Miếng dán vắc xin COVID-19, giải pháp mới thay thế tiêm vắc xin

25/09/2021 - 22:05

PNO - Các nhà khoa học đang phát triển một giải pháp mới giúp cho việc tiếp cận vắc xin COVID-19 của người dân trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.

Các nhà khoa học tại Đại học Stanford và Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill (UNC-Chapel Hill) vừa nghiên cứu thành công việc tạo ra miếng dán trực tiếp dạng 3D trên da, giúp đưa vắc xin vào cơ thể để thay thế phương pháp tiêm truyền thống.

Miếng dán vắc xin COVID-19 đang được các nhà khoa học Mỹ thử nghiệm - Ảnh: UNC News
Các nhà khoa học Mỹ đang thử nghiệm miếng dán vắc xin COVID-19 - Ảnh: UNC News

Điều đáng ghi nhận là phản ứng miễn dịch thu được từ miếng dán vắc xin cao hơn 10 lần so với vắc xin được đưa vào cơ thể bằng kim tiêm.

“Chúng tôi phát triển công nghệ này với hy vọng tạo nền tảng cho sứ mệnh phủ rộng việc tiêm vắc xin nhanh hơn trên phạm vi toàn cầu, với liều lượng vắc xin dành cho mỗi người ít hơn, những người sợ kim tiêm cũng sẽ không còn phải lo lắng nữa”, Tiến sĩ Joseph M. DeSimone, tác giả chính của công trình nghiên cứu vắc xin bằng công nghệ in 3D công tác tại cả Đại học Stanford và UNC-Chapel Hill nói.

Kết quả nghiên cứu thử nghiệm trên động vật cho thấy, miếng dán vắc xin tạo ra đáp ứng miễn dịch qua tế bào T và kháng thể đối với kháng nguyên chuyên biệt tăng gấp 50 lần so với tiêm dưới da.

Không chỉ phục vụ cho việc tiêm vắc xin COVID-19, phát minh này còn hứa hẹn sẽ được phát triển một cách dễ dàng sang vắc xin ngừa các loại bệnh khác như cúm, sởi và viêm gan.

Các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng, với miếng dán vắc xin, việc đóng gói, bảo quản và vận chuyển đi khắp thế giới sẽ dễ dàng hơn nhiều mà không đòi hỏi những điều kiện kỹ thuật khắt khe như với vắc xin đóng trong lọ.

Ngoài ra, việc người dân có thể tự sử dụng miếng dán vắc xin cũng sẽ giúp làm tăng tỷ lệ phủ vắc xin, tiến tới miễn dịch cộng đồng nhanh hơn.

 

Tiến sĩ Joseph M. DeSimone, trưởng nhóm nghiên cứu dự án miếng dán vắc xin 3D - Ảnh: 3D Printing Media
Tiến sĩ Joseph M. DeSimone, trưởng nhóm nghiên cứu dự án miếng dán vắc xin 3D - Ảnh: 3D Printing Media

Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục tìm các giải pháp để “tích hợp” vắc xin RNA (công nghệ tạo vắc xin mà hãng Pfizer và Moderna đang áp dụng) vào các miếng dán vắc xin để sớm đưa ra phục vụ người dân trong thời gian sớm nhất.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI