Thừa Thiên -Huế: "Bão tốc tốc hết mái nhà rồi, mệ biết lấy tiền đâu làm lại"
Do ảnh hưởng bão số 4 đổ vào rạng sáng ngày 28/9 tại thôn Khánh Mỹ, xã Vĩnh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có hơn 100 ngôi nhà bị tốc mái.
Trong đó có hơn 20 nhà bị tốc mái hoàn toàn. Có mặt tại địa phương sau khi cơn bão đi qua phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM nhận thấy cây xanh, trụ điện gãy bít kín lối vào các xóm thôn Khánh Mỹ.
Thời điểm bão đổ bộ vào thôn Khánh Mỹ là lúc 11g30 khuya 27/9.
|
Bà Nguyễn Thị Năm ở thôn Khánh Mỹ ngói đè bị thương ở chân |
Là người dân của thôn Khánh Mỹ, bà Trần Thị Huệ may mắn thoát chết sau đêm bão nói rằng, bà sống tại đây gần 50 năm, đây là lần đầu tiên bà nhìn thấy cơn bão lớn như vậy. Nhưng cũng thật may mắn vì cả gia đình bà không ai bị thương dù nhà cửa tốc hết mái.
Hiện tại, đã có hơn 100 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường giúp dân dọn dẹp nhà cửa và đưa bà con đi lánh nạn ở những ngôi nhà khác an toàn trong thôn.
Tại nhà ông Đinh Khắc Nhuận, phóng viên ghi nhận nhà ông Nhuận đã bị sập hoàn toàn. Chị Đinh Thị Kiều con gái ông Nhuận cho biết, bố mẹ chị hiện sống cùng nhau, giờ nhà cửa sập không biết lấy tiền đâu mà làm nhà lại.
|
Bà Nguyễn Thị Mai khóc hết nước mắt vì nhà bị sập. "Tiền mô để mệ làm lại nhà con ơi", bà nức nở |
|
Bà Mai bật khóc trước căn nhà tan hoang sau bão |
Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra
Sáng 28/9 gần 150 cán bộ chiến sĩ, công an đã có mặt tại thôn Khánh Mỹ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang để giúp dân dọn dẹp nhà cửa sau bão.
|
Thôn Khánh Mỹ xã Vinh Xuân (Phú Vang) có 46 hộ/66 nhà bị tốc mái, hoàn toàn và 3 căn nhà bị sập. |
|
Từ sáng sớm Đại tá Võ Văn Nhân - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thừa Thiên - Huế đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo cán bộ chiến sĩ vào từng nhà dân bị thiệt hại do bão số 4 cùng lốc xoáy để giúp dân dọn dẹp nhà cửa. |
|
Ngoài ra, đồn Biên Phòng Vinh Xuân cùng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng điều động 52 cán bộ chiến sĩ về thôn Khánh Mỹ giúp dân khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra. |
|
Nhiều gia đình bị nhà sập đã được các bộ chiến sĩ giúp đỡ đưa bà con đến nơi ở an toàn. |
|
Một số chiến sĩ khác cùng nhau lợp lại mái nhà, giúp dân sớm ổn định cuộc sống. |
|
Tất cả công việc được cán bộ chiến sĩ triển khai rất khẩn trương. |
|
Thời gian khắc phục được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ sáng hôm nay (28/9), đến lúc ổn định cuộc sống người dân. | |
Hàng trăm nhà ở đảo Lý Sơn tốc mái, thiệt hại chục tỷ đồng
Sáng 28/9, Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trên đảo có khoảng 250 nhà dân bị tốc mái, dưới 30%. Các cơ sở thờ tự, công trình văn hoá bị tốc mái hư hại, ước thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
|
Nhà tốc mái trên đảo Lý Sơn |
|
Hư hỏng nhà do bão ở đảo Lý Sơn |
Tổng diện tích thiệt hại vụ hành hè thu 70 ha, tỉ lệ 100%, ước tính khoảng 37,5 tỷ đồng. Diện tích đất canh tác của người dân bị bồi lấp, chảy siết khoảng 30ha, gây thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng.
|
Hành bị thiệt hại gần 70ha |
Hệ thống cây xanh cảnh quan trên địa bàn huyện bị đổ gãy thiệt hại trên 70%. Ước thiệt hại 10 tỷ đồng. Kênh mương thoát nước nội đồng và một số tuyến mương bị phá vỡ, bồi lấp, ước thiệt hại 2 tỷ đồng.
Hệ thống giao thông đường cơ động phía đông nam đảo bị sóng đánh làm hư hỏng một số điểm cống thoát nước, bong tróc mặt đường. Đồng thời sóng lớn cũng đã đẩy một lượng đá sạn lên mặt đường làm ách tắc giao thông, thiệt hại 800 triệu đồng.
Trụ sở cơ quan, trường học bị tốc mái; hệ thống panô, áp phích và cổng chào trên địa bàn huyện bị ngã đổ, ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Hệ thống điện chiếu sáng công cộng, bị hư hỏng ước thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Tổng thiệt hại do bão số 4 gây ra tại đảo Lý Sơn ước tính khoảng: 62,8 tỷ đồng.
Hiện nay gió vẫn duy trì cấp 7, cấp 8.
Tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, 1 tàu bị chìm, 4 ngôi nhà tốc mái.
Sáng nay, ông Ung Đình Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, trên địa bàn huyện có 1 nhà bị sập hoàn toàn; 1 nhà bị hư hỏng nặng; 1 nhà bị tốc mái hoàn toàn.
|
Nhà ở xã Bình Hải huyện Bình Sơn bị hư hỏng nặng |
Trung tâm y tế huyện Bình Sơn bị tốc mái 5 tấm tôn; 13 hộ dân ở thôn Đông Lỗ bị nước ngập nền nhà.
Đà Nẵng: Cây lớn đổ la liệt sau bão do chưa cắt tỉa kịp
Bão Noru đổ bộ vào Đà Nẵng rạng sáng 28/9 gây gãy đổ hàng loạt cây xanh ở Đà Nẵng. Nguyên do là thành phố này chỉ mới cắt tỉa hơn 57% cây xanh.
Đến 9g30 sáng 28/9, bão Noru đã đi qua địa phận Đà Nẵng. Người dân bắt đầu ra đường dọn dẹp và sửa sang lại nhà cửa.
Theo ghi nhận, chưa có thiệt hại nào về người. Tuy nhiên, một lượng lớn cây xanh ở Đà Nẵng đã bị ngã đổ, gãy.
Tại tuyến đường Nguyễn Phước Lan, hàng loạt cây muồng tím rất lớn bị ngã đổ, gãy ngan ngác; phần lớn các cây bị gãy đều không được cắt tỉa.
|
Cây lớn ngã đổ ngan ngác do chưa cắt tỉa |
Theo báo cáo, Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng đã tổ chức cắt tỉa được 28.700/49.892 cây xanh (trong đó cây xanh loại 1: 25.314 cây, cây xanh loại 2: 23.690 cây, cây xanh loại 3: 888 cây). Khối lượng cắt tỉa đạt được 57,7% so với kế hoạch.
Theo quan sát của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, trên rất nhiều tuyến phố của Đà Nẵng đến thời điểm trước ngày bão vào vẫn chưa được cắt tỉa, cây cối rậm rạp. Rất nhiều người dân ngày đã phải tự tay ra chặt tỉa cây xanh trước nhà.
|
Nhiều người dân phải tự cắt tỉa cây xanh trước nhà |
|
Cây cối um tùm chưa được cắt tỉa |
|
Người dân Đà Nẵng dọn dẹp sau bão |
Quảng Nam: Lũ dâng, chia cắt Quốc lộ 1, “chặt đứt” nhiều tuyến đường
Sáng 28/9, trao đổi với PV Phụ Nữ TPHCM, thượng tá Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết do ảnh hưởng của bão Noru, khiến trên địa bàn tỉnh từ chiều 27 – 28/9 có mưa rất to. Mưa to hai ngày qua đã khiến tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn bị ngập sâu, gây chia cắt giao thông.
“Tuyến Quốc lộ 1 đoạn giáp ranh Phú Ninh và Thăng Bình đã ngập sâu. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, chúng tôi đã cho lực lượng các tổ chốt chặn hai đầu. Hiện mực nước ngập chưa sâu nên hiện tại chỉ cho một số xe tải qua lại, nhưng nước sâu hơn nữa sẽ cấm tuyệt đối luôn. Riêng xe máy và xe ô tô con đã cắt hẳn không cho qua lại nữa để đảm bảo cho người và phương tiện”, thượng tá Nhân nói.
Theo thượng tá Nhân, lực lượng chức năng chốt chặn hai đầu ngoài không cho các phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn thì bên cạnh đó để hướng dẫn các phương tiện lưu thông theo hướng khác, có thể là đi theo hướng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để tránh ùn tắc. Tại các khu dân cư trũng thấp ở xã Tam Đàn (H.Phú Ninh), nước tràn vào nhà khiến người dân phải di dời đồ đạc đến nơi khác để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, theo Sở GT-VT tỉnh Quảng Nam, ngoài tuyến Quốc lộ thì nhiều tuyến huyết mạch trên địa bàn các cũng bị “chặt đứt” đã cô lập. Theo đó, các tuyến đường qua xã Duy Sơn (H.Duy Xuyên) tuyến bị ngập sâu, gây chia cắt. Cụ thể, Quốc lộ 14H, nước ngập tại Km25+200 sâu 0,3m, phương tiện đi lại khó khăn. Quốc lộ 14D tắt đường tại Km2, Km3+200, Km16, nước ngập sâu 0,5m. Quốc lộ 40B, tắc đường tại Ngầm Sông Trường và Ngầm Nước Oa do ngập nước.
Hiện nay, tuyến đường sắt qua địa phận Quảng Nam nhiều nơi cây cối ngã, đổ băng qua đường sắt và sạt lở nhỏ tại đoạn km 877+550 - 877+630 (đoạn khu gian Tam Kỳ - Diêm Phổ). Ngoài ra, tại Km860+300, đoạn qua xã Tam Đàn (H.Phú Ninh) trụ điện gãy băng qua đường sắt, công ty cổ phần đường sắt đang liên lạc với điện lực địa phương để khắc phục.
|
Hội An lũ bắt đầu dâng cao |
Cập nhật thiệt hại bước đầu do bão số 4 gây ra Theo thống kê tới thời điểm hiện tại của ban chỉ đạo tiền phương cập nhật thiệt hại do bão số 4 đến 10g ngày 28/9/2022, có 4 người bị thương (Quảng Trị 4); 3 nhà bị sập (Quảng Trị: 2, Thừa Thiên - Huế: 1); 157 nhà bị hư hỏng, tốc mái (lớn nhất ở Quảng Trị 118 nhà). Tàu thuyền: Chìm 3 ghe nhỏ (Đà Nẵng 2, Quảng Nam 1). Điện lực: 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện (Quảng Nam: 4369, Đà Nẵng: 3340, Quảng Ngãi: 1718) và 15 xã bị mất điện (Kon Tum: 9 xã, Gia Lai: 6 xã). Hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp (Quảng Nam: 372, Đà Nẵng: 163). Thiệt hại khác: Đổ 1 trụ anten Trung tâm truyền thông thành phố Hội An (Quảng Nam); hư hỏng 2 đồn biên phòng (Quảng Nam),... Gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai... Một số nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện ngay: 1. Khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão: - Dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường phố để nhanh chóng khôi phục hoạt động và bảo đảm an toàn giao thông. - Khôi phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoạt để bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân. - Hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị sập đổ, tốc mái, hư hại; khắc phục nhanh các công trình công cộng (trường học, trạm y tế...) để bảo đảm điều kiện cho học sinh trở lại trường, nơi khám chữa bệnh cho người dân. - Khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân thời gian tới. 2. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ mưa lũ sau bão để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, sát với diễn biến thực tế, không để bị động, bất ngờ, không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác vì những năm gần đây bão không gây thiệt hại về người nhưng mưa lũ sau bão thì luôn có người bị thiệt mạng. 3. Tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. |
Thuận Hóa - Lê Đình Dũng - Nguyễn Dương - Thanh Vạn