Miệng lưỡi đàn bà...

22/12/2015 - 07:41

PNO - Đàn bà rất biết dùng ngôn từ để thao túng đàn ông. Nhiều chị theo phương châm “lạt mềm buộc chặt”, thít cổ các anh bằng một thứ ngôn ngữ dịu dàng.

Có một câu danh ngôn vừa hài hước, vừa thâm thúy nói về bi kịch của người đàn ông trong hôn nhân: “Không người đàn ông nào biết hạnh phúc thực sự là gì cho tới khi anh ta lập gia đình. Lúc đó, dĩ nhiên là đã quá muộn”. Có bao nhiêu người đàn ông nhận ra điều đó, thật chẳng dễ thống kê, vì những tiếng kêu cứu về nạn bạo hành gia đình thường xuất phát từ phụ nữ.

Tại lễ phát động hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, người ta đưa ra con số cứ hai phụ nữ kết hôn thì có một người phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời.

Thống kê tình trạng bạo hành gia đình vài năm qua cho thấy 71,44% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Không có thống kê về việc đàn ông bị vợ bạo hành, nhưng có một thực tế hiển nhiên trong đời sống hàng ngày là đa phần đàn ông thì dùng chân tay đánh vợ, còn phụ nữ thì dùng mồm miệng “đánh” chồng.

Trong các loại bạo hành gia đình, các ông chồng thường là nạn nhân của bạo hành tinh thần. Dù không để lại vết thương thể xác nhưng sự bạo hành này gây ra những ám ảnh và đau đớn cho tâm hồn chẳng kém bạo hành vũ lực. Môi miệng đàn bà khi yêu thì câu nào cũng ngọt như mía lùi, nhưng khi đã điên lên thì lại như có nọc độc.

Đàn bà rất biết dùng ngôn từ để thao túng đàn ông. Nhiều chị theo phương châm “lạt mềm buộc chặt”, thít cổ các anh bằng một thứ ngôn ngữ dịu dàng, nhưng dù sao thì sự thao túng đó cũng còn dễ chịu.

Sợ nhất là kiểu đàn bà dùng ngôn từ làm vũ khí “gọt” chồng. Nhẹ thì trách móc, chê bai; nặng nề hơn là rủa xả, mỉa mai, thóa mạ, khinh miệt chồng ngay cả trước mặt con cái và người khác. Không chỉ một, hai lần mà sự bạo hành này gần như diễn ra thường xuyên, thậm chí hàng ngày. Họ chì chiết chồng từ chuyện tiền bạc, công việc đến những việc nhỏ xíu trong nhà. Thậm chí, chuyện nhà người khác họ cũng vơ về nhà mình để răn đe, dọa nạt chồng. Sáng chửi, tối rủa, ngay cả bữa ăn cũng không để chồng yên.

Mieng luoi dan ba...
Ảnh mang tính minh họa

Kiểu bạo hành này gây ức chế cảm xúc cho người chồng, từ đó có thể dẫn đến nhiều bi kịch. Có những người chồng sẽ tháo chạy khỏi cuộc hôn nhân ác mộng đó bằng giải pháp ly thân, ly hôn. Có người tìm nguồn vui, tình yêu thương, sự tôn trọng từ người phụ nữ khác. Tệ hại nhất là kiểu bạo lực sinh bạo lực. Không thiếu những ông chồng vì không chịu đựng nổi bà vợ suốt ngày cằn nhằn, bới móc, đã dùng vũ lực để đáp trả, để giải tỏa những dồn nén.

Phải chăng đàn ông quá nhu nhược nên phải chịu cảnh bị vợ bạo hành tinh thần? Trước tiên, đàn ông nên tự trách mình, vì vợ là do mình chọn. Đa phần những người đàn ông hiền lành lại thích phụ nữ mạnh mẽ, năng động. Khi yêu họ tìm thấy sự mới lạ, cá tính ở những phụ nữ kiểu này.

Tuy nhiên, khi sống chung, sự khác biệt tính cách đến khập khiễng đã làm phát sinh nhiều mâu thuẫn. Đàn ông hiền lành, kém linh hoạt thường an phận, ngại thay đổi. Họ có sao sống vậy, ngại cả việc toan tính mưu sinh, ngại ngoại giao để tìm cơ hội làm ăn tốt hơn. Trong khi đó, đời sống ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu của con người ngày càng cao hơn, chi phí sinh hoạt cũng tăng theo.

Lúc này, người phụ nữ mạnh mẽ đành phải thay ông chồng an phận để xoay xở gánh vác gia đình, dẫn đến họ mệt mỏi, bực dọc, khó kiềm chế cảm xúc trước ông chồng yếu đuối đã để vợ con thua thiệt so với người khác. Ban đầu chỉ là cảm giác chán chồng khi khuyên mãi chẳng chịu thay đổi; sau đó là bực bội và đỉnh điểm là khinh miệt chồng.

Những phụ nữ này thường cho mình có quyền quyết định mọi việc trong gia đình. Không chỉ uy hiếp chồng theo kiểu: “Ông làm được cái quái gì trong nhà này mà lên tiếng?”, họ còn lôi cả con cái vào cuộc để bỉ mặt chồng, kiểu như: “Cứ ngu đần như bố mày thì chỉ có nước bám váy thiên hạ”.

Họ không chỉ tước mất tiếng nói của người đàn ông, vốn được coi là trụ cột gia đình, mà còn hạ thấp danh dự, hình ảnh của một người cha trong mắt các con. Tình trạng này khiến việc dạy dỗ, chỉ bảo con cái của người cha trở lên khó khăn hơn; thậm chí trong không ít gia đình, con cái chẳng còn tôn trọng người cha nữa. Với một người đàn ông thì không có sự đau khổ và xấu hổ nào bằng việc mình trở nên tầm thường trong mắt các con. Dần dần người chồng, người cha ấy sẽ trở nên câm lặng và cam chịu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI