ mình luôn phải học ké trên cái máy đang dựng, muốn viết phải đặt vở né né và giữ chắc, lơ đễnh là rơi sách vở ngay. 

Tôi ngồi học, chân đặt lên bàn máy, hay lười gỡ dây cu-roa ra. Gặp lúc ngứa chân, tôi nhấn bàn đạp, làm bánh xe quay, kim khâu chạy lung tung thể nào cũng gãy, và tôi thì ăn mắng đến no.

Kim may đâu rẻ, chị tôi giữ gìn ghê lắm. Các cuộn chỉ thời ấy cũng vậy, vừa đắt, vừa ít màu sắc. Tôi mà lấy may vở hoặc may đồ lãng phí là chị la đến rát tai.

Chiếc máy khâu con bướm của một thời đã xa (Ảnh minh hoạ - Cảnh phim Cô Ba Sài Gòn)
Chiếc máy khâu con bướm của một thời đã xa (Ảnh minh hoạ - Cảnh phim Cô Ba Sài Gòn)

Năm lớp Tám, hôm ấy, chúng tôi không thể tập trung học, vì thầy toán có… hai cái tích-kê hình ti vi nổi bần bật, đều tăm tắp ở quần. Ngày ấy, ai cũng nghèo, quần áo mặc tới nát, nếu rách thì vá cho lành rồi mặc tiếp. Cán bộ nhà nước, giáo viên mặc quần tích-kê là bình thường. Thế mà không hiểu sao, mỗi khi thầy quay lên viết bảng, tiếng khúc khích lại nổi lên. Vào độ tuổi teen, các cô gái nhỏ đã bắt đầu ngó nghiêng để ý người khác giới. Thầy toán trẻ, đẹp trai, dạy giỏi, chắc cũng gieo nhiều cảm tình đặc biệt.

Thầy thấy lớp mất trật tự, từ nhắc nhở nhẹ nhàng, thầy chuyển sang nghiêm khắc: “Không tập trung học, cười cái gì?”. Tiếng cười lén càng to. “Cười cái gì?”, thầy vẫn hỏi đến cùng, như mọi lần khui ra những trò nghịch trong lớp. Cuối cùng, lớp trưởng đành đứng lên lí nhí: “Dạ các bạn cứ cười chỗ mông quần thầy ạ”. 

Thầy tôi chựng lại, mặt cứ hết đỏ lại trắng, sượng sùng… Bao năm tôi vẫn không thể quên sắc mặt thầy cùng hai chiếc “ti vi” hôm ấy. Trên nền vải xanh sẫm, người may đã “chơi” những đường chỉ màu vàng chói lói.

Khổ nỗi, người may, đâu phải ai khác ngoài bà chị quý hóa của tôi. Tôi chẳng còn nhớ chị thiếu chỉ xanh hay lý do gì khác mà lại làm liều. Và càng không hiểu tại sao ông khách nhận quần mà không “bắt đền” cô thợ, lại còn điềm nhiên mặc lên lớp…

Minh Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI