Vùng chuyên trồng rau trơ bùn
Vùng rau sạch xã Quảng Thành (thương hiệu rau sạch Hóa Châu), H.Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa được quy hoạch đưa vào tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chưa được bao lâu thì lũ chồng lũ gần nửa tháng nay. Hàng chục héc-ta rau đang đến kỳ thu hoạch của hơn 500 hộ dân đã tan hoang sau lũ. Ông Nguyễn Hợi - ở thôn Thành Trung, xã Quảng Thành - buồn rầu: “Lụt làm ba sào rau của gia đình tôi mất trắng, thiệt hại khoảng 15 triệu đồng. Bây giờ, giá rau tăng lên rất cao nhưng toàn vùng này không ai có để bán”.
|
Vùng chuyên canh rau xanh xã Quảng Thành, H.Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị lũ nhấn chìm, hầu hết rau hư hại |
Năm nay, bà con trồng rau ở Quảng Thành đã thâm canh liên tục để có nguồn cung trong mùa mưa, nhưng chỉ trong vài ngày lũ, nhiều héc-ta rau sạch ở đây đã bị xóa sổ. Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch UBND xã Quảng Thành - thông tin làng rau của xã Quảng Thành có diện tích khoảng 70ha, đã hình thành trên 100 năm. Vùng trồng rau này là nơi cung ứng rau sạch, hoa và các loại nông phẩm nổi tiếng cho cả tỉnh Thừa Thiên - Huế và lân cận. “Tại xã, có xưởng sơ chế rau với công suất từ 300-400kg/ngày. Làng rau bị thiệt hại do mưa lũ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá cả rau xanh ở tỉnh và cả các vùng lân cận” - ông Khoa nói.
Tương tự, qua bốn đợt lũ, xã Triệu Tài, H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại 126ha rau màu. Khu vực trồng rau công nghệ cao của Hợp tác xã Đông Triều cũng chết sạch hàng ngàn gốc mướp đắng, dưa lưới, dưa leo và ớt. “Chưa bàn đến giá cả, vùng lũ bây giờ không có rau xanh mà ăn. Bình thường, số rau của bà con đủ để cung ứng cho cả xã và các địa phương bạn nhưng bây giờ bị lũ làm hư hại hết” - ông Phan Trung Thành, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Tài, thông tin.
Tại tỉnh Quảng Bình, vùng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cũng bị lũ tàn phá, nhiều gia đình trắng tay, nợ nần. Hôm nay, người dân ở vùng này tranh thủ lúc nước lũ rút bớt để mót rau sạch dùng tạm. Ông Nguyễn Hữu Túy - chủ một hộ đi đầu trong việc trồng rau trên núi cát ven biển Quảng Bình - cho hay mưa lũ đã làm gần 2ha rau màu bị dập nát. Rau muống, cà chua, bí đỏ, rau lang… bị nước mưa làm thối quả, nát ngọn, gió bão thổi đất, cát vùi lấp giàn mướp đắng, giàn dưa lê đang vào mùa thu hoạch. Hệ thống nhà lưới làm bằng sắt thép kiên cố khoảng một tỷ đồng cũng bị gió bão bẻ gãy cong, sập đổ.
Tại thôn Kéc, xã Hòa Trạch, H.Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nông dân Lê Đình Quả đang vay vốn mua lại sắt thép, lưới, bạt sửa chữa trang trại. Anh Quả cho hay, trước lũ, trang trại rau xanh mướt, đẹp như tranh vẽ nhưng sau bão, không còn lại gì.
Mưa lớn liên tiếp khiến vùng trồng rau sạch lớn nhất ở TP.Đà Nẵng bị mất trắng, người nông dân thiệt hại nặng nề. Nằm bên bờ sông Cẩm Lệ, La Hường (thuộc P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ) là vùng trồng rau an toàn lớn nhất TP.Đà Nẵng với diện tích gần 9ha, hơn 40 hộ sản xuất, cung cấp rau cho các chợ, siêu thị của thành phố. Mưa lớn kéo dài khiến toàn bộ diện tích trồng rau ở đây bị ngập lụt, hư hại hoàn toàn.
Ông Trần Văn Hoàng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau an toàn La Hường - cho biết vụ vừa rồi, bà con chủ yếu gieo trồng các giống rau ngắn ngày như rau lang, rau muống, mồng tơi, rau quế, mướp… Do mưa lớn nhiều ngày khiến mực nước sông Cẩm Lệ dâng lên nhanh, bà con không kịp thu hoạch nên thiệt hại rất nặng nề. 100% diện tích vùng trồng rau sạch La Hường không thu hái được gì.
Chợ Bà Hoa không có rau để bán
Do bão, lũ liên tiếp ở miền Trung nên các loại rau đặc sản do khu vực này cung cấp cho thị trường TPHCM cũng khan hiếm. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ngày 22/10, tại chợ Bà Hoa (P.11, Q.Tân Bình, TPHCM), nhiều loại rau, củ đang tăng giá khá mạnh.
Trước đây, sạp rau của dì Hai Cưng - bán rau từ làng rau Trà Quế (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) luôn đầy ắp các loại rau thơm với hơn 20 loại, nhân viên các nhà hàng đến lấy rau tấp nập. Thế nhưng, khoảng mười ngày trở lại đây, cả sạp chỉ còn vài loại húng cây, diếp cá, ngò gai, hành. Chủ sạp cho biết, các loại rau này không phải mua từ Quảng Nam mà từ Quảng Ngãi. Lý do là rau ở Trà Quế đã bị ngập úng, chết sạch phải vài tháng nữa mới có rau trở lại. Rau Hội An nổi tiếng thơm ngon nên nhiều nhà hàng ưa chuộng, nay đổi qua rau thu mua từ Quảng Ngãi nên tiểu thương tạm thời bị mất mối.
“Lúc trước, do dịch COVID-19, xe khách hạn chế lưu thông, nhiều tiểu thương gom tiền mướn xe tải vận chuyển đưa rau vào đây. Giờ bớt dịch, xe lưu thông bình thường thì lại không có rau để bán, nông dân khổ mà tiểu thương cũng khổ” - dì Hai Cưng rơm rớm nước mắt.
Chị Trang - chuyên bán các loại hành, tỏi, gừng, sả từ Huế, Lý Sơn chuyển vào - cho biết do mưa bão, sản lượng kém nên giá các loại này đều tăng gần gấp đôi. Cụ thể, hành ngày thường có giá từ 30.000-50.000 đồng/kg (tùy loại) nhưng nay đã tăng lên 80.000 đồng/kg; gừng từ 65.000 đồng/kg tăng lên 100.000 đồng/kg; tỏi Lý Sơn nhiều tép từ 150.000 đồng/kg tăng lên 180.000 đồng/kg; sả từ 20.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg…
Các điểm bán đồ khô như tỏi, hành, củ nén, đậu, cá khô, tép khô… từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đưa vào nay cũng ít hàng hơn trước. Tiểu thương cho biết, trước đây, mỗi tuần có 2-3 lần hàng về, hết hàng là hôm sau lại có ngay, nhưng khi xảy ra bão lũ, hàng về chậm hơn 2-3 ngày và lượng hàng cũng giảm hơn 50%.
Rau đắt hơn thịt cá, quán ăn không có rau xanh
Theo ghi nhận của chúng tôi, do rau xanh khan hiếm và tăng giá, nhiều quán ăn ở tỉnh Thừa Thiên - Huế phải chế biến món ăn “ứng phó” với tình trạng không có rau xanh. Tại một quán cơm gần bến xe du lịch Nguyễn Hoàng (TP.Huế), nhiều thực khách ngỡ ngàng khi món canh chua chỉ được nấu bằng khế và măng chứ không có rau xanh. Chủ quán giải thích: “Bây giờ, rau xanh đắt hơn cả thịt cá, phải tạm ứng phó như vậy mới trụ nổi chứ lấy rau xanh thì giá bán đội lên, mất khách”.
Hiện nay, tại các tỉnh ngập lũ ở miền Trung, giá các loại rau, củ, quả đều tăng cao. Cụ thể, tại tỉnh Hà Tĩnh, giá cà chua loại ngon 40.000-50.000 đồng/kg, xà lách 80.000 đồng/kg, rau cải 20.000 đồng/bó, bí xanh, cải thảo 28.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lượng rau tại các chợ rất ít. Tiểu thương cho biết, giá rau đã tăng khoảng một tuần nay, rau ăn lá tăng gấp đôi, rau ăn củ, quả tăng nhẹ hơn. Đặc biệt, rau cải xanh tăng giá mạnh và khan hàng nhất.
Tiểu thương bán rau tại chợ đầu mối Bãi Dâu (P.Phú Hậu, TP.Huế) cho biết, sau mấy đợt mưa lũ liên tiếp, giá rau tươi cao hơn ngày thường: xà lách 50.000-60.000 đồng/kg, khổ qua 30.000 đồng/kg, đậu cô ve 30.000 đồng/kg, rau muống, mồng tơi 15.000 đồng/bó nhỏ.
Một tiểu thương chợ Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Có loại rau tăng giá gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Rau xanh, ớt tươi, dưa leo tại chợ chủ yếu nhập từ Đà Lạt, Gia Lai, Đắk Lắk chứ rau trồng trong tỉnh hư hết rồi”. Đi chợ từ sớm để mua rau về bán quán ăn, chị Huỳnh Thị Thương - ở P.Đông Lễ, TP.Đông Hà - lắc đầu: “Sau lũ, phải bon chen, giành giật từng bó rau. Bữa nay, rau đỡ khan hiếm nhưng giá vẫn cao mà chủng loại thì không đa dạng, đặc biệt là quá hiếm rau thơm. Khách vô ăn cháo lươn cứ hỏi rau nhưng bây giờ rau tăng giá gấp 3-4 lần, làm sao mua nổi, mà muốn mua cũng khó”.
Chị Nguyễn Thị Năm - tiểu thương chợ thị xã Quảng Trị - nói: “Mấy ngày nay, tôi phải đi từ 2-3g sáng mới có đủ hàng để bán. Giá đắt đỏ quá, ăn bữa rau cũng ngang bữa cá rồi, thấy tội người mua nhưng giá lấy cao thì phải bán cao thôi”.
Nhóm phóng viên