Miền Trung tiếp tục trắng trời mưa lũ

18/10/2023 - 07:37

PNO - Mưa lớn dài ngày khiến nhiều tỉnh, thành ở miền Trung bị ngập nặng, nước lũ chia cắt nhiều vùng. Người dân miền Trung vừa đang oằn mình khắc phục hậu quả của mưa lũ, vừa phập phồng lo ứng phó với đợt lũ kế tiếp.

Đồ đạc bị nhấn chìm, hoa màu bị úng

Trưa 16/10, mưa vừa tạm dứt, bà con ở xóm Đảo, làng Thủ Lễ 2, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế liền tranh thủ chèo ghe đi mua thức ăn về dự trữ cho đợt lũ tới.

Mưa lớn nhiều ngày liền gây ngập đường Nam Trân, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Theo dự báo, tình trạng này vẫn tiếp diễn - Ảnh: Lê Đình Dũng
Mưa lớn nhiều ngày liền gây ngập đường Nam Trân, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Theo dự báo, tình trạng này vẫn tiếp diễn - Ảnh: Lê Đình Dũng

Ngồi bên thềm nhà, ông Nguyễn Lợi thở dài lo lắng. Ông và con gái đầu là Nguyễn Thị Thanh (21 tuổi) bị mù bẩm sinh. Bà Hồ Thị Bầm - vợ ông - cũng vừa mổ mắt nên chỉ 1 mắt còn thấy đường. “Mấy bữa ni, nhờ hàng xóm thương tình chèo ghe tới cho đồ ăn chứ nhà tui không còn gì hết” - ông Lợi nói. Mưa vừa dứt, bà Bầm vội chạy ra đậy mấy thùng phuy chứa nước mưa dự trữ.

Không chỉ xóm Đảo mà toàn xã Quảng Phước đã bị ngập lụt đến ngày thứ sáu. Trung tá Trương Anh - Trưởng Công an xã Quảng Phước - thông tin, nước lũ chia cắt nhiều tuyến đường nên bà con phải chèo ghe, thuyền đi mua lương thực, thực phẩm.

Quân đội hỗ trợ di dời người dân ở khu vực cống Khe Cạn, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng do ngập sâu - Ảnh: Lê Đình Dũng
Quân đội hỗ trợ di dời người dân ở khu vực cống Khe Cạn, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng do ngập sâu - Ảnh: Lê Đình Dũng

Mưa lớn khiến cánh đồng trồng hơn 5ha cây nưa ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền bị ngập úng cả tuần nay. Xót của, nhiều người dân rủ nhau đội mưa vớt nưa. Ông Nguyễn Thuyền tiếc nuối: “Chỉ cỡ nửa tháng nữa là vô vụ thu hoạch mà giờ như ri (thế này) thì bà con coi như trắng tay”. Ông Trần Kìm - Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ - cho biết, đợt mưa lớn kéo dài này 30 - 50% hoa màu hư hại.

Đến trưa 16/10, mưa vẫn liên tục trút xuống TP Đà Nẵng. Bà Phan Thị Lệ - ở hẻm 57/20 Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu - không biết nên dọn nhà hay cứ để vậy bởi đài dự báo 2 ngày tới, vẫn còn mưa lớn và lũ dâng: “2 năm nay, lũ miết. Năm nay tưởng đỡ hơn, ai dè nước lên gần bằng năm ngoái”. Bà vừa nói, vừa chỉ vào vết ngập nước trên tường nhà, cao ngang cổ. Khi nước tràn vào nhà, vợ chồng bà chỉ kịp ôm đứa cháu đi gửi, đồ đạc bị nước lũ nhấn chìm hết. Hàng trăm nhà dân ở đường Mẹ Suốt đều chung cảnh bị hư hại tài sản giống bà Lệ khi đi tránh lũ.

Vùng hạ du sông Bồ đoạn qua xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngập sâu - Ảnh: Thuận Hóa
Vùng hạ du sông Bồ đoạn qua xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngập sâu - Ảnh: Thuận Hóa

Tình trạng ngập úng cũng làm hư hại khoảng 7,1ha rau của làng rau La Hương, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, tổng thiệt hại quy ra tiền khoảng 100 triệu đồng.

Trong những ngày này, bộ đội biên phòng đồn Phú Lộc (thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng) đã phối hợp với Hội LHPN phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê tổ chức nấu và trao hơn 250 suất ăn cho người bị ảnh hưởng của mưa lũ. Hội LHPN quận Liên Chiểu cũng hỗ trợ các suất ăn, gạo, mì tôm cho các hộ trong vùng bị ngập lụt.

Sẵn sàng ứng phó tình trạng lũ chồng lũ

Trong đợt mưa lũ lần này, UBND TP Đà Nẵng lần đầu tiên cảnh báo thiên tai cấp độ 4 và huy động gần như tổng lực để di dời dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Ở quận Liên Chiểu - nơi có nền đất thấp nhất thành phố - các lực lượng vũ trang, thanh niên xung kích đã dùng mọi phương tiện đưa người đến nơi trú tránh an toàn, đồng thời bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân. 

Xóm Đảo, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập 6 ngày liền, giao thông bị chia cắt - Ảnh: Thuận Hóa
Xóm Đảo, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập 6 ngày liền, giao thông bị chia cắt - Ảnh: Thuận Hóa

Ngoài các lực lượng có mặt ở hiện trường, các cấp, ngành cũng cắt cử người trực điện thoại, mạng xã hội 24/24 giờ để sẵn sàng điều quân hỗ trợ người dân. Trong 2 ngày 13 và 14/10, chính quyền các cấp đã sơ tán 6.835 người. 

Dự báo những ngày tới, mưa lũ vẫn phức tạp. Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng -  yêu cầu UBND các quận, huyện, lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, có phương án sơ tán thêm các hộ dân nếu thấy cần thiết, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho người dân.

Theo thống kê mới nhất, tỉnh Quảng Nam có 93 điểm có nguy cơ cao về sạt lở, tập trung ở các huyện miền núi.  Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết, đã chỉ đạo hệ thống chính trị cấp xã, thôn trực 24/24 giờ, cấm người dân qua lại các sông suối, nếu mưa lớn vẫn tiếp diễn thì sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. 

Xã Phong Chương, huyện Phong Điền là rốn lũ của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chính quyền xã và người dân đang đối mặt với nguy cơ lũ chồng lũ trong những ngày tới. Thôn Lương Mai của xã Phong Chương có 341 hộ với hơn 1.400 nhân khẩu, trong đó 2/3 số hộ nằm trong vùng trũng thấp. Ban nhân dân thôn đã thành lập 6 tổ phòng, chống bão lụt, mỗi tổ do 2 người phụ trách. UBND xã cũng yêu cầu người dân đưa thực phẩm lên nơi cao trong nhà, không được đi ghe ra đồng đánh bắt cá.

Người dân ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế lội nước vớt nưa - Ảnh: Thuận Hóa
Người dân ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế lội nước vớt nưa - Ảnh: Thuận Hóa

Ông Đặng Văn Hòa - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, ban đã xây dựng kịch bản di dời 11.548 hộ dân với tổng số 43.241 nhân khẩu ở vùng xung yếu, thấp trũng, sạt lở đến nơi ở an toàn. Đây là phương án dự phòng cho trường hợp bão từ cấp 12 trở lên kết hợp với mưa lớn kéo dài từ 4-5 ngày gây lũ lụt trên diện rộng. Ban cũng dự trù nhiều phương án như hỗ trợ người dân bằng đường không, đường sắt, đường bộ. 

Có khả năng xảy ra lũ quét, trượt lở đất

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia - nhận định, sau ngày 17/10, mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp, tình trạng ngập úng vẫn tiếp diễn. Trong thời gian tới, khu vực miền núi - đặc biệt là các tỉnh Kom Tum, Gia Lai - có khả năng xảy ra lũ quét và trượt lở đất. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp vùng áp thấp hiện tại mạnh thêm, gây ra các hiện tượng gió giật mạnh ở ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định.

Theo bản tin lúc 9 giờ ngày 17/10 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 17 đến 19/10, trên các sông ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2 - 6m, hạ lưu từ 1 - 3m. Nguy cơ sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ tại vùng trũng thấp ven sông và các khu đô thị từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Thuận Hóa - Đình Dũng - Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI