Miền Trung: Khẩn cấp ngăn chặn cháy rừng trước mùa bão lũ

31/07/2023 - 06:28

PNO - Do nắng nóng kéo dài, nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra ở các tỉnh miền Trung, thiêu rụi một số cánh rừng phòng hộ. Mất “lá chắn xanh”, miền Trung sẽ trở nên mong manh hơn khi mùa bão, lũ đang cận kề.

Nhiều cánh rừng phòng hộ bị thiêu rụi

Những ngày cuối tháng 7/2023, khu vực Trung Bộ vẫn đang đối diện với đợt nắng nóng gay gắt. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 28/7, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có nắng nóng với nhiệt độ 35-37 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55 - 60%, thời gian nắng nóng từ 12 đến 17g. Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Chỉ tay về vườn chè đã cháy đen sau nhà, bà Đinh Thị Liên - 63 tuổi, ở xã Tân Thượng Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - cho biết, khoảng 9g sáng 12/7, người dân phát hiện lửa bùng phát từ đỉnh đồi thông 50 năm tuổi ở phía sau nhà bà Tân. Các lực lượng chức năng đã tích cực dập lửa nhưng do nắng nóng, gió thổi mạnh nên lửa bùng phát mạnh và lan rộng. Mãi đến sáng 13/7, ngọn lửa được dập tắt nhưng hơn 10ha rừng thông và keo đã bị thiêu rụi. “Tối đó, người ta tới phun nước lên mái nhà để tránh bắt lửa. Cũng may, khi lửa tới sát nhà thì người ta đã dập được” - bà kể.

Một cánh rừng ở thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị lửa thiêu rụi năm 2022 - ẢNH: THUẬN HÓA
Một cánh rừng ở thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị lửa thiêu rụi năm 2022 - Ảnh: Thuận Hóa

Ông Ngô Công Đức - 64 tuổi, ở cùng xã - cho hay, rừng thông trên thỉnh thoảng bị cháy, nhưng đám cháy không lớn. Vụ cháy rừng tối 12/7 là lớn nhất từ trước đến nay ở xã Tân Thượng Lộc. Hàng chục cây tràm 8 năm tuổi sau nhà ông Đức bị thiêu rụi nhưng ông nói, điều ông lo nhất là rừng thông liệu có khả năng tái sinh hay không: “Ở đây, chúng tôi đều lấy nguồn nước từ trên núi xuống để uống. Nếu rừng không còn thì e là nguồn nước cũng mất luôn. Cây chết, địa hình ở đây lại rất dốc, nếu mưa lũ đến thì rất dễ sạt lở”.

Lúc 12g ngày 5/7, một người dân đốt rác đã làm cháy rừng phi lao ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình giữa lúc nắng nóng và gió phơn tây nam thổi mạnh. Rất may, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới đã nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện đến chữa cháy kịp nên diện tích bị cháy chỉ hơn 1ha. 

Anh Trần Văn Châu - cán bộ Trạm bảo vệ rừng Dinh Mười, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới - cho biết, trạm có 7 người, trong đó có 4 người diện hợp đồng bán chuyên trách, được giao quản lý gần 4.000ha rừng, trong đó có gần 1.000ha rừng phòng hộ thuộc 4 xã của các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Điều đáng lo là rừng phòng hộ ven biển phía nam Quảng Bình có diện tích khoảng 20.000ha, chủ yếu là phi lao, lớp thực bì khô rất lớn, lại nằm giữa khu dân cư và đường tránh Quốc lộ 1A  nên nếu cháy, hậu quả sẽ rất lớn.
 

Ở thôn Lạc Câu, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, người dân đang ổn định lại việc sản xuất sau vụ cháy rừng ngày 2/4. Đám cháy đã thiêu rụi hơn 24ha rừng keo lưỡi liềm với chức năng phòng hộ, chống cát bay thuộc dự án trồng rừng trên đất cát ven biển Nam Trung Bộ (PACSA). Các ngành chức năng của tỉnh đã huy động nhiều lực lượng phối hợp chữa cháy.

Bà Nguyễn Thị Dần (thôn Lạc Câu) nói: “Vùng này toàn bãi cát dọc bờ biển, phải nhờ rừng chắn gió, ngăn cát bay, mới trồng được rau ăn. Rừng thì cũng chỉ có cây phi lao, keo, tràm mới sống nổi. Đợt cháy rừng vừa rồi khiến cây cối hư hết. Không có rừng, nhà cửa cũng nóng bức hơn”. Bà nói thêm, nhiều mùa bão qua, nhờ đào hầm trú ẩn bên rừng phi lao mà bà con được bình yên.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, 5 năm qua, tỉnh này có 136 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 618ha rừng trồng các loại. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 12 vụ cháy rừng với diện tích hơn 42ha, trong đó huyện Thăng Bình có 5 vụ cháy, thiệt hại 40,94ha (chiếm 97% toàn tỉnh).

 

Huyện Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam có 12.733ha rừng trồng với độ che phủ đạt 41,24%. Đây là huyện nằm trong vùng cảnh báo nguy cơ cháy rừng trọng điểm của tỉnh Quảng Nam với khoảng 561,7ha rừng có nguy cơ cao, chủ yếu là rừng thông, tập trung ở các xã Duy Hòa, Duy Châu, Duy Phú, Duy Trinh, Duy Trung.

Mất rừng, bão lũ sẽ mặc sức càn quét

Ông Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá, rừng phòng hộ giúp ngăn lũ, chống xói mòn, chống sạt lở đất. Nước mưa rơi xuống vùng có rừng sẽ được giữ lại nhiều hơn trong tán cây, trong đất nên lượng nước chảy thành dòng trong mùa lũ giảm đi. Rừng cản không cho tốc độ chảy trên mặt đất quá nhanh, làm cho dòng lũ chảy chậm hơn, giảm mức độ đột ngột của từng trận lũ. Vì thế, những vùng có nhiều rừng che phủ sẽ giảm được hạn hán và lũ lụt. Rừng càng nằm gần đầu nguồn sông, tác dụng điều hòa dòng chảy càng lớn hơn. 

 

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An tổ chức thu dọn lớp thực bì để phòng ngừa cháy rừng - ẢNH: KHÁNH TRUNG
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An tổ chức thu dọn lớp thực bì để phòng ngừa cháy rừng - Ảnh: Khánh Trung

Rừng cũng có tác dụng chắn gió, cản sức nước và làm suy yếu sức mạnh của gió ở những vùng có bão đi qua. Mặt khác, rễ cây rừng cũng góp phần hút nước lũ. Sự biến mất của rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ sẽ làm gia tăng lũ lụt, xói mòn, sạt lở đất, lũ quét, làm mất cân bằng sinh thái.

Ông Hoàng Hải Minh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng, 3 tháng qua, tỉnh này chưa xảy ra cháy, là do UBND tỉnh chỉ đạo bố trí lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn 24/24 giờ mỗi ngày, lập kế hoạch thật sát với thực tế, truy trách nhiệm người đứng đầu về phòng cháy. 

UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị lâm nghiệp, kiểm lâm phải sử dụng thành thạo các phần mềm để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng qua ảnh viễn thám, nhập và truyền dữ liệu trực tuyến, truy xuất báo cáo, góp phần tiết kiệm nguồn nhân lực, thời gian, minh bạch hóa kết quả giám sát rừng. “Phải giữ rừng nghiêm ngặt mới hạn chế được thiệt hại do thiên tai” - ông Hoàng Hải Minh nói.
 

Một cánh rừng phòng hộ ở tỉnh Quảng Nam bị lửa thiêu rụi. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Quảng Nam xảy ra 12 vụ cháy rừng với diện tích hơn 42ha - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Một cánh rừng phòng hộ ở tỉnh Quảng Nam bị lửa thiêu rụi. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Quảng Nam xảy ra 12 vụ cháy rừng với diện tích hơn 42ha - Ảnh: Đình Dũng 

Tại các cửa rừng của tỉnh Nghệ An, ai muốn vào rừng đều phải xuất trình giấy tờ, khai báo lý do, trình phương tiện để kiểm tra. Do kinh phí eo hẹp nên lực lượng kiểm lâm khá vất vả do phải tự phát đường băng cản lửa trong các cánh rừng. 
Ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, để giải phóng sức người canh giữ rừng, chi cục đã lắp đặt 4 camera ở 3 huyện Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Camera giám sát liên tục cả ngày lẫn đêm với bán kính quan sát được từ 7 - 10km, rất hiệu quả trong việc phát hiện sớm để kịp thời huy động lực lượng ứng cứu, dập lửa khi xảy ra cháy rừng. Chi cục sẽ tiếp tục lắp đặt thêm 4 camera nữa. 

Nhóm phóng viên

Dùng biện pháp thủy lâm để hạn chế cháy rừng

Rừng có tác dụng rất lớn trong việc phòng, chống thiên tai và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, phải thừa nhận là thời gian qua, rừng của chúng ta suy giảm cả về diện tích lẫn chất lượng. Điều này cộng với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt đã làm phát sinh các trận thiên tai gây hậu quả lớn, như sạt lở đất ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị hoặc ngập nặng ở TP Đà Nẵng.

Cháy rừng là do thiên tai và nhân tai, nhưng dù với nguyên nhân nào thì chúng cũng gây ra thảm họa. Với vai trò của cơ quan làm khoa học, chúng tôi kiến nghị thêm một số giải pháp. Đối với giải pháp lâm sinh, chúng ta có thể tạo ra băng cản lửa trong các khu rừng bằng cách trồng các loại cây khó cháy. Về giải pháp công trình, những năm qua, chúng tôi đã nghiên cứu giải pháp thủy lâm và đã ứng dụng cho rừng ở đèo Hải Vân. 

Theo đó, chúng tôi dùng công nghệ thu trữ nước ngầm tầng nông ở các sông suối ít nước trong mùa cạn. Sau khi thu gom, nước sẽ tập trung về các bể chứa để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ở các khu vực rừng dễ cháy như rừng thông, hệ thống ống thu gom lan tỏa sẽ cho nước rỉ ra để tạo tầng ẩm cho bề mặt đất rừng, hạn chế lửa cháy. Giải pháp này có thể áp dụng ở các khu rừng phân tán và khu rừng có nguy cơ cháy cao.

Ngoài ra, chúng ta cần áp dụng thêm các giải pháp khác, như xây dựng kỹ thuật trồng rừng, quản lý rừng và bảo vệ rừng; sử dụng công nghệ viễn thám và các công nghệ khác để xây dựng các bản đồ về nguy cơ, bản đồ dự báo, bản đồ cảnh báo cháy rừng ở các khu vực cụ thể; lắp đặt camera để tăng cường giám sát ở các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.

Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên

Thiếu trầm trọng phương tiện chữa cháy rừng

Xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có 7.200ha rừng, trong đó có nhiều vùng rừng có tre, nứa, rất dễ bắt lửa và cháy lan. Năm 2021, khi rừng ở xã này bị cháy, người dân phải chặt cành cây để dập lửa do thiếu phương tiện. Mới đây, UBND xã đã trích ngân sách, mua được hơn chục cái vỉ để dập lửa khi có cháy rừng. 

Ông Hoàng Công Trường - Chủ tịch UBND xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - cho biết, toàn xã có 320ha rừng thông, phần lớn giáp quốc lộ và tỉnh lộ, có nhiều phương tiện qua lại nên rất khó kiểm soát người ra vào rừng, nguy cơ cháy rừng rất cao. Tuy nhiên, cả xã chỉ có duy nhất 1 máy cưa và 2 máy thổi gió, được trang bị từ hơn 10 năm trước. 

Được biết, toàn huyện Diễn Châu có gần 6.000ha rừng thông. Những năm gần đây, đã xảy ra cháy rừng ở các xã Diễn Phú, Diễn Lợi. Nhưng, toàn huyện cũng chỉ có 11 máy cưa và 30 máy thổi gió đã cũ, khó sử dụng. Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu - cho biết, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ thêm 50 máy thổi gió và 30 máy cưa nhưng chưa được duyệt. 

Ông Nguyễn Quốc Minh - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An - cho biết, các năm qua, chi cục đã trang bị thêm nhiều phương tiện chữa cháy rừng như máy thổi gió, máy cưa, vỉ dập lửa, dao phát nhưng số lượng còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Ngoài các phương tiện chữa cháy, chi cục cũng đề xuất UBND tỉnh xuất kinh phí lắp đặt 20 camera giám sát rừng với kinh phí khoảng 10 tỉ đồng và đang chờ phê duyệt.

Phan Ngọc

Nạn cháy rừng đe dọa nhiều nước châu Âu

Trong tháng 7/2023, châu Âu trải qua đợt hạn hán, nắng nóng kéo dài nên nạn cháy rừng gia tăng, diễn biến phức tạp, đe dọa nhiều quốc gia.

Ở Hy Lạp, các đám cháy xuất hiện từ ngày 19/7 trên đảo Rhodes và lan tới các khu nghỉ mát ven biển, phía đông nam hòn đảo. Tính tới nay, có khoảng 20.000 người phải sơ tán, trong đó có cả khách du lịch; nhiều công ty du lịch phải hủy các chuyến đi tới hòn đảo này.

Đặc biệt, đám cháy rừng ở phía tây thành phố Athens xảy ra từ ngày 17/7 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Lửa đã thiêu rụi hơn 100 ngôi nhà và cơ sở kinh doanh. Các nước bao gồm Ý, Israel, Pháp và Cyprus đã điều phương tiện và nhân viên cứu hỏa đến Hy Lạp để hỗ trợ, trong đó có các máy bay ném bom nước. Tuy nhiên, việc dập lửa gặp khó khăn do gió mạnh và nhiệt độ cao.

Ở Croatia, ngày 13/7, đám cháy rừng gần thị trấn ven biển Sibenik đã nhanh chóng lan rộng do gió nam thổi mạnh. Chính quyền địa phương đã huy động 56 lính cứu hỏa cùng 20 xe và 3 máy bay chữa cháy, nhưng họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát ngọn lửa. Đám cháy đã khiến ngôi làng Grebastica bị thiệt hại nặng nề, nhiều ô tô và nhà cửa bị phá hủy.

Ở Nga, hôm 12/7, vụ cháy rừng xảy ra tại ngôi làng nhỏ Shaidurikha gần thành phố Yekaterinburg ở vùng Urals - miền trung nước này - khiến 1 phụ nữ tử vong, 2 người bị phỏng, 41 căn nhà bị thiêu rụi. 

Ngày 15/7, vụ cháy rừng đã xảy ra trên đảo La Palma của Tây Ban Nha khiến hơn 4.000 người phải sơ tán. Đến ngày 19/7, ngọn lửa mới được khống chế. Vụ hỏa hoạn này đã thiêu rụi 2.900ha rừng, trong đó có 200ha của công viên quốc gia Caldera de Taburiente.

Tổng cục Lâm nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ngày 16/7, một số đám cháy đã xuất hiện ở 2 tỉnh phía đông nam nước này là Hatay, Mersin và tỉnh Canakkale ở phía tây bắc.

Hôm 17/7, cảnh sát Thụy Sĩ buộc phải ban hành lệnh sơ tán đối với hơn 200 người đang sinh sống trong một số ngôi làng miền núi Bitsch thuộc bang Valais gần biên giới Italy do đám cháy rừng lan rộng.


Mỹ Uyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI