Miền Trung “nóng” với tình trạng bạo lực học đường

18/05/2023 - 06:29

PNO - Trong chưa đầy 1 tháng, ở 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, đã xảy ra 12 vụ bạo lực học đường khiến 2 học sinh tử vong. Đáng nói, trong 12 vụ trên, có cả trường hợp hiệu trưởng đánh hiệu phó nhập viện.

Học sinh đoạt mạng bạn trong tích tắc

Giữa tháng Năm, chúng tôi đến căn hộ thuộc dãy nhà A, chung cư Bãi Dâu, phường Phú Hậu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi hơn 1 tháng trước, người thân đã đưa em H.V.G.B. từ đây đến nơi yên nghỉ sau cùng. Nhìn di ảnh con trên bàn thờ, nước mắt ông H.V.T. cứ chảy dài: “Mỗi khi đi học về, cháu chạy xuống bếp bắc nồi cơm. Giờ đây, gia đình tôi không còn cháu nữa rồi. Đau quá chú ơi. Cả tháng nay, tôi buồn nên nghỉ việc để lo hương khói cho con”.

Các buổi sinh hoạt chuyên đề trong khuôn khổ dự án xây dựng trường học hạnh phúc ở TP Huế giúp học sinh hiểu hơn về bạo lực học đường, xâm hại tình dục - ẢNH: THUẬN HÓA
Các buổi sinh hoạt chuyên đề trong khuôn khổ dự án xây dựng trường học hạnh phúc ở TP Huế giúp học sinh hiểu hơn về bạo lực học đường, xâm hại tình dục - Ảnh: Thuận Hóa

Ông H.V.T. kể, G.B. là con thứ ba trong gia đình 4 chị em. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên cứ đến hè, G.B. lại cùng các bạn nhỏ ở khu tái định cư Bãi Dâu vào trung tâm TP Huế bán lạc rang để phụ giúp gia đình. Vợ chồng ông H.V.T. làm nghề chở nước đá thuê hoặc ai thuê gì làm đó. Năm nay, G.B. không còn sống đến mùa hè để đi bán lạc rang cùng các bạn.

H.V.G.B. là học sinh lớp Sáu, Trường THCS Lý Tự Trọng, phường Phú Hậu, TP Huế. Khoảng 8g30 sáng 4/4, G.B. đi mua thạch dừa ăn, sơ ý để nước thạch dừa chảy vào tay nên chùi vào tường của lớp. N.V.Th. - bạn cùng lớp của G.B., cùng ở dãy nhà A, chung cư Bãi Dâu - nói: “Tau làm vệ sinh mệt, sao mi ăn chùi tay bẩn vô tường rồi bắt người khác dọn?”. Hai bên lời qua tiếng lại, Th. xông bóp cổ rồi xô G.B. ngã, đập đầu vào bàn học. Nghe học sinh báo, 2 giáo viên của trường đã đưa G.B. đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu nhưng em đã không qua khỏi.

3 ngày sau, ở xã Ba Lòng, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị, cũng xảy ra vụ học sinh đâm chết bạn. Theo Công an tỉnh Quảng Trị, khoảng 15g chiều 7/4, nhóm 4 học sinh Trường THPT Đakrông đã cùng N.V.Q. - học sinh Trường THCS Krông Klang - chạy xe máy đến Trường tiểu học và THCS Ba Lòng. N.V.Q. vào trường, ném mũ bảo hiểm vào người L.A.Q. - học sinh lớp Chín trường này. L.A.Q. đã dùng dao thủ sẵn trong người đâm vào vùng ngực khiến N.V.Q. chết tại chỗ. Điều đáng nói là cả nạn nhân lẫn người gây án đều là học sinh người dân tộc thiểu số, thuộc diện gia đình khó khăn. 

Kiên trì xây dựng trường học an toàn, thân thiện

Ngày 3/4, Trường đại học Sư phạm Huế (thuộc Đại học Huế) đã tổ chức hội nghị chuyên đề quốc tế về trường học hạnh phúc với chủ đề “Có thể học được kỹ năng kiến tạo hạnh phúc không”. 

Dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, mô hình trường học hạnh phúc được ngành giáo dục và cả xã hội quan tâm. Theo ông, trường học hạnh phúc là nơi mà tất cả thành viên đều cảm thấy mỗi ngày đến đó là một ngày vui, giáo viên xem đó là nhà, xem học sinh là con em mình. Khi môi trường giáo dục thực sự thân thiện, an toàn, mọi người cảm thông, chia sẻ thì sẽ có hạnh phúc.

Các áp lực, căng thẳng, mâu thuẫn, bạo lực xảy ra ở mọi cấp học cho thấy không dễ để xây dựng được trường học hạnh phúc. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế - cho biết, bạo lực học đường xảy ra nhiều ở lứa tuổi THCS bởi đây là độ tuổi mới lớn, dậy thì, đang có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chất và tâm lý. Các em rất thích thể hiện, bốc đồng, chưa có sự nhất quán trong suy nghĩ và hành vi, nhận thức không theo kịp tốc độ phát triển của thể chất và tâm lý. 

“Để giảm thiểu bạo lực học đường, cần tuyên truyền nhiều hơn ở lứa tuổi học sinh trung học thông qua các giờ chào cờ, buổi nói chuyện của các chuyên gia. Ngoài ra, gia đình phải thực sự quan tâm tới những thay đổi, hoạt động hằng ngày, bạn bè, biểu hiện tâm lý của các em. Chính những điều này sẽ giúp phụ huynh giải quyết hoặc cùng nhà trường kịp thời động viên, chia sẻ, ủng hộ, trao tình yêu thương để các em giảm bớt áp lực, thay đổi suy nghĩ, hành vi” - tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng nói. 

“Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã có nhiều văn bản gửi các trường học về phòng ngừa bạo lực học đường, tổ chức nhiều buổi tập huấn cho đội ngũ tư vấn học đường về phòng ngừa bạo lực. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng quy chế để chấn chỉnh, giảm thiểu bạo lực học đường, trong đó yêu cầu đoàn, đội đẩy mạnh công tác tuyên truyền”.

Ông Phan Hữu Huyện - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị

Thành lập ban phòng, chống bạo lực ở mỗi trường học

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, hơn 1 năm nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vận hành ban phòng, chống bạo lực học đường ở mỗi đơn vị, do thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm trưởng ban và thành viên là trưởng các đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp, công an địa phương, đại diện cha mẹ học sinh. 

Các ban này phân công rõ trách nhiệm của các thành viên để thực hiện hiệu quả. Các ban phải thường xuyên theo sát tình hình quản lý, giáo dục học sinh, quan tâm các học sinh yếu thế, học sinh chưa ngoan để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp. Các ban chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vụ bạo lực học đường một cách công khai, nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Các ban này cũng thiết lập kênh thông tin về bạo lực học đường, như hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát, trang mạng xã hội để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường.

Cần sự hiểu biết và bao dung của người thầy

Có gần 31 năm giảng dạy và làm chủ nhiệm lớp ở 6 trường THPT trong tỉnh Thừa Thiên - Huế, từng chứng kiến và xử lý nhiều vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài phạm vi trường học, thầy Nguyễn Vũ - giáo viên môn sử, Trường THPT chuyên Quốc học Huế - cho rằng, căn nguyên của bạo lực học đường là do hoàn cảnh gia đình. 

Thầy Nguyễn Vũ đúc kết, bạo lực học đường sẽ bị triệt tiêu nếu cả gia đình, nhà trường và xã hội cùng vào cuộc mạnh mẽ
Theo thầy Nguyễn Vũ, bạo lực học đường sẽ bị triệt tiêu nếu cả gia đình, nhà trường và xã hội cùng vào cuộc mạnh mẽ

Theo ông, nếu cha mẹ, người thân thường xuyên cãi vã to tiếng hoặc bạo hành nhau, con cái sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý, nhận thức. Trẻ sẽ bị nhiễm cách ứng xử đó và áp dụng với người khác, nhất là với bạn bè cùng trang lứa. Cũng có trường hợp phụ huynh không đủ khả năng giáo dục các con; khi gặp vấn đề, họ thường đổ lỗi. Cũng có trường hợp phụ huynh có địa vị xã hội, nhiều tiền, khi con cái hư hỏng thì “lái” giáo viên chủ nhiệm dạy con theo định hướng của mình.

Thầy Nguyễn Vũ cho rằng, việc tuyên truyền, quản lý về bạo lực học đường thời gian qua vẫn nặng tính hô hào, nói để “vuốt đuôi nhau” chứ chưa có biện pháp, cách làm cụ thể; việc xử lý các vụ bạo lực học đường rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe, tạo cảm giác dung túng cho hành vi bạo lực: “Theo tôi, phải mạnh tay với những trường hợp gây bạo lực như từ hạ hạnh kiểm xuống hạng yếu hoặc buộc cho thôi học để răn đe”. Ông cũng cho rằng, việc cần làm nhất để giải quyết gốc rễ của vấn đề này là xây dựng môi trường sống thân ái, có văn hóa trong mỗi gia đình.

Về phía người thầy, theo ông ngành sư phạm phải lựa chọn đầu vào là những sinh viên giỏi chứ không phải “chuột chạy cùng sào, mới vào sư phạm”. Thu nhập và vị thế nghề giáo cũng cần được nâng cao. Khi thầy, cô có trình độ, năng lực, kiến thức, tư duy, có tình yêu thương học trò và không bị ràng buộc bởi chức vụ, lợi ích kinh tế thì tiếng nói nhà giáo sẽ có trọng lượng, học sinh sẽ quý trọng và nghe lời khuyên của thầy cô. 

Thầy Nguyễn Vũ đúc kết, bạo lực học đường sẽ bị triệt tiêu nếu cả gia đình, nhà trường và xã hội cùng vào cuộc mạnh mẽ. Khi học sinh không muốn học, không muốn đến trường, không muốn nghe thầy cô giảng dạy mà chỉ muốn quấy rối, quậy phá, tụ tập đánh nhau thì phụ huynh nên định hướng cho học sinh đó một nghề nghiệp tương lai để theo học. Phụ huynh đừng vì danh dự, chức tước, bổng lộc, vì mối quan hệ xã hội của mình mà níu kéo, tạo áp lực buộc giáo viên phải bênh vực, bảo vệ con mình. 

Đối với nạn nhân của bạo lực và người gây bạo lực, việc trở lại lớp học là một thử thách lớn về tâm lý. Do đó, giáo viên chủ nhiệm phải xóa bỏ thành kiến, bệnh thành tích để quan tâm sâu sát mọi hành vi, cử chỉ, thái độ, dành tất cả tình thương của người thầy cho các em, xây dựng khối đoàn kết trong lớp, tránh phân biệt đối xử với các em. “Từng xử lý nhiều vụ học sinh đánh nhau, kinh nghiệm của tôi là gặp riêng từng em để tìm hiểu nguyên nhân mâu thuẫn, phân tích đúng sai, ổn định tâm lý và định hướng cách ứng xử đúng cho cả 2 phía. Ngăn ngừa, xử lý bạo lực học đường đều phải bằng cái tâm trong sáng, yêu nghề mến trò dựa trên nền tảng tri thức vững chắc của người thầy” - ông chia sẻ. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI