Miễn viện phí giúp dân tầm soát bệnh tốt hơn

15/04/2025 - 06:46

PNO - Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, hiện nay các nước có chỉ số hạnh phúc cao là các nước miễn phí về giáo dục, y tế.

Theo ông, miễn phí khám, chữa bệnh toàn dân sẽ mang lại công bằng trong y tế, đồng thời giúp người dân chủ động hơn trong tầm soát sức khỏe, từ đó tạo ra cộng đồng khỏe mạnh.


Phóng viên: Miễn viện phí toàn dân là một định hướng, một mục tiêu phấn đấu. Với riêng Bệnh viện Chợ Rẫy thì sao, thưa ông?

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt: Trong những lần đi trao đổi chuyên môn ở một số quốc gia, tôi nhận thấy rằng, nước nào miễn phí giáo dục, y tế toàn dân thì người dân nước đó có cuộc sống rất hạnh phúc. Họ có thể tập trung phát triển bản thân, tìm thấy niềm vui trong công việc hơn, bởi họ đã được chính phủ chăm lo về học tập, sức khỏe.

Cuộc sống càng đi lên thì người dân ở bất kỳ quốc gia nào cũng quan tâm nhiều hơn về chỉ số hạnh phúc. Để nâng chỉ số này, nhà quản trị xã hội phải chú trọng về an sinh xã hội. Trên thực tế, lâu nay, nhiều bệnh viện cũng hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân không có tiền vẫn được điều trị cơ bản, như giám đốc bệnh viện từng nói “điều trị cho người nghèo nhưng phục vụ như cho người giàu”.

* Ông có thể nói thêm về sự công bằng y tế? Khi miễn phí y tế, liệu các cơ sở y tế có đảm bảo chất lượng khám, điều trị?

- Hễ người bệnh còn đóng tiền là còn thiếu sự công bằng. Một số bệnh nhân sẽ có yêu cầu về ưu tiên điều trị. Khi đã miễn phí khám, chữa bệnh thì tất cả người bệnh bình đẳng như nhau. Ở các nước đang miễn phí y tế, họ đưa quản lý bệnh viện vào trong chính sách của nhà nước. Khi miễn phí y tế toàn dân thì bệnh viện tư, bệnh viện công đều chỉ hướng đến mục tiêu chung là chăm lo sức khỏe toàn diện cho người dân.

Bên cạnh đó, không chỉ nên miễn phí y tế mà cần có tiêu chí chọn lựa cao, chỉ tiêu hợp lý đối với đầu vào ngành y, sinh viên học trường y cần được hỗ trợ chi phí học tập, các bác sĩ được trả lương đủ để đảm bảo cuộc sống. Như ở Phần Lan, bác sĩ xin vào làm ở bệnh viện nhi là khó nhất, được lương cao nhất, buộc họ phải thực sự giỏi. Có như thế mới vừa đảm bảo miễn phí, vừa nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

* Ông có lo rằng khi miễn phí y tế toàn dân, hệ thống bệnh viện công sẽ quá tải bệnh nhân và thiếu kinh phí để tái đầu tư?

- Ở tất cả cơ sở y tế, bác sĩ được đào tạo kỹ càng, chuyên môn, nghiệp vụ tốt, hỗ trợ chặt chẽ lẫn nhau trong chẩn đoán, điều trị. Khi việc khám, chữa bệnh miễn phí hoàn toàn thì người dân cũng không cần “bon chen” đi bệnh viện tuyến cuối nữa.

Miễn phí toàn dân còn giúp người dân chủ động hơn trong tầm soát sức khỏe bản thân, thấy không khỏe là đi khám liền chứ không cố gắng lướt bệnh.

Trên thực tế, đa số người dân chỉ đến bệnh viện khi đã quá sức chịu đựng nên đã vào giai đoạn nặng hoặc đã quá “thời gian vàng” trong điều trị. Nếu như người dân được miễn phí, họ sẽ ý thức về bệnh tật, chăm chỉ đi khám sức khỏe hơn, từ đó tạo ra một cộng đồng khỏe mạnh, học tập và làm việc với hiệu quả tốt nhất.

Về thu, chi tại bệnh viện, tôi nghĩ nếu triển khai miễn phí y tế, việc tự thu, tự chi ở các bệnh viện hiển nhiên sẽ được giải quyết. Cần hiểu rằng, khi miễn phí toàn dân thì vẫn có những người bệnh cần được phục vụ bằng các dịch vụ khác.

Tôi nghĩ, trước khi tiến tới miễn phí y tế toàn dân, cần miễn phí cấp thẻ BHYT cho toàn dân, nhất là với nhóm yếu thế, để giảm gánh nặng chi phí điều trị. Đây là chính sách thiết thực nhưng cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

* Xin cảm ơn ông.

Phạm An (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI