Miền Trung nín thở trước bão số 9

28/10/2020 - 06:17

PNO - Người dân miền Trung lúc này đã chằng chống xong nhà cửa, đào hầm chờ cơn bão số 9 đổ bộ. Chính quyền các tỉnh, thành miền Trung đã cắt cử lực lượng hỗ trợ dân, đồng thời ra thông điệp cứng rắn với những người không chịu di dời đến nơi an toàn.

Người dân giúp nhau tải bao cát sẵn sàng đối phó bão số 9
Người dân giúp nhau tải bao cát sẵn sàng đối phó bão số 9

Quảng Nam: Đào hầm chống bão

Đang cột chặt bao cát để cậu con trai kéo lên chèn lại mái tôn, cụ Nguyễn Nhì - ở khối Phước Tân, phường Cửa Đại, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam - cho biết từ hôm 26/10, cụ cùng các thành viên trong gia đình liên tục theo dõi thông tin trên loa phát thanh của phường để cập nhật diễn biến bão số 9.

Không kịp chuẩn bị cát, hai anh em ông Tâm - ở đường Cửa Đại, phường Cửa Đại - bơm nước vào hàng chục chiếc bao để chèn lên mái nhà. Theo ông Tâm, đây là giải pháp mang tính cấp bách vì không còn thời gian để gia cố bài bản.

Các quận, huyện ven biển và vùng xung yếu được yêu cầu di dời tài sản, tàu bè của người dân lên bờ và vào vùng an toàn. - Ảnh: Đình DŨNG
Các quận, huyện ven biển và vùng xung yếu được yêu cầu di dời tài sản, tàu bè của người dân lên bờ và vào vùng an toàn - Ảnh: Đình Dũng

Trưa 27/10, ông Lê Lời - ở khối Phước Trạch, phường Cửa Đại - dùng xe kéo vận chuyển quạt máy, ti vi và một số thiết bị khác trong căn nhà xập xệ của mình sang gửi nhà hàng xóm. Ông Lời nói: “Chiều nay, cả gia đình tôi phải sơ tán để tránh rủi ro. Thôi, cứ làm được cái gì hay cái nấy chứ biết sao. Ở Hội An, đa số nhà mái ngói, không chèn chống chi được. Không biết có qua nổi cơn bão không đây” - ông Lời thở dài. 

Tại xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, từ 8g sáng 27/10, 96 hộ dân của thôn Long Thạnh Tây đã được cán bộ xã, công an, dân quân tự vệ, bộ đội Sư đoàn 315, Quân khu 5 và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Núi Thành đưa đến nhà văn hóa xã ở bên kia sông trú ẩn.

Hạ thấp dây thông tin, giảm tải cho cột điện nhằm đảm bảo an toàn
Hạ thấp dây thông tin, giảm tải cho cột điện nhằm đảm bảo an toàn

Người dân nuôi cá lồng bè cũng gấp rút chạy đua với cơn bão. Anh Nguyễn Văn Hiền - nuôi cá lồng bè ở sông Tam Kỳ - nói: “Đợt lũ vừa qua làm hư hỏng 5-6 lồng bè, gây thiệt hại cho tôi hơn 100 triệu đồng. Rút kinh nghiệm, đợt này tôi neo chắc lồng bè vào các gốc cây lớn, sau đó lên bờ tránh bão”.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có 288 hộ nuôi cá với 2.190 lồng bè, trong đó 250 lồng bè còn cá, tập trung chủ yếu tại TP. Hội An và huyện Núi Thành. Đến nay, các lồng bè đã neo đậu ở vùng kín gió.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết: “Hiện có hơn 172.000 dân tại các bãi ngang, ven biển đã được đưa đến nơi an toàn. Chúng tôi sẽ làm tất cả để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản”.

Đưa người dân đến nơi an toàn trú bão
Đưa người dân đến nơi an toàn trú bão

Theo ông Bửu, có ba kinh nghiệm phòng, chống bão đang được áp dụng: đầu tiên, di tản người kịp thời, hợp lý; thứ hai, điều tiết các công trình thủy điện và hồ chứa nước hợp lý, an toàn; thứ ba, làm hầm trú bão ở các vùng cát. Tại xã ven biển Bình Minh, huyện Thăng Bình, có hàng trăm hộ đã di dời khẩn cấp trước khi bão số 9 đổ bộ nhưng cũng có một số người đào hầm để tránh trú bão.

Anh Phạm Tuấn, xã Bình Minh, cho biết do căn nhà đã xuống cấp nên để đảm bảo an toàn, anh cùng một số người thân đào hầm sâu 1,6m, rộng khoảng 3m để mười người trong gia đình tránh bão số 9 tạm thời. “Các năm trước, khi nghe tin có bão lớn, người dân đã làm cách này”. 

Hầm trú bão của ông Phạm Ngọc Diện ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Hầm trú bão của ông Phạm Ngọc Diện ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Đình Dũng

Thừa Thiên - Huế: Di dời 18.000 hộ dân

Ngày 27/10, đã có 3.100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân được huy động về các huyện thị Quảng Điền, Hương Trà, A Lưới, Phú Vang để hỗ trợ người dân ứng phó bão số 9. 

Tàu đánh cá ở biển Thuận An ngược sông Hương vào phố để tránh bão
Tàu đánh cá ở biển Thuận An ngược sông Hương vào phố để tránh bão

Với phương châm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, các lực lượng đã giúp dân chằng chống nhà cửa, chặt cây, tỉa cành trên các trục đường chính. Tỉnh Thừa Thiên - Huế không chỉ lo chống bão mà còn chống lũ, khi dự báo sẽ có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt. Các địa phương đã lên kế hoạch, khẩn trương di dời 18.000 hộ ở vùng xung yếu. Các thủy điện, hồ chứa đã được lệnh điều tiết xả về mức đón lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. 

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - chỉ đạo: “Từ 21g ngày 27/10, người dân tuyệt đối không ra đường, lệnh cấm này duy trì đến khi bão số 9 tan. Riêng công nhân tại các xí nghiệp cũng sẽ không đổi ca trong thời gian này, cần thiết sẽ ở lại xí nghiệp, nơi an toàn để tránh trú bão. Tuyệt đối không để có thêm người dân nào chết trong bão, lũ”.

Đà Nẵng: Xử lý hình sự người không chịu di dời 

Từ chiều 26 đến ngày 27/10, khắp TP. Đà Nẵng, loa phát thanh liên tục cảnh báo, cập nhật tình hình bão và chỉ đạo phòng, chống bão của chính quyền. Trên bãi biển, dân quân và ngư dân hò nhau kéo thuyền thúng lên bờ úp lại. Trên đường phố, công nhân cưa trụi các cành cây có nguy cơ gãy đổ.

Nhiều khách sạn ở Đà Nẵng thuê xe tải trọng lớn đậu chắn trước cửa để chống gió bão
Nhiều khách sạn ở Đà Nẵng thuê xe tải trọng lớn đậu chắn trước cửa để chống gió bão

Tại các cửa hàng, mặt hàng dây thép, dây thừng, bao tải… bán không kịp. Ở nhà dân, các cửa kính đều được ràng buộc kỹ, đắp bao tải bên ngoài. Ông Nguyễn Ngọc Hoa - ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu - lo lắng: “Tui đã mua bao cát, dây thừng về chằng chống hết nhà cửa. Mình chằng cho kỹ rồi đến nhà người quen trú ẩn”.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho người dân, tuyệt đối không để người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền, trong các lán trại công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18g ngày 27/10; yêu cầu người dân rời khỏi các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Ai không chấp hành thì cưỡng chế, thậm chí xử lý hình sự. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 28/10.

Người dân tất bật đưa bao cát lên bảo vệ mái nhà
Người dân tất bật đưa bao cát lên bảo vệ mái nhà

Quảng Ngãi: Không ngủ để ứng phó bão số 9

Để chủ động, phòng, chống bão số 9, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấm tất cả tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 20g ngày 26/10, cho đến khi có thông báo mới.

Các chiến sĩ giúp dân chằng chống nhà cửa
Các chiến sĩ giúp dân chằng chống nhà cửa

Đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 9 tại Quảng Ngãi đã chỉ đạo: “Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân, trường hợp những người dân trong vùng nguy hiểm không chịu sơ tán thì phải cưỡng chế”. Phó thủ tướng đề nghị các đơn vị không ngủ để phòng, chống bão số 9.

Để ứng phó với bão số 9, dự kiến đổ bộ vào Quảng Ngãi, người dân nơi đây đã đổ xô đi mua dầu hỏa để tích trữ dùng thắp sáng và nấu ăn. 

Xe bọc thép đã được điều động, sẵn sàng ứng cứu dân
Xe bọc thép đã được điều động, sẵn sàng ứng cứu dân

Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/10. Hiện có tổng cộng 146.866 hộ với 571.746 nhân khẩu được sơ tán đến nơi an toàn. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế sơ tán 18.238 hộ với 63.768 người, TP.Đà Nẵng sơ tán 35.229 hộ với 140.868 người, tỉnh Quảng Nam sơ tán 37.169 hộ với 148.675 người, tỉnh Quảng Ngãi sơ tán 24.507 hộ với 94.269 người, tỉnh Bình Định sơ tán 23.673 hộ với 96.513 người, tỉnh Phú Yên sơ tán 8.050 hộ với 27.653 người.

 Nhóm phóng viên miền Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI