Tính đến chiều 9/9, tỉnh Thanh Hóa có 6.673 tàu thuyền với khoảng 24.732 lao động. Hiện đã có hơn 6.000 tàu thuyền về nơi trú tránh bão an toàn, các tàu thuyền còn lại đã nhận được thông tin về cơn bão số 5 và đang tìm nơi trú tránh.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị ứng trực 24/24 giờ tại 270 hồ đập đã đầy nước, yêu cầu xả lũ nếu không an toàn; huy động toàn bộ lực lượng sẵn có giúp dân thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”…
|
Lực lượng Bộ đội biên phòng Nghệ An hỗ trợ tàu thuyền neo đậu trú bão |
Chiều ngày 9/9, ông Nguyễn Trường Thành, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đã lên các phương án để sẵn sàng phòng chống bão số 5. Lãnh đạo tỉnh và các ngành đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại các địa phương, yêu cầu các vùng ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở khẩn trương thực hiện công tác ứng phó với bão. Hiện toàn tỉnh đang gấp rút thu hoạch khoảng 20.000 ha lúa hè thu, trên 3.000 tàu thuyền đánh bắt trên biển thì phần lớn đã vào bờ, hiện còn khoảng 400 tàu đã nhận được tin bão và đang tìm nơi tránh, trú.
|
Tỉnh Nghệ An đã có trên 3.000 tàu thuyền đánh bắt trên biển thì phần lớn đã vào bờ |
Tại Nghệ An hiện đang có nhiều huyện, thị thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh giao Sở Y tế tham mưu tỉnh đề xuất Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể để thực hiện sơ tán dân nếu bão đổ bộ. Nhưng trước mắt, lãnh đạo tỉnh Nghệ An yêu cầu phải thực hiện nghiêm biện pháp 5K khi sơ tán dân, không tập trung quá đông người một chỗ, đảm bảo phòng, chống bão đi đôi với phòng, chống dịch COVID-19.
|
Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình kiểm tra công tác đối phó bão số 5 |
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Bình còn 199 phương tiện với hơn 1.400 lao động đang hoạt động trên các vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển miền Trung và ven bờ Quảng Bình. Các phương tiện đã nắm được thông tin bão, hiện đang trên đường vào bờ tránh, trú hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đến nay, đã có hơn 6.400 phương tiện vào neo đậu tại bến, cảng đảm bảo, lực lượng chức năng tiếp tục làm công tác sắp xếp tàu thuyền vào neo đậu tránh, trú, thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.
|
Một đoạn đường bị sạt lở tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) |
Trung tá Hồ Đức Minh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhật Lệ, TP. Đồng Hới cho biết, hiện nay các tàu thuyền đang vào khu neo đậu tránh, trú dọc sông Nhật Lệ và một số tàu thuyền nhỏ đã được kéo lên bờ; Bộ đội Biên phòng Quảng Bình duy trì kíp trực, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó, tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.
Theo báo cáo của Sở NN- PTNT tỉnh Quảng Bình hiện dung tích các hồ đập trong tỉnh mới đạt mức 30%, đã có phương án vận hành chặt chẽ, bảo đảm an toàn trước đợt mưa bão sắp tới. Riêng hồ Phú Vinh đã được đầu tư nâng cấp hệ thống thân đập kiên cố. Trong sáng 9/9, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình đã đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn ở cơ sở điều trị bệnh nhân COVID - 19 tại Trường cao đẳng Luật miền Trung. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành Y tế, bên cạnh bảo đảm an toàn cho đội ngũ y bác sĩ, cần rà soát công tác phòng, chống thiên tai, mưa bão, chủ động công tác hậu cần để phục vụ yêu cầu chăm sóc bệnh nhân ngay cả khi mưa bão diễn biến phức tạp.
|
Tàu thuyền vào tránh trú bão tại âu thuyền xã Phú Hải, huyện Phú Vang (Thừa Thiên- Huế) |
Do ảnh hưởng của bão số 5, từ tối qua đến sáng 9/9, tại các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa to, một số nơi tại huyện miền núi tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị xuất hiện lũ gây ngập chia cắt các ngầm tràn. Các địa phương đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão số 5.
Ông Lê Chí Công, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Trị cho biết: “Một số công trình ở miền núi hư hỏng trong đợt mưa lũ năm ngoái chưa khắc phục xong, nay trời mưa nên cuốn trôi. Hiện toàn bộ các công trình hồ chứa, đê kè sạt lở thi công đã xong các hạng mục đảm bảo an toàn vượt lũ trong mùa mưa bão”.
|
Khu neo đậu xã Phú Hải có hơn 200 tàu thuyền vào tránh trú bão an toàn |
Đến sáng nay, tỉnh Quảng Trị còn 82 tàu thuyền với 722 thuyền viên đang hoạt động trên biển, chủ yếu tại khu vực đảo Cồn Cỏ, vùng biển Hoàng Sa và vịnh Bắc Bộ. Hầu hết các chủ phương tiện đánh bắt trên biển đã nhận được thông tin hướng di chuyển của bão và tìm cách vào bờ tránh bão.
Tại Thừa Thiên - Huế, việc ứng phó mưa lũ, bão lớn trong tình hình ảnh hưởng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay được xem là “nhiệm vụ kép” mà các địa phương đang triển khai.
|
Ngư dân thu dọn ngư cụ tại âu thuyền tránh, trú bão xã Phú Hải (huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) |
Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên -Huế cho biết, nhằm ứng phó bão lụt trong thời gian tới, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn trường hợp xảy ra bão lụt, sạt lở đất và đảm bảo phòng, chống dịch, thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly. Công tác di dời dân do các địa phương chủ động, ngoài yếu tố “4 tại chỗ” còn phải đảm bảo an toàn chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.
|
Tàu thuyền vào tránh trú bão ở cảng cá Thuận An TP. Huế |
Đối với bão Conson, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị các địa phương theo dõi diễn biến của bão, thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết về diễn biến xấu của thời tiết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) cho hay, địa phương luôn theo sát diễn biến thời tiết, căn cứ trên thông tin, dữ liệu đó để đưa ra giải pháp ứng phó. Cụ thể, trong trường hợp bão giật cấp 10-11 sẽ tiến hành di dời 2 dãy nhà sát biển và bão giật trên cấp 12 sẽ di dời 3 dãy nhà ven biển với khoảng 151 hộ luôn trong trạng thái “di dời cứng”. Địa phương này cũng vừa đầu tư 6 thiết bị đẩy thuyền từ ngân sách của xã để giúp ngư dân đưa thuyền từ bờ lên khu vực an toàn tránh bão.
|
Hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân miền Trung đã vào bờ an toàn |
“Công tác di dời dân giai đoạn hiện nay không chỉ an toàn trong thiên tai mà còn đảm bảo khoảng cách, không tập trung, có đủ thiết bị ứng phó dịch bệnh nên công tác chuẩn bị của địa phương phải chủ động ngay từ bây giờ và hoàn thiện dần trong những đợt mưa bão tiếp theo để làm sao phải đảm bảo “4 tại chỗ” nhưng cũng phòng chống được dịch bệnh”, ông Sửu khẳng định.
Thuận Hóa - Phan Ngọc - Duơng Quỳ