Miền Trung thiếu trầm trọng bác sĩ y tế cơ sở

15/06/2024 - 06:11

PNO - Dù có nhiều chính sách thu hút, nhưng tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện vẫn có gần 70 trạm y tế không có bác sĩ. Nguyên do: các bác sĩ trẻ không mặn mà với tuyến cơ sở, trong khi nhiều bác sĩ đang làm việc thì đã và sắp về hưu.

Không có bác sĩ, khó đủ đường

Sau khi thăm khám, y sĩ Hoàng Thị Thương - Quyền trưởng Trạm Y tế xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh - đã tư vấn cho 1 nữ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Chị cho biết, bác sĩ của trạm đã nghỉ hưu, nên từ hơn 1 năm nay, hễ có người bị đau ốm đến trạm, nếu không nằm trong lĩnh vực chuyên môn của các y sĩ thì buộc phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

“Nhiều trường hợp tuy mình có kinh nghiệm, nhưng không nằm trong chuyên môn, thì cũng phải chuyển tuyến để đảm bảo an toàn” - y sĩ Thương nói.

Trang thiết bị khám chữa bệnh còn thiếu thốn là một trong những nguyên nhân khó thu hút bác sĩ trẻ về trạm y tế xã công tác
Trang thiết bị khám chữa bệnh còn thiếu thốn là một trong những nguyên nhân khó thu hút bác sĩ trẻ về trạm y tế xã công tác

Trước thực trạng trên, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Vũ Quang đã cắt cử 1 bác sĩ về Trạm Y tế xã Đức Lĩnh làm việc 2 ngày/tuần. Tuy nhiên, bệnh nhân khá đông, ngày nào cũng có, nên mỗi tuần chỉ 2 ngày có bác sĩ là không đáp ứng được nhu cầu, cho nên nhiều bệnh nhân vẫn phải chuyển lên tuyến trên.

Tương tự, Trạm Y tế xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã vắng bóng bác sĩ gần 30 năm qua. Ông Nguyễn Trường Lâm - Giám đốc TTYT huyện Hương Khê - cho biết, xã Phú Phong gần trung tâm huyện, hễ có chuyện gì cấp bách, người dân có thể đi thẳng lên bệnh viện huyện, nên việc phân bổ nhân lực đang ưu tiên cho các xã vùng sâu.

Việc thiếu bác sĩ tại cơ sở không chỉ gây khó khăn trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, mà còn khiến công tác phòng, chống các dịch bệnh khó đạt hiệu quả. Biết thế nhưng cũng không còn cách nào khác, vì không những tuyển không được mà những năm gần đây, một số bác sĩ có chuyên môn giỏi, đang làm việc ở TTYT huyện Hương Khê cũng xin nghỉ việc để ra làm ngoài với mức đãi ngộ cao hơn.

Với hàng chục bệnh viện công và tư trên địa bàn, việc thu hút bác sĩ về trạm y tế làm việc tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An ngày càng nan giải. Khi có nhiều lựa chọn, các bác sĩ đều chọn làm việc cho bệnh viện lớn để trau dồi kinh nghiệm, tìm cơ hội thăng tiến chứ không chọn “yên phận” nơi cơ sở.

Ông Hoàng Thế Tùng - Giám đốc TTYT TP Vinh - cho biết, đơn vị vẫn tuyển dụng bác sĩ, nhưng không có người nộp hồ sơ. 3 năm qua, TTYT TP Vinh chỉ tuyển được 1 bác sĩ về làm việc tại Trạm Y tế phường Quán Bàu. Dù đã tăng cường bác sĩ của đơn vị và Bệnh viện Đa khoa TP Vinh xuống làm việc, nhưng hiện vẫn còn 10 trạm y tế xã, phường chưa có bác sĩ.

Bác sĩ Phan Thị Thu Trang cho biết chị chọn làm việc tại Trạm Y tế phường Quán Bàu là để gần gũi và có thời gian chăm sóc cho gia đình. Chị nói: “Các bạn cùng lớp với tôi hầu như đều chọn vào các bệnh viện lớn để làm việc và trau dồi nghề nghiệp. Chỉ có mình tôi là về trạm y tế”.

Bác sĩ Phan Thị Thu Trang chọn về trạm y tế làm việc vì muốn có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình
Bác sĩ Phan Thị Thu Trang chọn về trạm y tế làm việc vì muốn có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình

Có chính sách hỗ trợ, vẫn lo “trắng” bác sĩ ở xã

Khó tuyển dụng, lại chưa có cơ chế ưu đãi đủ mạnh để giữ chân bác sĩ có chuyên môn so với các bệnh viện tư, nên nhiều địa phương đang lo không có bác sĩ ở trạm y tế trong thời gian tới.

Ông Đặng Tân Minh - Giám đốc TTYT huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An - cho biết, phải mất hàng chục năm “tích góp” từ nhiều nguồn như tuyển dụng, cử đi học… thì đơn vị mới cơ bản có đủ bác sĩ. Nhưng hiện nhiều bác sĩ đã lớn tuổi, khoảng 5 năm nữa thì tình trạng bác sĩ ở tuyến cơ sở lại thiếu trầm trọng.

“Trong 10 năm qua, TTYT huyện Quỳ Châu chỉ tuyển được chưa đến 10 bác sĩ, phần lớn nguồn nhân lực là do cử đi đào tạo. Nhưng giờ không còn cử tuyển mà phải thi tuyển, nên sẽ càng khó” - ông Minh lo lắng.

Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã có một số chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2022-2025 với các chính sách ưu đãi. Trong đó, các bác sĩ đa khoa, bác sĩ y khoa được tuyển dụng về công tác tại trạm y tế tuyến xã sẽ được hỗ trợ 180-330 triệu đồng tùy vào xếp loại kết quả tốt nghiệp và trường đào tạo.

Ngoài ra, bác sĩ làm việc tại trạm y tế xã, phường, thị trấn còn được hỗ trợ 1,5 triệu đồng người/tháng. Thế nhưng, đến nay toàn tỉnh vẫn còn 37 trạm y tế xã, phường, thị trấn chưa có bác sĩ.

Cũng thế, từ năm 2015 đến nay, Nghệ An đã chi hơn 450 triệu đồng hỗ trợ cho 23 bác sĩ về trạm y tế xã công tác; hỗ trợ đào tạo cho 217 lượt y sĩ đang làm việc tại các trạm y tế học liên thông lên bác sĩ với kinh phí gần 3 tỉ đồng; ký hợp đồng với hơn 100 lượt bác sĩ đã nghỉ hưu về các trạm y tế xã với gần 5,4 tỉ đồng, nhưng toàn tỉnh hiện vẫn còn 30 trạm y tế chưa có bác sĩ.

Đại diện Sở Y tế Nghệ An cho biết, để kịp thời bổ sung bác sĩ cho tuyến xã, nâng cao tỉ lệ xã có bác sĩ, mỗi năm đơn vị đều cử luân phiên khoảng 50 bác sĩ từ tuyến huyện xuống xã. Đồng thời, tiếp tục ký hợp đồng với các bác sĩ đã nghỉ hưu tại trạm y tế.

Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh - cho biết, tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã, hiện chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị khám chữa bệnh hiện đại nên càng khó thu hút bác sĩ có chuyên môn giỏi, bác sĩ trẻ mới ra trường. Dù tỉnh có chính sách thu hút nhưng cơ sở vật chất không đảm bảo để họ phát triển được chuyên môn thì cũng rất khó, rất ít người mặn mà về tuyến cơ sở làm việc.

Theo ông Đức, công tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn về y tế cho tuyến cơ sở hiện cũng gặp rất nhiều trở ngại, khiến tình trạng khan hiếm bác sĩ càng thêm khó giải. Cụ thể, trước đây, y sĩ muốn học lên bác sĩ có thể cử tuyển thì nay phải thi đầu vào và học kéo dài trong 6 năm.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI