Miền Trung: Giá thực phẩm, đồ dùng chống bão tăng

28/09/2022 - 06:32

PNO - Trước khi cơn bão số 4 (Noru) đổ bộ, người dân ở các tỉnh được dự báo nằm trong tâm bão khẩn trương chằng chống nhà cửa, dự trữ lương thực, thực phẩm nên giá các mặt hàng thiết yếu cũng tăng cao.

 

Sáng 27/9, rất đông người đến chợ Đống Đa (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) mua hàng hóa ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Sáng 27/9, rất đông người đến chợ Đống Đa (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) mua hàng hóa Ảnh: Đình Dũng

Quảng Nam: Người dân đổ xô mua các vật dụng dùng để gia cố nhà cửa, như dây thép, dây kẽm, túi ni-lông lớn để đựng nước, bao tải để chứa cát... Anh Trần Văn Phương (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) cho biết, nhà anh lợp tôn nên mỗi khi có bão, anh phải chằng chống, dằn vật nặng lên: “Nghe dự báo đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây nên không ai dám chủ quan. Nhà tôi đã chằng dây cáp rồi nhưng vẫn phải mua thêm túi ni-lông để đựng nước, dằn trên mái cho chắc chắn. Giá cả vật liệu nay cũng tăng nhẹ so với trước, như dây cáp tăng 3.000-4.000 đồng/m, ni-lông tăng 2.000-3.000 đồng/túi”.

Việc tăng giá đã được dự báo từ trước do cầu vượt cung. Ông Hồ Văn Trí (bán vật liệu xây dựng ở P.Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) cho hay, cửa hàng của ông đã bán hết sạch dây thép, dây kẽm, túi ni-lông từ ngày hôm qua.

Để phòng trường hợp cơn bão gây ảnh hưởng dài ngày, người dân cũng đổ xô mua thực phẩm. UBND tỉnh Quảng Nam cũng khuyến cáo người dân tích trữ lương thực đủ dùng cho 5-7 ngày. Do đó, giá thực phẩm cũng tăng cao. Chị Trần Thị Thủy (P.Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho hay: “Giá thịt heo tăng từ 12.000-15.000 đồng/kg, giá rau tăng mạnh tùy loại. Nhưng đành chấp nhận thôi. Phải tích trữ để khi bão tới, có cái mà ăn”.

TP.Đà Nẵng: Chị Phan Thị Hân (P.Mân Thái, Q.Sơn Trà) cho biết: “Bão thổi vào rồi qua nhanh nhưng sợ sau đó mưa kéo dài, rau quả, thịt cá khan hiếm nên tôi phải chủ động đi mua, dự trữ cho 3-4 ngày. Bữa nay, giá rau củ quả đắt hơn ngày thường 1.000-5.000 đồng/kg nhưng các sạp không đủ hàng để bán”. Giống như chị Hân, mọi người cũng kéo nhau đi mua thực phẩm để dự trữ, nhiều nhất là rau xanh, các loại thịt, mì tôm, trứng, sữa, cá khô, mực khô, xúc xích, bánh mì… Ngoài ra, người dân cũng mua nhiều vật dụng để gia cố nhà cửa như dây thép, đinh, bao bố.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn - Trưởng ban Quản lý (BQL) chợ Đống Đa (Q.Hải Châu) - cho biết do người dân cần mua đồ dự trữ nên BQL tăng cường kiểm tra nhằm ngăn tiểu thương găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Đại diện siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho biết, lượng khách bắt đầu tăng cao từ thứ Bảy tuần trước, riêng trong ngày 26 và 27/9 đã tăng gấp đôi. Khách chủ yếu mua thực phẩm tươi sống và đồ ăn liền như mì gói, phở gói, sữa…

Sáng 27/9, rất đông người đến chợ Đống Đa (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) mua hàng hóa - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Sáng 27/9, rất đông người đến chợ Đống Đa (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) mua hàng hóa - Ảnh: Đình Dũng

Từ sáng 26/9, Sở Công thương TP.Đà Nẵng đã cử đoàn công tác đến một số chợ lớn để đi kiểm tra hoạt động kinh doanh, giá cả. Bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc sở - cho biết ngoài triển khai các phương án cung ứng nguồn hàng, sở đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện chủ động bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ người dân các vùng bị ảnh hưởng của bão Noru. 
Theo bà, sở đã chỉ đạo các BQL chợ và các đơn vị trực thuộc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, tiểu thương tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu, không lợi dụng bão lụt để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý. Sở cũng yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi tăng cường dự trữ hàng hóa, nhất là nhu yếu phẩm, thực phẩm, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến hay khan hiếm hàng hóa.

Thừa Thiên - Huế: Giá rau xanh, thịt cá tương đối ổn định, riêng giá mì gói tăng từ 5.000-10.000 đồng/thùng tùy số lượng đặt mua. Giá bầu, bí, mướp đắng, khoai lang tăng 1.000-2.000 đồng/kg. 

Chị Hồ Thị Ngọc Bích (TP.Huế) nói: “Do lo bão Noru gây ngập lụt nên tôi tranh thủ đi chợ Cống mua thêm gia vị, mì gói, gạo, mắm, muối để dự trữ. Tôi thấy người mua đông hơn ngày thường nhưng giá không bị đẩy lên cao, hàng cũng không bị khan hiếm”.

Tại chợ Đông Ba (TP.Huế), 12g trưa 27/9, dù sắp đến thời điểm phải rời khỏi chợ để tránh bão (trước 13g) nhưng lượng khách đến mua nhu yếu phẩm dự trữ vẫn còn khá đông. Chị Hoàng Minh Thy cho biết, đã mua đủ thức ăn để dự trữ phòng bão, lụt kéo dài: “Chợ Đông Ba sẽ đóng cửa và cúp điện trong bão nên tôi chủ động sắm các đồ dùng cần thiết và đồ ăn liền cho yên tâm”.

Theo bà Hoàng Thị Như Thanh - Trưởng BQL chợ Đông Ba - trong ngày 27/9, các quầy bán rau củ quả, mì gói hút khách nhất. BQL chợ liên tục dùng loa phát thanh yêu cầu tiểu thương bán đúng giá, đồng thời cử đoàn trực tiếp đến từng quầy nhắc nhở tiểu thương. 

Để ứng phó bão Noru và hoàn lưu sau bão, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo Sở Công thương có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực, thực phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ việc phòng, chống thiên tai, trong đó gồm 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo.

Quảng Ngãi: Các tiệm tạp hóa, siêu thị mini đông khách mua mì ăn liền, trứng… tích trữ. Bà Nguyễn Thị Thủy (H.Bình Sơn) cho biết, bà vừa mua 20 bao ni-lông loại lớn (để chứa nước, dằn mái tôn) với giá 3.000 đồng/cái, tăng 2.000 đồng/cái so với ngày thường. Chị Nguyễn Thị Bích Phượng - chủ siêu thị Đại Dương Xanh ở P.Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi - cho hay mặt hàng bán chạy nhất của siêu thị trong ngày 27/9 là mì gói. Người dân mua nhiều mì gói để tích trữ, phòng trường hợp mưa to, gió lớn kéo dài sau bão.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng H.Bình Sơn - thông tin phòng đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh bán đúng giá, đồng thời lập đoàn đi kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức tăng giá bất hợp lý. UBND H.Bình Sơn đã dự trữ hơn 300 thùng mì ăn liền, hơn 300 thùng nước uống đóng chai, hơn 20 tấn gạo, hơn 5.000 lít nước mắm để sẵn sàng cứu trợ dân ở những vùng nguy cấp.

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi - cho hay hàng hóa được dự trữ đầy đủ, các siêu thị có đủ hàng để phục vụ dân trong một tuần. Sở đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra hoạt động kinh doanh, yêu cầu các siêu thị, chợ, cửa hàng cam kết không tăng giá trước, trong và sau bão. Gần 210 cửa hàng bán vật liệu xây dựng đã ký cam kết không tăng giá. 

Nhóm phóng viên miền Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI