Miền Trung ứng phó mưa bão bất thường ra sao?

29/08/2024 - 06:12

PNO - Dự báo mùa mưa năm nay sẽ kéo dài, lượng mưa lớn hơn và số cơn bão cũng nhiều hơn. Mưa bão kéo theo lũ lụt và sạt lở đất, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Các tỉnh thành miền Trung đã khẩn trương lên phương án ứng phó.

Dân sống trong lo sợ

Người dân sống tại khu vực Bốt Đỏ (xã Phú Vinh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nơm nớp lo sạt lở núi. Tại đây, các vết lở ở chân núi đồi đã có sẵn nên đất đá có thể đổ xuống khu dân cư bất cứ lúc nào. Ngoài ra, những vết nứt gãy cũng đã xuất hiện, nếu mưa bão dài ngày có thể gây nguy hiểm đến 23 hộ dân ở đây. Chỉ tay về ngọn núi cao với nhiều vết sạt lở phía sau lưng nhà, bà Nguyễn Thị Liễu (thôn Phú Thành, xã Phú Vinh) cho biết, tình trạng sạt lở đã diễn ra nhiều năm nay khiến gia đình bà hết sức lo lắng. Mỗi khi nghe đài báo có mưa lớn kéo dài, cả nhà lại đóng gói đồ đạc, sẵn sàng sơ tán đến nơi an toàn.

Đà Nẵng tăng cường xử lý các điểm sạt lở, ngập úng đô thị - ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Đà Nẵng tăng cường xử lý các điểm sạt lở, ngập úng đô thị - Ảnh: Lê Đình Dũng

Cùng chung tâm trạng, chị Phạm Thị Thủy - sống tại khu tái định cư chợ Bốt Đỏ, xã Phú Vinh - cho biết, những ngày mưa gió, vợ chồng chị không dám ngủ, chỉ chờ chính quyền yêu cầu là sơ tán ngay.

Theo thống kê của UBND huyện A Lưới, trên địa bàn hiện có 18 điểm có nguy cơ sạt lở ở các vùng núi đồi và sông suối với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 4 điểm xung yếu, ảnh hưởng đến gần 200 hộ dân. Đáng chú ý là tại thôn Tru Phỉ, xã Hồng Thủy, trên đỉnh núi cao đã xuất hiện nhiều vết nứt sâu, rộng, dài hàng trăm mét.

Tại Nghệ An, ông Lay Văn Thoa (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) nói, chỉ cần vài trận mưa lớn, nước sông Nậm Nơn dâng cao, chảy cuồn cuộn, lại dọa “nuốt chửng” cả ngôi nhà ông. “Mưa lớn là phải dậy chứ không dám ngủ, sợ nhà trôi xuống sông. Lo lắm, nhiều người bỏ đi chỗ khác ở rồi, nhưng tui không có tiền mua đất, đành phải ở đây” - ông Thoa nói.

Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh - cho biết, xã có đến 90% diện tích đồi núi nên nguy cơ lũ ống, sạt lở đất mùa mưa lũ rất cao. Đến nay, phần lớn các hộ dân sống ở mép sông Nậm Nơn, triền núi, có nguy cơ lở cao đã được bố trí đất tái định cư. Nhưng vì chưa đủ điều kiện dựng nhà nên nhiều gia đình vẫn phải tiếp tục bám nơi ở cũ. Chính quyền cũng chỉ khuyến cáo người dân sẵn sàng di dời đến các trường học hoặc nhà người thân ở tạm khi có mưa lớn.

Huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở đất. Địa hình chủ yếu là đồi núi cao, dốc thẳng đứng, nên hễ mưa lớn là sạt lở. Mỗi năm thiên tai “cuốn trôi” hàng trăm tỉ đồng của huyện nghèo này. Ông Thò Bá Rê - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - cho biết, không chỉ người dân mà cả chính quyền cũng chỉ còn cách vừa sống vừa “canh trời để chạy”. Toàn huyện hiện có 9 điểm đã và đang có nguy cơ sạt lở núi rất cao, nhiều điểm núi đã xuất hiện các vết nứt lớn, đe dọa hơn hàng trăm hộ dân sống dưới chân núi.

Chính quyền chủ động ứng phó

Ông Trần Lý Sơn - Chủ tịch UBND xã Phú Vinh - cho biết, để đảm bảo an toàn cho dân, khắc phục tạm thời tình trạng sạt lở tại khu vực chợ Bốt Đỏ, chính quyền địa phương đang tích cực triển khai thực hiện công trình khắc phục sạt lở, sẽ san gạt hơn 7.890m3 đất, với tổng kinh phí 495 triệu đồng. Bên cạnh đó, địa phương cũng chủ động các phương án phòng chống thiên tai, tuyên truyền, vận động người dân di dời đến nơi an toàn khi mưa lũ. Về lâu dài, UBND huyện A Lưới chủ trương di dời các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đến khu quy hoạch tại xã Quảng Nhâm.

Sạt lở núi ở xã Phú Vinh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế - ẢNH: THUẬN HÓA
Sạt lở núi ở xã Phú Vinh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Thuận Hóa

Theo thống kê, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 70 điểm nguy cơ sạt trượt đất, lũ quét, gây ảnh hưởng đến đời sống của 5.000 hộ dân. Ông Hồ Văn Ngưm - Phó chủ tịch UBND huyện A Lưới - thông tin, tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện diễn biến ngày càng phức tạp. Để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão, trước mắt huyện chú trọng tuyên truyền và tổ chức di dời bà con đến các điểm an toàn khi có mưa bão xảy ra.

Trong mùa mưa bão năm nay 2024, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn để đối phó với lũ quét, sạt lở đất với khoảng 4.700 hộ, 15.800 nhân khẩu. Ông Đặng Văn Hòa - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh - cho biết, các địa phương đã cập nhật, rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở để cắm biển cảnh báo, nhất là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao như Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền…

Chủ động trữ thực phẩm, hàng hóa

Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa… trong những ngày mưa bão, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành kế hoạch dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền. Dự kiến thời gian thực hiện từ ngày 15/8 - 15/12/2024. Tổng giá trị hỗ trợ là 200 triệu đồng, từ nguồn ngân sách.

Còn ông Thò Bá Rê cho hay, nhiều xã vùng sâu ở huyện biên giới Kỳ Sơn thường xuyên bị cô lập do sạt lở đất lấp đường độc đạo. Để chủ động ứng phó, huyện đề nghị các xã phải tích trữ lương thực, thực phẩm dự phòng. UBND huyện cũng đang phối hợp với các sở, ban ngành khảo sát, hoàn thành bản đồ khoanh vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét. Theo kế hoạch, đến năm 2030, Nghệ An sẽ cơ bản hoàn thành việc lập bản đồ khoanh vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét, có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nhằm kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho cơ quan quản lý và người dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, trên địa bàn hiện có 447 vị trí đã và đang có nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở đất, uy hiếp đến sự an toàn của người dân, trường học, đường giao thông… Để chủ động phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản, đơn vị này đề nghị chính quyền các địa phương phải chuẩn bị sẵn phương án, kịch bản ứng phó và kiên quyết sơ tán người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng khi có dấu hiệu bất thường.

Đối phó ngập úng, bảo vệ ngư dân

Ông Võ Tấn Hà - Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng - cho biết, thành phố đã xác định được 10 điểm thường xảy ra ngập úng và 124 điểm có khả năng xảy ra ngập úng khi mưa lớn, đã tham mưu UBND thành phố ban hành kịch bản ứng phó. Theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các đơn vị phải hoàn thành công tác nạo vét cửa thu, mương thu và cống thoát nước trước ngày 31/8.

Sở Xây dựng Đà Nẵng đang ráo riết kiểm tra hoạt động các trạm bơm, kịp thời hạ mực nước trong các hồ điều tiết xuống mức thấp nhất trước mỗi trận mưa. Ở các khu dân cư thấp trũng, phải chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm di động để xử lý kịp thời.

“Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thuộc tỉnh Quảng Nam trong việc vận hành các hồ, đập đầu nguồn để điều tiết khi có lũ cho khu vực huyện Hòa Vang; giám sát chặt chẽ việc vận hành các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn; nghiên cứu phương án chia cắt, điều tiết lũ trên sông” - ông Hà cho hay.

Còn tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo vận hành các hồ thủy lợi, thủy điện an toàn, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Tỉnh này cũng vừa đề nghị Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trang bị 1 tàu cứu nạn chuyên dụng, chạy được trong điều kiện sóng, gió cấp 7, cấp 8 để phục vụ cho việc cứu hộ, cứu nạn.

Lê Đình Dũng

Thuận Hóa - Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI