Miền Trung vừa lo chống dịch, vừa lo chống bão

13/09/2021 - 06:05

PNO - Các tỉnh miền Trung đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng lại phải lo ứng phó cơn bão số 5. Chính quyền các địa phương phải vừa đảm bảo an toàn cho dân trong bão lụt, vừa đảm bảo nghiêm túc việc phòng, chống dịch COVID-19 trong khi Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn về chống dịch ở vùng có thiên tai.

Áp lực cho chính quyền cơ sở

Ông Cái Trọng Như - Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng chính quyền địa phương phải vừa tìm phương án linh hoạt để phòng, chống cả thiên tai lẫn dịch bệnh: “Lộc Trì đang thực hiện Chỉ thị 16 trong toàn xã, trong đó có một số khu vực có nguy cơ cao và vẫn tiếp tục phát hiện các ca nhiễm mới. Chúng tôi chia ra những khu vực nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19. Ở khu vực ít nguy cơ, những hộ ở nơi thấp trũng sẽ được di dời đến nhà kế bên cao hơn; ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, dân sẽ di dời đến trường học nhưng đảm bảo việc giãn cách giữa các gia đình. Người già, trẻ em, phụ nữ mang bầu thuộc gia đình diện F2 (tiếp xúc gần với ca nghi mắc COVID-19) thì đến tránh bão tại nhà văn hóa cộng đồng 
của thôn”.  

 

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19, phòng, chống bão số 5 tại xã Vinh Hiền (H.Phú Lộc) nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ - ẢNH: THUẬN HÓA
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19, phòng, chống bão số 5 tại xã Vinh Hiền (H.Phú Lộc) nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: Thuận Hóa

Việc di dân, giúp dân vùng ven biển, đầm phá thu hoạch thủy sản trong mùa mưa bão đang rất khó khăn. Ông Nguyễn Tam - Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc - cho hay toàn xã đang thực hiện theo Chỉ thị 16, trong đó có 86 hộ thuộc diện F2, F3 đang cư trú trong vùng bị ảnh hưởng của bão.

Để vừa chống dịch, vừa chống bão, UBND xã yêu cầu khi di dời dân ứng phó bão lụt, vẫn phải đảm bảo 5K. Vì vậy, tiến độ di dời chậm do phải bảo đảm yêu cầu giãn cách, cụ thể là trong mỗi đợt, chỉ di dời hai người đến trường học, nhà văn hóa thôn để tránh trú bão.

Còn tại cảng cá Kỳ Hà, xã Tam Quang, H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh bố trí chỗ ở riêng biệt để cách ly phòng dịch đối với ngư dân trên các tàu ngoại tỉnh vào trú tránh bão cho đến lúc hết bão, nếu ở lại nhiều ngày thì tổ chức xét nghiệm COVID-19.

Thị xã Điện Bàn đang là tâm dịch của tỉnh Quảng Nam, lại nằm trong vùng bão đổ bộ. Tổ 3, khối phố Ngân Hà, P.Điện Ngọc có 27 hộ bị phong tỏa, trong đó có 12 hộ diện F0 (mắc COVID-19), F1 (tiếp xúc gần với F0) phải đi cách ly tập trung. Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng ban Điều hành khối phố Ngân Hà - cho biết khối phố có một số F0 và F1 phải đi cách ly tập trung nên chỉ có trẻ nhỏ ở nhà. Ban điều hành khối phố đã đến động viên các cháu và giúp chằng chống nhà cửa trước khi bão vào, để người đi cách ly yên tâm.

Trước khi bão vào hai ngày, UBND TP.Đà Nẵng đã có phương án chống bão ở “vùng đỏ” (vùng phong tỏa do có ca mắc COVID-19). Các chốt kiểm soát dịch phải di chuyển vào vị trí an toàn 6 giờ trước khi bão đổ bộ. UBND TP.Đà Nẵng cũng quyết định mở lại âu thuyền Thọ Quang - vốn bị đóng cửa gần hai tháng nay do có ca mắc COVID-19 - để các tàu cá của Đà Nẵng và các địa phương khác về neo đậu trú tránh bão. Khi tàu thuyền vào âu thuyền neo đậu, các thuyền viên ở yên trên tàu để lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả âm tính mới được cho lên bờ, đến nơi tập trung để trú bão.

UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu các quận lập các tổ xung kích, tập trung giúp đỡ các hộ thuộc diện F1, F2;  đảm bảo cơ sở vật chất nơi sơ tán vừa chống dịch, vừa chống bão; cho phép các cơ sở điện, nước, sửa chữa xe được hoạt động trở lại để phục vụ người dân. Trung đoàn 971 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng huy động gần 50 cán bộ, chiến sĩ vào “vùng đỏ” ở Q.Thanh Khê giúp dân chằng chống nhà cửa, ưu tiên giúp đỡ nhà có hoàn cảnh neo đơn, người già, phụ nữ và trẻ em. 

Ông Hồ Thuyên - Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê - cho hay người dân đang đi cách ly có thể gọi về yêu cầu chính quyền địa phương giúp chằng chống nhà cửa nếu thấy nhà mình không an toàn: “Mình giao cho UBND phường cùng công an, dân phòng đến kiểm tra từng nhà trong “vùng đỏ”. Đa số nhà dân kiên cố, chỉ có vài trường hợp xập xệ”.

Mưa bão, nhưng lực lượng bám chốt vẫn làm nhiệm vụ chống dịch. Theo thượng tá Lê Văn Lực - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Đà Nẵng, các chốt vẫn triển khai lực lượng dừng phương tiện để kiểm tra giấy đi đường, QRCode ra vào thành phố, kiểm soát phương tiện có hành vi từ đường nhỏ chạy vào đường chính.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, cơn bão số 5 đã gây mưa lớn trên diện rộng ở TP.Đà Nẵng, kết hợp với mưa lớn từ đầu nguồn đổ về sông Hàn gây ngập lụt cục bộ, gãy đổ cây xanh trên rất nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội nên việc khơi thông các cống rãnh, cắt tỉa, chằng chống cây xanh chưa được thực hiện.

Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, người dân vừa lo chằng chống nhà, vừa lo tàu thuyền trú tránh, lại lo dịch tràn vào đảo vì huyện này chưa từng có ca mắc COVID-19. Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND H.Lý Sơn - cho biết có khoảng 10 tàu, thuyền với 44 lao động ở tỉnh khác vào vũng neo đậu để tránh trú bão. Chính quyền huyện đã giao trách nhiệm cho bộ đội biên phòng và y tế lên phương án phòng, chống bão và chống dịch COVID-19. Lực lượng chức năng đã giám sát, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, nếu dương tính thì đưa đi điều trị, âm tính thì cách ly tập trung cho đến khi hết bão.

“Di dân tại chỗ”

Ở các tỉnh miền Trung, các ca F1 đang ở trong khu cách ly, có lực lượng hỗ trợ nên rất an toàn. Thế nhưng, việc đưa các gia đình thuộc diện F2 ở vùng xung yếu đi tản cư trước lúc bão đổ bộ thì chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Ông Nguyễn Tam - Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế - nói: “Tôi nghĩ, nếu bắt buộc di dời các hộ dân diện F2, F3 thì di dân tại chỗ theo hướng xã nào ở xã đó. Trước khi bão đổ bộ, dứt khoát phải đưa ngư dân lên bờ, tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè, chòi canh”. 

 

Tổ phản ứng nhanh của CDC H.Phong Điền, lội nước đưa các F1 tại xã Phong Hòa đi cách ly tập trung - ẢNH: THUẬN HÓA
Tổ phản ứng nhanh của CDC H.Phong Điền, lội nước đưa các F1 tại xã Phong Hòa đi cách ly tập trung - Ảnh: Thuận Hóa

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng để phòng, chống dịch COVID-19 giữa mùa mưa bão, các xã đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải quán triệu phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng, chống lụt bão”. Ông nói thêm: “Hiện tại, rất nhiều xã đang phải giãn cách, phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19 nên công tác phòng, chống bão lụt gặp nhiều khó khăn hơn so với các năm trước, ví dụ như việc điều động lực lượng đi hỗ trợ chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, thu hoạch hải sản nuôi trồng, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly”.

Còn theo ông Trương Xuân Tý - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam - việc ứng phó với thiên tai trong tình hình dịch bệnh đòi hỏi các địa phương phải thật sự quan tâm để giảm thiểu thiệt hại kép”. Theo đó, các địa phương ở trong vùng nguy cơ thiên tai cần chuẩn bị công cụ, trang thiết bị, thuốc men chống dịch cho ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và các lực lượng tham gia công tác này. 

Ông nói: “Chúng tôi đã lập phương án sơ tán dân phù hợp, bằng cách xen ghép và tại chỗ, hạn chế tối đa việc sơ tán ra khỏi các chốt. Do đó, các địa phương phải rà soát số lượng các nhà kiên cố, đánh giá mức độ an toàn của các cơ sở y tế cách ly tập trung, sẵn sàng huy động nhu yếu phẩm cũng như vật tư y tế trong lúc xảy ra thiên tai, có danh sách lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai. Ngành y tế cần xét nghiệm nhanh cho lực lượng phòng, chống thiên tai cũng như người dân tại các vùng có nguy cơ thiên tai, ưu tiên tiêm vắc-xin cho họ”.

Đại diện chính quyền các địa phương của tỉnh Quảng Nam cho rằng, khi thiên tai xảy ra, giao thông giữa các vùng sẽ bị đứt gãy. Nếu xuất hiện F0 tại vùng bị thiên tai thì công tác điều trị sẽ vượt tầm của trung tâm y tế địa phương. Do đó, rất cần sự chủ động từ ngành y tế, như việc xét nghiệm, truy vết cũng như tăng cường nhân lực cho các nơi này. 

Nhóm phóng viên miền Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI