Miền Trung, nhiều nơi dân không còn tất tả chạy lũ

04/10/2024 - 06:39

PNO - Bao đời sống chung với lũ, người dân nhiều vùng rốn lũ ở miền Trung đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để bảo vệ người và tài sản. Những sáng kiến trong việc xây dựng nhà chống lũ, nhà phao, bè phao tránh lũ… đã phần nào giúp họ an tâm khi lũ về.

Ưu tiên xây nhà tránh lũ

Nước sông Lam rút, chị Nguyễn Thị Thủy - 50 tuổi, trú xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - cùng chồng đưa đàn gà từ trên nhà chòi tránh lũ xuống vườn. Chị nói rằng, tốn công một chút, song đó là cách để cả gia đình an tâm trong mùa mưa lũ.

Sống ở vùng rốn lũ ngoài đê sông Lam, chị Thủy đã quá quen với cảnh ngập lụt, nên bước vào mùa mưa là chị lo tích trữ sẵn lương thực, chất đốt, thức ăn cho gia súc, gia cầm, để sẵn sàng sống chung với lũ. “Quan trọng nhất vẫn là phải có nhà chòi chống lũ để đưa đồ đạc và gia súc, gia cầm lên khi nước dâng cao. Ở đây, hầu như năm nào cũng ngập lụt nên nhà ở có thể chưa xây nhưng không thể thiếu nhà chống lũ được” - chị Thủy nói.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Huệ đưa lúa và các đồ dùng lên nhà chòi cất trữ - ẢNH: phan ngọc
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Huệ đưa lúa và các đồ dùng lên nhà chòi cất trữ - ẢNH: phan ngọc

Xã Châu Nhân có hơn 1.100 nóc nhà nằm ngoài đê sông Lam, thường xuyên chịu cảnh ngập lụt. Để sống chung với lũ, những năm qua người dân ở đây đã tìm cách tôn nền nhà cao hơn 1m so với mặt đường, phía lưng nhà cũng được trổ những lỗ vuông để nước thoát nhanh và dễ làm vệ sinh nhà cửa.

Những làng quê nằm ven sông Lam thường được gọi vui là xóm “nhà lầu”, bởi dù giàu hay nghèo thì họ đều có nhà 2 tầng. Thực chất đó là nhà chòi chống lũ, gác 2 của căn nhà được thiết kế cầu thang rộng và vững chắc để dễ đưa gia súc, gia cầm, lương thực… lên cất trữ. Khi lũ về, nhà chòi trở thành phao cứu sinh cho người và gia súc, gia cầm.

Từng trải qua 3 trận lũ lịch sử, chị Trần Thị Chất - 58 tuổi, trú xã Châu Nhân - cho biết, vì nằm ngoài đê nên hầu như năm nào vùng đất này cũng vài lần bị ngập lụt. Mưa lớn 3 ngày liền là nước lũ có thể dâng lên 1,5 - 2m, biến vùng đất ven sông trở thành một hòn đảo.

Năm 1989, nước lũ về quá nhanh, quá lớn khiến nhiều gia đình không kịp trở tay, phần lớn nhà cửa, tài sản đều bị cuốn trôi. “Năm đó nước lũ lên nhanh, tôi chỉ kịp ôm con lên gác xép, còn chồng thì chèo thuyền đưa đàn heo lên đê tránh lũ. Nước lên cao quá, mẹ con tôi sau đó phải leo lên mái nhà” - chị Chất nhớ lại.

Kiểm tra chiếc thuyền gỗ mới mua để phục vụ đi lại khi nước lũ bủa vây, chị Chất nói, mùa mưa lũ năm nay được dự báo diễn biến khó lường, song họ không còn quá lo lắng khi đã sẵn sàng sống chung với lũ. Ngoài thuyền gỗ, tích trữ sẵn thực phẩm cho người, thức ăn cho trâu bò, đồ dùng sinh hoạt không quá cần thiết cũng được chị Chất đưa lên nhà chòi chống lũ. “Mấy năm nay không có lũ lớn, nhưng nếu có chúng tôi cũng không sợ” - chị Chất khẳng định.

Chị Nguyễn Thị Huệ - 56 tuổi, trú xã Châu Nhân - cho biết, nay người dân sống ngoài đê sông Lam thường thiết kế nhà chống lũ ngay trên nóc nhà bếp, công trình phụ… 5 năm trước, khi xây lại nhà, chị Huệ thiết kế nhà bếp cao 2,7m rồi đổ bằng, bên trên xây tường cao thêm khoảng 1m rồi lợp mái ngói, cầu thang được thiết kế rộng 1,5m bằng bê tông hướng thẳng từ chuồng trâu lên gác xép để tiện đưa trâu, heo lên khi có lũ.

“Ở dưới là nhà bếp và phòng ngủ, nếu không ra phía sau thì không ai biết phía trên là nhà chống lũ. Bây giờ phần lớn người dân đều làm kiểu này để tiết kiệm chi phí và quỹ đất. Khi có lũ, đưa trâu bò lên rất tiện, không phải dầm nước đưa chúng đi gửi khắp nơi như trước nữa” - chị Huệ nói.

Nước dâng thì nhà lên

Bao đời sống chung với lũ, người dân xã Điền Mỹ - nơi được xem là “túi đựng nước” của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để bảo vệ người và tài sản. Lấy ý tưởng từ những chiếc lồng bè nuôi trồng thủy sản, người dân xã Điền Mỹ sáng tạo ra nhà phao tự nổi để trú ẩn trong mùa mưa lũ.

Chị Đặng Thị Thu Hoài - ở xã Điền Mỹ - cho biết, sống ở vùng rốn lũ, nếu không chủ động phòng tránh thì thiệt hại là vô cùng. Nhà phao được lắp đặt cạnh nhà ở, bình thường được sử dụng như một nhà kho. Nhưng đến mùa mưa lũ là nơi tránh lũ, vượt lũ, nước lên đến đâu thì nhà nổi đến đó. Nhà phao rộng 10 - 25m2, được làm bằng khung thép, lợp tôn, đặt trên khoảng chục thùng phuy nhựa loại 200 lít. Khi lũ về, những thùng phuy này giúp nhà nổi lên theo con nước. Xung quanh nhà có 4 cột cố định cao 6 - 8m để giữ nhà không bị trôi dạt.

Nhà phao được người dân vùng rốn lũ Điền Mỹ lắp đặt ngay cạnh nhà ở để tận dụng làm kho chứa đồ và làm nơi tránh lũ - ẢNH: TÙNG HÀ
Nhà phao được người dân vùng rốn lũ Điền Mỹ lắp đặt ngay cạnh nhà ở để tận dụng làm kho chứa đồ và làm nơi tránh lũ - ẢNH: TÙNG HÀ

Ông Trần Tiến Chương - Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ - cho biết, nhà phao tự nổi là sáng kiến rất hữu hiệu giúp người dân vùng rốn lũ Điền Mỹ yên tâm trong mùa mưa lũ. Xã này đã có hơn 70 hộ gia đình làm nhà phao và 200 hộ có bè phao tránh lũ. Chi phí để làm nhà phao không quá lớn, khoảng 60-70 triệu đồng, phù hợp với nhiều gia đình chưa có đủ điều kiện xây nhà chống lũ kiên cố. “Chúng tôi đang vận động người dân làm nhà phao để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại về tính mạng và tài sản trong mùa mưa lũ” - ông Trần Tiến Chương nói.

Tại rốn lũ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nhà phao không còn đơn thuần là nơi giúp người dân tránh lũ, mà đã trở thành sản phẩm du lịch mùa lũ, thu hút du khách đến thăm và trải nghiệm. Rốn lũ Tân Hóa nằm trong một thung lũng xung quanh bao bọc bởi dãy núi đá vôi, thường xuyên bị ngập sâu khi mưa lũ về.

Nếu như trước đây, khi có lũ, người dân sẽ bỏ nhà để vào hang núi tránh lũ và nhìn tài sản của mình bị dòng nước cuốn trôi, thì nay họ đã an tâm sống trên những ngôi nhà nổi. Những năm gần đây, nhiều gia đình ở Tân Hóa còn liên kết với doanh nghiệp cải tạo nhà phao thành các homestay để phát triển du lịch cộng đồng. Với các homestay độc đáo này, họ có thể đón khách du lịch đến trải nghiệm ngay trong mùa mưa lũ. Năm 2023, Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao giải thưởng Làng du lịch văn hóa tốt nhất thế giới.

Ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa - cho biết, xã có 715 hộ dân thì hiện đã có 620 nhà phao. Trong đó, có 10 gia đình đang đón khách du lịch trải nghiệm homestay nhà phao, thu nhập 6-7 triệu đồng/hộ/tháng. Tuy nhiên, hạn chế của nhà phao là chỉ chứa được người và đồ dùng sinh hoạt, lương thực… chứ không chứa được gia súc.

Để khắc phục hạn chế này, xã đã quy hoạch các bãi đất bằng phẳng, rộng rãi trên các lèn đá để người dân di dời trâu bò khi lũ về. “Ngoài nhà phao, hiện phần lớn người dân cũng đã trang bị thuyền để tiện đi lại khi lũ về. Trước mùa mưa lũ, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con chuẩn bị sẵn lương thực, thuốc men… phòng lũ về đột ngột” - ông Trương Thanh Duẩn cho hay.

Nhà dã chiến tránh sạt lở đất

Năm 2020, UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã lắp đặt hơn 150 lều dã chiến làm nơi trú ẩn, tránh nguy cơ sạt lở đất cho gần 200 hộ dân ở xã Mường Típ và Mường Ải. Lều dã chiến được thiết kế bằng khung thép rộng 9m2, phía trên và xung quanh được phủ kín bạt. Ông Cụt Bá Nhâm - Chủ tịch UBND xã Mường Ải - cho biết, 20 lều dã chiến được lắp đặt ở trung tâm xã những năm qua đã nhiều lần giúp dân tránh lở đất.

Khi có mưa lớn kéo dài, xã sẽ vận động dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở ra những ngôi nhà tạm này để đảm bảo an toàn. Ngày thường, bạt được cất trong kho để tránh hư hỏng.

Ông Thò Bá Rê - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - cho biết, hơn 600 hộ dân ở huyện biên giới này đang thấp thỏm sống cạnh các điểm có nguy cơ sạt lở núi cao. Tuy nhiên, việc làm kè chống sạt lở ở những khu vực này rất khó vì kinh phí quá lớn, cũng rất khó tìm quỹ đất để di dời dân khi địa hình chủ yếu là đồi núi và khe suối. Bởi thế, lều dã chiến sẽ giúp dân hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của trong mùa mưa lũ.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI