|
Có mặt tại thôn Tân An ,xã biển Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) trong sáng 11/9, phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM nhận thấy công việc di dời các hộ dân đang sinh sống ở khu vực sát biển đang được triển khai khẩn trương |
|
Theo thống kê nhanh từ xã Phú Thuận có 40 hộ dân cần được di dời để tránh bão số 5 có thể đổ bộ vào xã này |
|
Đặc biệt Công an xã Phú Thuận cùng chính quyền đến từng hộ tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết tự nguyện di dời. Công tác di dời bà con, tài sản khỏi vùng nguy hiểm đã được triển khai ngay trong sáng 11/9. |
|
Ngoài ra, mỗi khu vực dân cư tại xã Phú Thuận còn tổ chức lực lượng xung kích để tham gia hỗ trợ người dân chằng chống, bảo vệ nhà cửa; chú ý quan tâm đến các nhà có người đang là F0, F1 đang phải đi điều trị hoặc cách ly tập trung |
|
Bên cạnh đó, Bí thư Chi bộ đến từng hộ tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết tự nguyện di dời |
|
Trung tá Trần Văn Hoàng, Trưởng công an xã Phú Hải (huyện Phú Vang), cho biết những địa phương khác cũng đang gấp rút triển khai phương án di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, có phương án bảo vệ các công trình trọng điểm. Tại một số địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 thì thực hiện “4 tại chỗ”, một số trường hợp buộc di dời thì đảm bảo nguyên tắc 5K của ngành y tế. |
|
Còn tại xã Phú Hải, huyện Phú Vang, gần 50 tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã được kêu gọi vào bờ tránh trú bão và được sắp xếp bến bãi cho ngư dân neo đậu đảm bảo an toàn |
|
Lực lượng chức năng hướng dẫn, phối hợp với gia đình chủ tàu triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho số phương tiện của ngư dân đang thực hiện cách ly tập trung |
|
Lực lượng công an và biên phòng ở hai xã Phú Thuận, Phú Hải, huyện Phú Vang tiếp tục thông tin cho những phương tiện đang còn hoạt động trên biển di chuyển thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão |
|
Theo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, lực lượng công an gấp rút triển khai các phương án phòng chống bão. 100% cán bộ chiến sĩ tham gia ứng trực tại đơn vị, sẵn sàng trước các tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra dọc tuyến biển đi qua các xã Phú Hải, Phú Thuận, Vinh Xuân... huyện Phú Vang. |
|
Bà con thôn Tân An, xã Phú Thuận nhanh chóng di chuyển đồ đạc đi tránh bão số 5 đổ bộ vào đất liền |
|
Những địa phương khác cũng đang gấp rút triển khai phương án di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, có phương án bảo vệ các công trình trọng điểm |
|
Trong sáng nay, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã đến các xã Vinh Hưng, Vinh Hiền - nơi đang phải áp dụng các biện pháp giãn cách phòng chống dịch COVID-19 nên công tác phòng chống bão lụt gặp nhiều khó khăn hơn so với các năm trước |
|
Qua thực địa, ông Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo huyện Phú Lộc khẩn trương triển khai phương án di dời dân tại các vùng xung yếu để đảm bảo an toàn, làm việc với Sở Công thương để có kế hoạch thu mua thủy sản cho bà con, đảm bảo hai mục tiêu: phòng chống dịch và phòng chống bão lụt |
|
Hiện tại, nhiều nơi ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đang mưa rất to khiến công tác di dời dân và chống bão số 5 gặp nhiều khó khăn |
|
Việc chằng chống nhà cửa của người dân đang gặp nhiều khó khăn do trời mưa mỗi lúc một nặng hạt |
Clip: Người dân thôn định cư vùng sạt lở bờ biển xã Quảng Công, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) chằng chống nhà cửa chuẩn bị đón bão số 5
Tại Quảng Nam, mưa lớn kéo dài khiến lượng nước từ thượng nguồn đổ về ngày càng lớn. Một số thôn của huyện Phước Sơn đã bị cô lập. Theo ông Hồ Công Điểm, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, hiện các xã đang huy động lực lượng để di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong ngày 11/9, 260 hộ với gần 1.000 nhân khẩu sẽ được Phước Sơn di dời đến nơi an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ.
|
Mưa lớn kéo dài, nhiều thôn ở huyện Phước Sơn đã bị cô lập cục bộ |
“Cái khó nhất của Phước Sơn là hiện nay tuyến đường từ Phước Kim đi Phước Thành và Phước Lộc xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nước lớn, việc lưu thông rất khó khăn, nguy hiểm và đã xuất hiện tình trạng cô lập cục bộ. Rất may là trước đó địa phương đã kịp chuyển 14 tấn gạo dự trữ đến 3 xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc”, ông Hồ Công Điểm nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết qua kiểm tra thực tế công tác ứng phó với cơn bão số 5 tại huyện Phước Sơn vào sáng 11/9 đã ghi nhận nước lũ đổ về từ đầu nguồn đang rất lớn. Tại xã Phước Kim, nước lũ đã làm trôi ngầm tạm, gây cô lập hoàn toàn 76 hộ dân với hơn 250 nhân khẩu là đồng bào Giẻ Triêng.
|
Hiện tại, huyện Phước Sơn đang di dời 260 hộ với gần 1.000 nhân khẩu đến nơi an toàn để tránh trú. Các phương tiện cơ giới sẵn sàng thực hiện thông đường mỗi khi xảy ra sạt lở |
Theo ông Hồ Văn Thương, Phó chủ tịch UBND xã Phước Kim, chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân không được tự ý ra khỏi nhà, tuyệt đối không được băng qua dòng nước lũ để di chuyển. “UBND xã Phước Kim sẽ dùng tời để vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm tiếp tế cho các hộ dân bị cô lập. Hiện nay xã cũng đã di dời 40 hộ có nguy cơ sạt lở đến trú tạm tại nhà làng và trường học. Đảm bảo không còn hộ dân nào ở vùng nguy hiểm khi bão xảy ra”, ông Thương thông tin.
Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết lượng mưa lớn khiến nước đầu nguồn đổ về mạnh, hiện đang cô lập 26 hộ với gần 200 nhân khẩu ở thôn 3. Cũng theo ông Phức, xã có 103 hộ phải di dời khẩn cấp. Lực lượng công an, dân quân đã được phân công đứng điểm tại các vị trí xung yếu để không cho người dân qua lại. Ngoài ra, các lực lượng của xã cũng đang giúp 469 nhân khẩu di dời đến nơi an toàn.
|
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, yêu cầu chính quyền huyện Phước Sơn khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn muộn nhất vào 16g ngày 11/9 |
Hiện tại, UBND tỉnh Quảng Nam đã có các công điện khẩn để hướng dẫn người dân tránh trú, chuẩn bị ứng phó với bão số 5. Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, cũng như giúp những ngư dân ngoại tỉnh về tránh bão, UBND tỉnh đã sắp xếp các khu ở tạm cho ngư dân các nơi vào trú tránh.
“Địa phương bố trí chỗ ở riêng biệt cho ngư dân ngoại tỉnh cách ly cho đến lúc hết bão để họ tiếp tục ra khơi. Nếu ngư dân ở lại nhiều ngày sẽ được triển khai xét nghiệm COVID-19”, ông Hồ Quang Bửu cho hay.
Từ 17g ngày 10/9, Quảng Nam cũng cấm mọi hoạt động trên biển. Tất cả chủ tàu và ngư dân đã nhận được thông báo về diễn biến và hướng đi của bão để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và tránh trú an toàn.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết đã có Công văn số 1816/SGDĐT-VP về việc cho học sinh nghỉ học để phòng tránh bão số 5. Theo đó, học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ chiều 11/9 để phòng tránh bão lũ.
Tại Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ban hành công điện khẩn yêu cầu triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng.
Riêng huyện Lý Sơn, Bình Sơn thông báo và không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 12g ngày 11/9 để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6).
Các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi được dự báo bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp. Tổ chức di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, kiểm tra điều kiện an toàn tại các nơi sơ tán tập trung; rà soát công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại cơ sở, nhất là nơi có nguy cơ cao bị chia cắt, cô lập. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ người dân khi có yêu cầu.
Lực lượng chức năng tiếp tục nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại). Đồng thời rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để neo đậu an toàn.
Tuyệt đối không để người lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn. Trong đó lưu ý việc tàu vận tải biển, tàu cá ngư dân neo đậu khu vực cửa Sa Cần, vùng biển Dung Quất phải đảm bảo an toàn.
Đối với công tác ứng phó mưa, lũ, sạt lở đất, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.
Cơ quan chức năng Quảng Ngãi dự báo, ngày và đêm nay vùng biển Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn) có gió cấp 7-8, giật cấp 9, sau có gió bão mạnh dần lên cấp 8-9, giật cấp 10-11; sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển có gió cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9. Đặc biệt chú ý huyện Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi; trên đất liền có gió cấp 4-5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.
Thuận Hóa - Nguyễn Dương - Thanh Vạn